Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Cân não với bài toán lãi suất

Thứ Tư 21/04/2021 | 17:00 GMT+7

VHO-Các ngân hàng đang dư thừa tiền dẫn đến lãi suất huy động giảm mạnh, từ đó có thể giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên nhiều chuyên gia lại lo ngại dòng tiền sẽ dịch chuyển ra khỏi ngân hàng và đổ vào các kênh rủi ro hơn như chứng khoán, bất động sản, dẫn đến nguy cơ “bong bóng tài sản”.

Lãi suất xuống thấp sẽ khiến dòng tiền chảy ra khỏi ngân hàng tìm đến các kênh đầu tư rủi ro hơn. Ảnh minh hoạ

Ngân hàng dư thừa tiền

Những tháng đầu năm 2021, dù tín dụng tăng mạnh, thanh khoản các ngân hàng đã bớt dồi dào so với cuối năm ngoái nhưng các ngân hàng vẫn trong tình trạng dư thừa tiền.

Điều này được thể hiện trên thị trường liên ngân hàng, khi lãi suất dù nhích nhẹ so với cuối năm 2020 nhưng vẫn ở mức rất thấp, dao động trong khoảng 0,25 - 0,35 đối với kỳ hạn qua đêm và 0,35 – 0,50% đối với kỳ hạn 1 tuần.

Do thừa tiền nên nhiều ngân hàng phải chủ động hạn chế huy động vốn. Như tại Vietcombank – ngân hàng đang dẫn đầu hệ thống về quy mô tín dụng (năm 2020 tăng xấp xỉ 14%), nhưng thanh khoản vẫn đang rất dồi dào. Vietcombank cũng đang là nhà cho vay lớn nhất trên thị trường liên ngân hàng.

Để tăng hiệu quả kinh doanh, lãnh đạo ngân hàng này đã đề ra kế hoạch không tăng trưởng nguồn vốn huy động, do đó duy trì mặt bằng lãi suất huy động thấp hơn các ngân hàng khác khoảng 0,2%.

Dù vậy, theo ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, huy động tiền gửi cá nhân của Vietcombank vẫn tăng cao. Riêng tiền gửi doanh nghiệp có giảm do ngân hàng chủ động giảm song xét về tổng nguồn vốn huy động, Vietcombank vẫn dẫn đầu thị trường về quy mô tiền gửi không kỳ hạn (CASA).

Do lãi suất huy động giảm xuống mức thấp trong suốt năm 2020 nên đã giúp biên lãi ròng (NIM) các ngân hàng tăng mạnh. Thống kê từ Công ty Chứng khoán SSI cho thấy, trong năm 2020 lãi suất cho vay đã giảm từ 1 - 1,5%, chậm hơn mức giảm của lãi suất tiền gửi (2 - 2,5%), Nhờ đó NIM của hầu hết các ngân hàng thương mại đã tăng rất mạnh trong nửa cuối năm 2020, lên mức cao lịch sử, khoảng 4%.

Còn số liệu từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), năm 2020, chênh lệch lãi suất của Việt Nam có cải thiện hơn và tăng lên mức 3,5% (so với mức 2,7% vào năm 2019 – số liệu từ Wold Bank).

Nhưng lãi suất khó giảm thêm

Với việc lãi suất huy động xuống thấp, một số chuyên gia cho rằng các ngân hàng có thể xem xét giảm thêm lãi suất cho vay. Đánh giá của ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp thuộc Ban Kinh tế Trung ương, lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng ở Việt Nam vẫn đang ở mức cao so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực như: Trung Quốc, Thái Lan… Điều này đã làm giảm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam , đồng thời, tạo rào cản phát triển cho các thị trường vốn khác.

Do đó, ông Nguyễn Tú Anh cho rằng hiện tại Việt Nam đã có đủ điều kiện (dòng vốn ngoại tệ thặng dư liên tục, áp lực lạm phát thấp, vốn nước ngoài đổ vào trong nước tăng nhanh…) để có thể thực hiện chính sách tiền tệ lãi suất thấp mà không quá quan ngại đến các yếu tố vĩ mô khác.

Tuy nhiên, phân tích bài toán lãi suất, nhiều chuyên gia lại cho rằng việc duy trì lãi suất thấp kéo dài có thể khiến dòng tiền chảy ra khỏi hệ thống ngân hàng, hướng đến các kênh đầu tư rủi ro khác, dẫn đến nguy cơ bong bóng tài sản.

TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, có một số nguyên nhân khiến lãi suất tại Việt Nam khó giảm thêm.

Thứ nhất là, lạm phát của Việt Nam cao hơn nhiều nước trong khu vực và thế giới. Thứ hai là, rủi ro nền kinh tế và rủi ro của doanh nghiệp Việt Nam cao hơn vì xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức BB, trong khi Indonesia đã được đánh giá mức BBB, Trung Quốc đã gần lên mức A.

Thứ ba là, chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra của nước ta vẫn còn thấp hơn một số nước trong khu vực.

Cuối cùng, lãi suất đầu vào khó giảm thêm vì lạm phát của chúng ta vẫn đang ở mức cao. “Người gửi tiết kiệm luôn kỳ vọng lãi suất tiền gửi ở mức dương, tức là cao hơn lạm phát. Trong khi đó, lạm phát ở Việt Nam đang ở mức cao hơn so với khu vực. Thậm chí năm nay, chúng tôi cũng dự báo áp lực lạm phát có thể cao hơn so với năm ngoái” – TS Cấn Văn Lực nói.

Do đó, vị chuyên gia cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần phải điều hành thận trọng lãi suất. Không nhất thiết phải tiếp tục giảm lãi suất vì mức lãi suất huy động và cho vay hiện nay đã rất thấp. Nếu lãi suất thấp, dòng tiền có nguy cơ sẽ chảy sang các kênh đầu tư khác rủi ro hơn.

Cùng quan điểm, các chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) cũng cho rằng một trong những hiệu ứng không mong muốn của chính sách tiền tệ nới lỏng là có thể dẫn đến “bong bóng tài sản”, nhất là trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Các chuyên gia chỉ ra, thực tế trong năm 2020, các thị trường tài sản đã có sự tăng trưởng đáng kể, chủ yếu vì đó là nơi trú ẩn cho khoản tiền nhàn rỗi của nhà đầu tư và hộ gia đình. Điều này có thể hiểu được trong giai đoạn khủng hoảng. Tuy nhiên, việc lãi suất huy động tiền gửi liên tục hạ do cầu tín dụng giảm, đang đẩy dòng tiền tiết kiệm ra khỏi ngân hàng ngày càng nhanh hơn.

Thêm vào đó, khi mức tăng giá trên các thị trường tài sản đủ lớn để tạo ra hiệu ứng của cải (wealth effect) thì mức tiêu dùng sẽ tăng đối với các mặt hàng không phải thiết yếu.

“Điều này dẫn tới sự lan tỏa của sự tăng giá từ thị trường tài sản sang thị trường tiêu dùng, dù chậm chạp, nhưng có thể cảm nhận được. Đây cũng là một biểu hiện của hiện tượng tăng giá khi chính sách nới lỏng tiền tệ được theo đuổi trong thời gian đủ dài” – Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý I/2010 của VERP chỉ ra.

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cũng đã lên tiếng cảnh báo hiện tượng “bong bóng” có thể xảy ra đối với các thị trường tài sản đang tăng trưởng nhanh như chứng khoán, bất động sản. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, bên cạnh sự khởi sắc của bức tranh kinh tế quý I, đã xuất hiện vấn đề cần chú ý khi nguồn vốn tập trung vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro hơn. Nguyên nhân chủ yếu là do lãi suất thấp.

Bên cạnh đó, công tác quản lý đất đai, quy hoạch còn hạn chế khiến các đối tượng môi giới tạo nên các cơn sốt đất đẩy giá bất động sản nhiều khu vực tăng mạnh thời gian gần đây, bất chấp diễn biến của dịch bệnh.

Trong lĩnh vực tài chính, thị trường trái phiếu phát triển nhanh nhưng chủ yếu là trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng, sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất còn hạn chế.

Trên thị trường chứng khoán có một nghịch lý là tổng mức huy động vốn vào thị trường tăng cao nhưng giá trị phát hành cổ phiếu giảm, cho thấy nguồn vốn vào thị trường không hoàn toàn để phục vụ mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Nỗ lực giảm lãi suất cho vay

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, việc điều hành chính sách lãi suất trong thời gian tới vẫn trên quan điểm trước hết là ổn định đối với cả lãi suất huy động và cho vay.

Tuy nhiên, cũng phải cẩn trọng với những dấu hiệu tác động của kinh tế thế giới như: việc dịch chuyển giữa các dòng vốn từ thị trường tiền tệ sang thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản… để điều hành chính sách lãi suất một cách hợp lý.

Nếu các yếu tố đó vẫn tích cực thì Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tìm cách giảm cả lãi suất huy động và cho vay. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung hạn chế, giảm bớt chi phí, tạo điều kiện giảm tiếp lãi suất cho doanh nghiệp và người dân.

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top