Check-in ở Phú Quý

VHO- Giữa rừng nguyên sinh và cát trắng nguyên sơ, giữa bạt ngàn ghềnh đá và triền biển đẹp như mơ trải dài vô tận, tất cả chúng tôi đều “ngất ngây say đắm”.

Check-in ở Phú Quý - Anh 1

 Đón bình minh trên núi Cao Cát

Ai cũng có cảm giác “lạc” vào thiên đường của biển có một không hai cách đất liền 56 hải lý của tỉnh Bình Thuận quanh năm gió cát nhưng thấm đẫm tình người.

Tạm biệt thành phố Phan Thiết mộng mơ, chúng tôi đến đảo Phú Quý sau 4 giờ hải trình tàu cao tốc. Từ xa, đảo Phú Quý như một “tấm thảm” xanh giữa mênh mông biển cả. “Hồi hộp, thấp thỏm, chờ đợi tàu cập bến”, là tâm trạng của tất cả gần 100 thành viên chúng tôi, nhất là những người lần đầu ra đảo Phú Quý thân thương này.

Sau khi làm thủ tục “check-out”, điểm đầu tiên chúng tôi hành quân tới là Cột mốc chủ quyền để làm Lễ trao cờ Tổ quốc cho các chủ ghe tàu và tặng học bổng cho các em học sinh của đảo. Trước biển mênh mông sóng nước, chúng tôi đặt tay lên tim mình. Lời Quốc ca “Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc” thấm vào gan ruột. Anh Nguyễn Trung Thành chia sẻ: “Tôi như bị lạc vào thiên đường biển. Lần đầu tiên tôi đến đảo Phú Quý, tất cả rất xúc động. Đứng dưới cột mốc chủ quyền, đưa tay lên ngực mình trong lời Quốc ca, cảm giác Tổ quốc thiêng liêng gần gũi đến lạ kỳ”.

Rời Cột mốc chủ quyền, chúng tôi lên núi Cao Cát. Đây là ngọn núi cao so với mực nước biển hơn 200 mét và cũng là điểm dừng chân của tất cả du khách đến Phú Quý du lịch. Không thể tả hết được cảnh đẹp bao la của biển cả, màu xanh ngút ngàn của rừng nhìn từ điểm cao này, chỉ biết tất cả mọi người đều “đắm chìm” trong cảm xúc lâng lâng. Ghi lại những tấm hình làm kỷ niệm, “chép” vào điện thoại khoảnh khắc lúc Mặt trời đỏ ối nhô lên từ biển. Quả là thiếu sót nếu không nói đến bờ kè trong chuyến hành trình đến xứ sở “thừa nắng gió, thiếu nước ngọt rau xanh” này. Đó không chỉ là “vành đai” chắn sóng từ hướng biển bảo vệ người dân đảo Phú Quý, mà còn là nơi neo đậu trú tránh của hàng ngàn tàu cá của bà con ngư dân mùa mưa bão. Đây cũng là điểm “check-in” của những ai đến đảo Phú Quý chọn cho mình một phong cách lãng mạn ngắm biển nước mây trời giữa không gian bao la.

Một trong những điểm được coi là “mạo hiểm” và “hút” khách du lịch đó là những “hồ chắn sóng”. Những “hồ” này thực chất trước đây là nơi nuôi tôm cá của người dân. Nhưng nó lại trở nên “nguy hiểm” mỗi mùa mưa bão. Sau này người dân đảo Phú Quý tìm được nơi nuôi trồng thuỷ sản trong lồng bè, nơi này trở thành địa điểm du lịch mà không ai có thể bỏ qua nếu đến Phú Quý.

Đảo Phú Quý không rộng như đảo Phú Quốc, không nhiều di tích lịch sử như đảo Côn Lôn, nhưng cảnh vật thiên nhiên là “điểm cộng” về sự vượt trội. Chính vì lẽ đó mà nó được gọi là “thiên đường của biển” khiến du khách một lần đến đây đều không thể nào quên và ước mong một ngày không xa sẽ quay trở lại. 

 TRẦN MẠNH TUẤN

Ý kiến bạn đọc