Nghề báo là nghiệp xả thân

VHO- Các bậc tiền bối báo chí cách mạng Việt Nam như Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Xuân Thủy… không chọn báo chí làm nghề nhưng họ thực sự xả thân vì báo chí, vì sự nghiệp cách mạng. Hồ Chí Minh sáng lập báo Thanh Niên ngày 21 tháng 6 năm 1925 để từ đó sinh ra biết bao nhà báo cách mạng đã không ngại hy sinh, tù đày, khó khăn, gian khổ vì độc lập tự do của dân tộc, vì sự nghiệp báo chí cách mạng vinh quang.

Nghề báo là nghiệp xả thân - Anh 1

 Nhóm phóng viên báo, đài lao vào tâm dịch để thông tin trung thực và kịp thời về công tác phòng, chống dịch Covid-19

 Kế thừa truyền thống vẻ vang đó, những người làm báo hôm nay cũng nổi lên những tấm gương xả thân vì sự nghiệp. Nói như thế có thể có người cho rằng, trong thời bình thì làm báo có gì mà phải xả thân? Đúng là nhà báo hôm nay không phải xông pha trong khói lửa, đạn bom chiến tranh ác liệt, nhưng họ lại âm thầm tham gia phá án, chống tham nhũng, chống tệ nạn mãi dâm, ma túy… cũng đòi hỏi phải xả thân với không ít gian khổ, hy sinh.

Cạnh đó, sức công phá của những “viên đạn bọc đường” thời nay cũng có khả năng hủy diệt ghê gớm. Tổn hại sinh mạng trực tiếp như thời bom đạn có thể là không, nhưng tổn hại nhiều mặt, thậm chí làm cho thân bại, danh liệt là có thật. Chỉ một thoáng dao động thôi là có thể bị “bay khỏi nghiệp xả thân”, thậm chí còn vướng vòng lao lý. Đồng tiền cám dỗ, những người có nhiều “tiền bẩn” cũng lắm mưu ma chước quỷ giăng lưới khắp nơi, nhà báo chỉ cần quên sứ mệnh vinh quang là vì cộng đồng, vì sự tiến bộ xã hội… rất dễ gục ngã.

Nghề báo là nghiệp xả thân - Anh 2

 Một nữ phóng viên lặn lội dưới bùn để có những thước phim chất lượng về một lễ hội truyền thống Ảnh: PHẠM HÙNG

Tiếc rằng, loài người chưa có thuốc chữa đặc hiệu cho những người trúng “đạn bọc tiền”, nhưng bù vào lại có “vắcxin” hữu hiệu phòng bệnh hám tiền, hại dân, hại nước. “Vắcxin” hữu hiệu đó chính là văn hóa. Người có văn hóa trọng danh dự hơn là tiền bạc, quyền lực. Vẫn có câu, “đói cho sạch, rách cho thơm” để răn dạy người ta gìn giữ phẩm giá làm người. Báo chí ngày nay, với vai trò phản biện xã hội ngày càng được đề cao thì yếu tố văn hóa càng cần được đặt lên hàng đầu. Có nền tảng văn hóa vững chắc, người làm báo mới thể hiện được cái tâm, cái tầm của mình khi xử lý các vấn đề mang tính phản biện xã hội. Thiếu cái tâm, ngòi bút dễ bị bẻ cong vì những lợi ích nhóm đang bị xã hội khinh bỉ và lên án. Thiếu cái tầm, thiếu văn hóa nhận thức không hiểu việc, hiểu người, hiểu chính sách… làm sao có thể phản biện! Phản biện xã hội không phải là phản kháng, phản đối. Tính chiến đấu của phản biện xã hội là sự trung thực, là sự xả thân vì tiến bộ xã hội, lợi ích cộng đồng.

Nhiều khi nhà báo cần sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân, không ngại “va chạm” dẫn đến thiệt thòi, thậm chí bị trù dập để đứng về phía cái đúng, cái chân lý. Như vậy nhà báo không chỉ có tâm, có tầm mà còn phải có tài, có tinh thông nghiệp vụ, pháp luật và những kỹ năng sống, kỹ xảo nghề để thắng cái gian dối, cái giả tạo, đề cao cái đúng, cái thực, cái có lợi cho quốc gia, dân tộc. Tôn trọng sự thật, trung thực là phẩm chất mang tính văn hóa, lại là nền tảng vững chắc nhất của người làm báo. Chỉ có trung thực, tôn trọng sự thật thì người làm báo mới thực hiện tròn vai phản biện xã hội.

Nghề báo là nghiệp xả thân - Anh 3

 Cánh phóng viên, nhà báo đang tác nghiệp tại một sự kiện thể thao nước nhà Ảnh: TR.HUẤN

Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới với khát vọng chính đáng và có cơ sở để trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Tuy nhiên, những khó khăn trước mắt cũng không ít gian lao. Đại dịch Covid-19 đang hoành hành khắp thế giới. Việt Nam dù phòng, chống dịch tốt cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng tiêu cực và toàn diện của đại dịch. Hình dung mỗi ngày hàng trăm ca mắc mới, nơi này, nơi kia giãn cách xã hội, giao thương trong nước cũng như giao thương quốc tế đang bị hạn chế nhiều khiến kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cùng với các lực lượng y tế, quân đội, công an… báo chí cũng đang trên tuyến đầu chống dịch. Chống dịch mà vẫn phải phát triển kinh tế - xã hội thật không hề đơn giản. Thêm vào đó lại còn những thông tin vô trách nhiệm, hoặc cố tình chống phá trên mạng xã hội làm cho tình hình càng thêm phức tạp.

Các nhà báo, hơn lúc nào hết phải thể hiện bản lĩnh và tài năng của mình để thông tin kịp thời, đầy đủ và hấp dẫn, góp phần chống dịch thành công và tăng trưởng kinh tế - xã hội bền vững. Muốn vậy mỗi nhà báo cần tâm niệm nghề báo - nghiệp xả thân!

Hà Nội 20 tháng 6 năm 2021

 

 “Vắcxin” hữu hiệu đó chính là văn hóa. Người có văn hóa trọng danh dự hơn là tiền bạc, quyền lực. Vẫn có câu, “đói cho sạch, rách cho thơm” để răn dạy người ta gìn giữ phẩm giá làm người. Báo chí ngày nay, với vai trò phản biện xã hội ngày càng được đề cao thì yếu tố văn hóa càng cần được đặt lên hàng đầu. Có nền tảng văn hóa vững chắc, người làm báo mới thể hiện được cái tâm, cái tầm của mình khi xử lý các vấn đề mang tính phản biện xã hội…

 

TS NGUYỄN VIẾT CHỨC

Ý kiến bạn đọc