Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Chuyện về những người truyền tin từ tâm dịch

Thứ Hai 21/06/2021 | 11:29 GMT+7

VHO- Dịch Covid-19 ngày một diễn biến phức tạp khó lường và cũng vì thế cánh phóng viên, nhà báo rất khó tiếp cận tại vùng dịch bởi yếu tố an toàn. Nhưng mỗi khi họ vào được trong tâm dịch thì luôn mang trong mình sứ mệnh là mối liên kết, truyền tin giữa vùng dịch với bạn đọc, xã hội bên ngoài.

 Có những lúc mệt đến nỗi mà Thạch Thảo và đồng nghiệp không thể nói chuyện với nhau

 Lê Thị Thạch Thảo với tuổi nghề vẫn còn rất trẻ đang trong những ngày theo dõi sức khỏe, cách ly y tế tại nhà sau khi trở về từ tâm dịch ở Bắc Ninh. Thảo cùng đồng nghiệp Đỗ Hoàng Hiệp, phóng viên một tạp chí điện tử đã cùng nhau trải qua 17 ngày nắng gắt trong trang phục quần áo phòng dịch lăn lộn hết khu cách ly, bệnh viện, điều trị, xét nghiệm… ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh).

“Em sợ ngất đi thì không làm được việc”

Thạch Thảo đã hai lần xung phong vào tâm dịch, trước đó là 34 ngày ở tâm dịch Hải Dương. Hai lần vào tâm dịch là những lần trải nghiệm với cung bậc cảm xúc khác nhau trong cuộc đời. Nếu như ở Hải Dương là lần đầu làm quen với đề tài dịch bệnh, cô phóng viên trẻ luôn phải căng mình nắm bắt thông tin, nghĩ đề tài, tiếp cận… thì ở Bắc Ninh lại là những ngày làm việc đến kiệt sức vì công việc và thời tiết nắng nóng, khắc nghiệt. Khi hỏi về cảm giác về những ngày làm việc ở Bắc Ninh, Thạch Thảo cho biết, đó là nỗi sợ hãi, sợ mình bị ngất, choáng và không đủ sức làm việc.

“Đó là ngày mà cả hai anh em đều làm việc đến mức không còn cảm giác gì. Cuối buổi sáng hôm đó, sau khi lấy hết tư liệu, anh Hiệp giục em ra về vì đã quá mệt và mất nước, không thể chịu hơn được nữa, anh bị kính chắn giọt bắn thít vào đầu rất đau. Nhưng em vẫn còn cố ở lại vì đó là buổi làm việc tại khu điều trị bởi để liên hệ vào tận nơi là rất khó khăn nên em muốn tận dụng cơ hội để có thể ghi lại được hình ảnh, tư liệu nhiều nhất có thể, chỉ thêm 5 -10 phút thôi. Khi ra cởi bộ bảo hộ, anh Hiệp bỗng ngồi thụp xuống và thều thào nói, “anh bảo em đi ra mà em vẫn còn cố” như kiểu anh ấy sắp ngất. Sau buổi trưa, sức khỏe của anh ấy ổn hơn và tiếp tục công việc của buổi chiều là theo chân chị nhân vật đi lấy mẫu xét nghiệm. Lần này lại đến lượt em, lúc đi về dường như em không còn cảm giác được gì nữa. Anh Hiệp hỏi em vài lần, dù biết anh hỏi, vẫn còn nhận thức nhưng em không thể trả lời, lên xe là nằm lịm đi”, Thảo chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ ở Bắc Ninh.

Dù đã nhiều lần đi công tác nhưng chưa bao giờ Thảo lại thấy tủi thân như vậy, thế mà hôm sau sức khỏe ổn hơn, hai anh em lại động viên nhau, lại mặc lên mình quần áo bảo hộ cấp 4 và tiếp tục công việc của mình. Động lực mà hai anh em làm việc hết mình như vậy được nữ phóng viên trẻ gói gọn trong một câu: “Mệt nhưng mà vui”. Vui vì làm được nhiều việc và hôm sau phải cố gắng làm nhiều việc hơn thế. Giờ giấc cũng không cố định, các y bác sĩ, nhân viên y tế còn làm việc thì mình phải theo chân họ, theo chân đội truy vết. Khi phòng xét nghiệm làm việc xuyên đêm hai anh em lại có mặt để ghi nhận và tới 2-3 giờ sáng mới về nhà, nghỉ ngơi…

“Khi ở tâm dịch, em không nghĩ mình là phóng viên nữa mà nghĩ mình là sợi dây liên kết, liên kết những con người, những câu chuyện ở trong vùng dịch với độc giả phía bên ngoài. Em được các y bác sĩ, người dân, công nhân kể những câu chuyện của bản thân họ và em kể lại những nội dung đó ra bên ngoài để độc giả có thể hình dung được bức tranh toàn cảnh nơi tuyến đầu chống dịch. Điều đó chính là niềm cảm hứng để em quên đi những vất vả, mệt mỏi mà tiếp tục tìm tòi những câu chuyện để đưa ra ngoài”, Thạch Thảo tâm sự.

 Ê kíp làm phim của nhà báo Phạm Nhung tiếp cận với bệnh nhân Covid-19 Ảnh: N.V

Khi nhân vật chính từ chối hợp tác ở phút cuối

Nếu phóng viên tác nghiệp độc lập trong vùng dịch đã khó khăn thì ê kíp truyền hình còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa. Nữ nhà báo Phạm Nhung (Truyền hình Kỹ thuật số VTC) cho biết, với đặc thù cơ quan truyền hình, tác nghiệp cần hình ảnh, âm thanh trực tiếp tại hiện trường, phóng viên và quay phim phải vào trực tiếp vùng dịch nên chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ càng.

Chia sẻ những trải nghiệm đáng nhớ khi làm bộ phim tài liệu “Việt Nam - Cuộc chiến 100 ngày”, Phạm Nhung cho hay: “Khi bắt tay vào triển khai, chúng tôi đã có một kịch bản và câu chuyện cũng rất hay. Mọi việc dường như rất thuận lợi. Nhưng đúng là ý người không bằng ý trời, tình hình dịch Covid-19 có rất nhiều phức tạp và diễn biến thay đổi rất nhanh. Khi triển khai câu chuyện ở Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) đã rất kỳ công nhưng vào giây phút cuối thì nhân vật chính của câu chuyện (bệnh nhân số 0 hay còn gọi là bệnh nhân siêu lây nhiễm) đã từ chối hợp tác. Mọi diễn biến từ đó đã thay đổi hẳn vì nhân vật chính từ chối không tham gia thì có nghĩa là toàn bộ phim cũng sẽ không thể thực hiện được nữa. Tôi đã phải thuyết phục bệnh nhân bằng mọi cách nhưng cũng không được…”.

Buồn có, chán nản có, thất vọng nhưng ngưng lại một vài ngày nữ nhà báo và các đồng nghiệp của mình lấy lại tinh thần và quan trọng là được sự động viên, sát sao của Ban lãnh đạo kênh nên ê kíp lại không cho phép mình bỏ dở câu chuyện. Và tất cả mọi người trong ê kíp lại mặc áo bảo hộ, đeo khẩu trang, tấm chắn bảo vệ, luôn mang trên người nước sát khuẩn và nghiêm túc tuân thủ sự chỉ dẫn của các cán bộ y tế khi tác nghiệp tại vùng dịch. Không những thế, các trang thiết bị từ micro, pin, chân máy… đều được bọc màng bảo vệ.

Không phụ công sức, cố gắng của ê kíp, bộ phim “Việt Nam – Cuộc chiến 100 ngày” đã đoạt giải Bạc thể loại phim tài liệu Liên hoan Truyền hình toàn quốc 2020. 

 QUY TẮC ĐẠO ĐỨC BÁO CHÍ TRONG MÔI TRƯỜNG KỸ THUẬT SỐ: Thách thức và thích nghi của Việt Nam

Nhằm thực hiện mục tiêu khai thác nguồn lực quốc tế phục vụ các nhiệm vụ của ngành thông tin và truyền thông, Bộ TT&TT phối hợp UNESCO tổ chức Hội thảo Quy tắc đạo đức báo chí trong môi trường kỹ thuật số: thách thức và thích nghi của Việt Nam. Hội thảo dự kiến diễn ra trong 2 ngày 24-25.6, dưới hình thức trực tuyến. Các chủ đề nóng sẽ được bàn thảo tại hội thảo gồm: Khái niệm về Đạo đức truyền thông và hệ quả; Kỷ nguyên số, truyền thông đa phương tiện mới và các sai phạm trên mạng; Kinh nghiệm trong việc triển khai các quy tắc đạo đức báo chí trong môi trường số của các quốc gia thành viên UNESCO;

Kinh nghiệm trong việc triển khai các quy tắc đạo đức báo chí trong môi trường số của Việt Nam; Các thách thức trong việc triển khai các các quy tắc đạo đức báo chí trong môi trường số của Việt Nam; Khuyến nghị về xây dựng bộ quy tắc đạo đức báo chí trong môi trường số của Việt Nam.

THẢO PHƯƠNG

 Khi ở tâm dịch, em không nghĩ mình là phóng viên nữa mà nghĩ mình là sợi dây liên kết, liên kết những con người, những câu chuyện ở trong vùng dịch với độc giả phía bên ngoài. Em được các y bác sĩ, người dân, công nhân kể những câu chuyện của bản thân họ và em kể lại những nội dung đó ra bên ngoài để độc giả có thể hình dung được bức tranh toàn cảnh nơi tuyến đầu chống dịch. Điều đó chính là niềm cảm hứng để em quên đi những vất vả, mệt mỏi mà tiếp tục tìm tòi những câu chuyện để đưa ra ngoài.

THẠCH THẢO

 

QUỲNH HOA

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top