Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Để bảo tàng Nước là “bảo tàng sống”

Thứ Hai 28/06/2021 | 10:18 GMT+7

VHO- Với lối kiến trúc độc đáo và cảnh quan tự nhiên hài hòa bên dòng sông Hương, di tích Nhà máy nước Vạn Niên 1 sẽ được xây dựng thành một bảo tàng Nước có một không hai ở Việt Nam.

 Công trình di tích Nhà máy nước Vạn Niên 1 sẽ là bảo tàng Nước có “một không hai” của Việt Nam

Đây sẽ là nơi trưng bày các tư liệu, hiện vật quý liên quan đến nhà máy nước hơn 110 năm tuổi; giới thiệu những bước phát triển của ngành cấp nước trong quá trình đô thị hóa Huế.

“Biểu tượng” công nghiệp văn hóa tại Huế

Năm 2004, khi Nhà máy nước Vạn Niên 1 được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh, lãnh đạo Nhà máy đã ấp ủ cho kế hoạch xây dựng một bảo tàng Nước tại đây. Thông qua nhiều mối quan hệ với các cơ quan hợp tác quốc tế, Công ty Cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWACO) đã tìm hiểu và sưu tập, mua lại nhiều tư liệu, hiện vật quý liên quan đến công trình này đang lưu giữ tại Pháp. Có được các tư liệu quý, HueWACO tiếp tục sưu tầm thêm nhiều hiện vật của Nhà máy nước Vạn Niên 1 qua các thời kỳ để làm “của để dành” cho một bảo tàng trong tương lai…

Theo ông Trương Công Hân, Tổng Giám đốc HueWACO, dự án Nhà máy nước Vạn Niên 3 đang xây dựng, dự kiến đến cuối năm 2021 khi đưa vào vận hành (giai đoạn 1 với 60.000m3/ngày đêm), thì dừng hoạt động ở Nhà máy nước Vạn Niên 1 để chỉnh trang, bảo tồn, tu bổ và tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử nhà máy, tiến tới phục vụ hoạt động trưng bày của bảo tàng Nước. TS Trần Đình Hằng, Trưởng Phân viện VHNT Quốc gia Việt Nam tại Huế cho rằng, việc thành lập bảo tàng Nước tại chính công trình di tích Nhà máy nước Vạn Niên 1 là rất phù hợp. Nhà máy nước Vạn Niên 1 cùng với Nhà máy vôi nước Long Thọ (cùng ở Thủy Biều, TP Huế) là “biểu tượng” của thời văn minh công nghiệp tại Huế. Nhà máy nước được xây dựng dưới thời vua Duy Tân, nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân theo chuẩn của thời đại. Từ bước đầu vận hành sơ khai phải sử dụng than, đến khi có năng lượng điện thì kỹ nghệ liên quan đến lọc nước cũng dần phát triển và công nghệ ngày càng hiện đại như bây giờ…

“Nhà máy nước Vạn Niên 1 là một diễn trình lịch sử từ sơ khai của ngành nước và được xem như là “biểu tượng” của công nghiệp hiện đại gắn liền với quá trình đô thị hóa Huế. Khi xây dựng Huế thành đô thị di sản, thì đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng cần gìn giữ và phát huy. Việc lưu giữ hành trình đó trong một không gian gọi là bảo tàng”, ông Trần Đình Hằng nói. Nhà máy nước Vạn Niên 1 được xây dựng từ năm 1909 đến 1911, dù công trình được kiến trúc sư Brossard (người Pháp) thiết kế, nhưng lại có lối kiến trúc đậm chất truyền thống của phương Đông và cung đình Huế. Hệ khung đỡ của mái được thiết kế bằng sắt (đưa từ Pháp sang), nhưng mái vẫn được làm bằng gỗ lợp ngói âm dương, các đầu hồi uốn cong, bờ nóc khuyết theo mô-tip truyền thống.

Theo đại diện HueWACO, đáng lẽ Nhà máy nước Vạn Niên 1 được “nghỉ hưu” từ gần 50 năm trước, nhưng do không đủ nguồn lực để xây dựng nhà máy mới nên buộc phải duy trì hoạt động trạm bơm ở Vạn Niên 1 cho đến nay. Trải qua thời gian dài, dưới nhiều tác động của thiên tai và môi trường, công trình di tích này đã bị xuống cấp. HueWACO đã nhiều lần sửa chữa từng hạng mục hư hại để tiếp tục vận hành. Do đó, công ty cũng kiến nghị xin được thực hiện tu bổ, phục hồi tổng thể di tích để phát huy giá trị, song song với công tác thành lập Bảo tàng Nước.

 Ống thép tán ri-vê, xuất xứ từ Pháp, được sử dụng ở Nhà máy nước Vạn Niên 1 từ năm 1909

Phát huy di tích gắn liền với giá trị cảnh quan

Ông Nguyễn Liên Minh, Trưởng phòng Thiết kế (thuộc HueWACO), phụ trách đề án lập bảo tàng Nước thông tin rằng: Trước khi thực hiện đề án lập bảo tàng Nước, chúng tôi cũng đã có dịp tham quan và tìm hiểu nhiều mô hình trưng bày ở các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… Trong đó, cách xây dựng bảo tàng Nước ở Seoul (Hàn Quốc) dù quy mô không lớn nhưng là cách làm hay, công chúng dễ tiếp cận. Đây là công trình được xây dựng từ 1908, trước 1 năm so với công trình Nhà máy nước Vạn Niên 1 ở Huế. Ngoài trưng bày các tư liệu và hiện vật quý mà công ty đã sưu tầm được cả ở trong và ngoài nước liên quan đến di tích Nhà máy nước Vạn Niên 1, thì chúng tôi cũng sẽ giới thiệu đến công chúng những công nghệ kỹ thuật xử lý nước hiện đại; giới thiệu quá trình phát triển của kỹ thuật, thiết bị trong ngành cấp nước; tổ chức các sự kiện hội thảo, các chương trình trải nghiệm tìm hiểu về ngành nước trong khuôn viên của di tích này… Hiện nay, chúng tôi đã lưu giữ được nhiều tư liệu và hiện vật liên quan đến việc thiết kế - thi công Nhà máy Vạn Niên 1 từ thời vua Duy Tân; nhiều hiện vật là thiết bị của Nhà máy từ khi vận hành cho đến nay, như các loại van, ống gang, máy rửa lọc khí, trụ cấp nước công cộng, bơm trục đứng, động cơ điện…, và vẫn tiếp tục sưu tầm, bổ sung.

Nhà máy nước Vạn Niên 1 được xây dựng ở ven bờ sông Hương, có không gian cảnh quan tự nhiên hài hòa và gần gũi với môi trường thiên nhiên nên kỳ vọng sẽ là điểm đến thú vị cho cộng đồng dân cư địa phương và du khách trong một tương lai không xa. Nhà nghiên cứu Trần Đình Hằng góp ý rằng, cần biến bảo tàng Nước thành một bảo tàng “sống”, với nhiều hoạt động trình diễn giới thiệu các bước sử dụng nước của người dân từ trước khi có nhà máy, khi có nhà máy nước và cho đến bây giờ. Bảo tàng Nước phải tích hợp, giới thiệu những cách thức sử dụng nước trong sinh hoạt dân gian cho đến hiện đại, từ dùng nước trong giếng, xe đạp nước đưa nước vào sản xuất, nước dùng trong sinh hoạt, trong lĩnh vực y tế… và đi kèm với nó là những hiện vật liên quan, hệ thống máy móc trong diễn trình hoạt động của nhà máy nước. Đồng thời, kết hợp các dịch vụ tìm hiểu, tham quan những di tích lân cận như lăng Tự Đức, chùa Từ Hiếu, đồi Vọng Cảnh…

Những gì còn lại của Nhà máy nước Vạn Niên 1 phải gìn giữ, trong đó lưu ý đến giữ gìn và mã hóa hệ thống rừng thông cảnh quan xung quanh di tích này. Nếu chỉnh trang cảnh quan và trồng thêm chủng loại cây khác trong khuôn viên di tích, cần tham khảo ý kiến của chuyên gia cây xanh và ngành văn hóa. Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, ngành Văn hóa rất ủng hộ chủ trương xây dựng Bảo tàng Nước của HueWACO, và hiện nay tỉnh cũng đang có nhiều chính sách khuyến khích sự phát triển của các bảo tàng ngoài công lập. Thừa Thiên Huế cũng là một trong số ít các địa phương có chính sách khuyến khích hỗ trợ bảo tàng ngoài công lập. 

 SƠN THÙY

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top