Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

“Sống chung” hay tiếp tục đóng cửa?

Thứ Tư 30/06/2021 | 09:36 GMT+7

VHO- Sự lây lan mạnh mẽ của biến chủng Delta tại hầu khắp các châu lục đang phá vỡ những hình mẫu chống dịch Covid-19 trên thế giới và trở thành mối đe dọa kế hoạch quay lại trạng thái bình thường của nhiều quốc gia.

 Tiêm chủng là chìa khóa quan trọng để “sống chung” với Covid-19 Ảnh: AP

Cuộc chiến đẩy lùi virus SARS-CoV-2 cũng thêm thách thức, khiến các quốc gia phải cân nhắc tiếp tục chính sách phong tỏa cứng rắn, hay học cách “sống chung” với sự tồn tại của virus.

Thách thức từ Delta

Theo giới chuyên gia, biến chủng Delta xuất hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ cách đây nửa năm, hiện đã lây lan ra 92 quốc gia. Đây là biến chủng có tốc độ lây lan nhanh nhất, cao hơn 60% so với biến chủng Alpha lần đầu tiên được xác định ở Anh và hơn khoảng 50% so với chủng được xác định đầu tiên ở Vũ Hán (Trung Quốc). Thêm nữa, Delta cũng có khả năng kháng vắcxin hơn các chủng khác và có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn. Tiến sĩ Mike Ryan, giám đốc điều hành chương trình y tế khẩn cấp của WHO cảnh báo, biến chủng này có khả năng “gây chết người cao hơn vì hiệu quả hơn trong cách lây nhiễm giữa người với người và cuối cùng nó sẽ khiến những người dễ bị tổn thương, những người bị bệnh nặng, phải nhập viện và có thể tử vong”.

Hiện Delta đang trở thành biến chủng thống trị của dịch bệnh trên toàn thế giới. Tại Anh, chính phủ nước này đã phải hoãn việc mở cửa hoàn toàn đến ngày 19.7 (kế hoạch là 21.6) khi số ca nhiễm tăng gấp 6 lần kể từ cuối tháng 5, trong đó Delta chiếm khoảng 99% các ca nhiễm mới. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu cũng đã cảnh báo, biến chủng này sẽ chiếm hơn 90% ca nhiễm mới ở châu Âu vào cuối tháng 8. Còn tại Mỹ, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm, tiến sĩ Anthony Fauci nhận định, Delta hiện chiếm 20% ca nhiễm mới, nhưng sẽ là chủng virus chiếm ưu thế trong vài tuần tới và đặt ra “mối đe dọa lớn nhất” cho kế hoạch phục hồi của đất nước.

Trong khi đó, ở các nước từng là hình mẫu chống Covid-19 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, biến chủng Delta cũng đang bủa vây, khiến nhiều quốc gia phải căng mình ứng phó. Tại Singapore, nơi có hơn một nửa dân số đã tiêm ít nhất một liều vắcxin ngừa Covid-19, nhưng vẫn gia tăng nhiều ca nhiễm mới, chủ yếu do chủng Delta. Còn tại Australia, thành phố Sydney và một số vùng lân cận đã phải thực thi lệnh phong tỏa kéo dài 2 tuần kể từ 26.6, nhằm kiểm soát tình trạng bùng phát dịch do biến chủng Delta gây ra...

Giải pháp cho mục tiêu kép

Mặc dù biến chủng Delta có khả năng lây lan mạnh, nhưng hiện vẫn còn những tranh cãi về mối đe dọa thực sự của nó, khi dường như biến chủng này chủ yếu tấn công những người chưa tiêm vắcxin. Trong khi chiến dịch tiêm chủng đang được đẩy mạnh trên toàn cầu, thì nhiều quốc gia cũng cân nhắc bài toán tiếp tục “cửa đóng then cài”, hay sẽ tìm giải pháp thích nghi với sự tồn tại của virus. Thực tế cho thấy, việc đóng cửa biên giới đã giúp giảm thiểu tốc độ lây lan của đại dịch, nhưng lại gây ra thiệt hại nặng nề về kinh tế và xã hội, nhất là đối với các ngành kinh tế mở như du lịch, hàng không... Theo viện McKell ở Sydney (Australia), ước tính việc đóng cửa biên giới khiến xứ sở chuột túi thiệt hại 157 triệu USD mỗi ngày.

Giáo sư kinh tế tại Đại học New South Wales (Australia) Gigi Foster nhận định, việc chú ý quá mức vào các biến chủng đang “đổ thêm dầu vào ngọn lửa sợ hãi” và các cộng đồng cần vượt qua nỗi sợ của họ về Covid-19 để trở lại cuộc sống bình thường. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta nên hướng tới chấm dứt tình trạng đóng cửa biên giới quốc tế và ổn định chính sách, thay vì liên tục phong tỏa. Đồng thời, truyền đi một thông điệp mới, thống nhất rằng chúng ta cần học cách vừa sống chung với Covid-19 vừa giảm thiểu tối đa thiệt hại về người”.

Theo lực lượng phụ trách ứng phó dịch Covid-19 của Chính phủ Singapore, “đã 18 tháng kể từ khi dịch bệnh bắt đầu, người dân của chúng ta mệt mỏi. Mọi người đều đặt câu hỏi: Đến khi nào và bằng cách nào dịch bệnh sẽ chấm dứt? Tin xấu là có thể Covid-19 không bao giờ biến mất, còn tin tốt là chúng ta có thể chung sống bình thường với nó”. Kế hoạch “sống chung” với virus của Singapore tập trung vào 4 nội dung căn bản. Trong đó, tiêm chủng được coi là chìa khóa và để duy trì mức độ bảo vệ cao, chống lại các biến thể mới kháng các loại vắcxin hiện tại, nước này có thể sẽ duy trì một chương trình tiêm chủng toàn diện, kéo dài nhiều năm. Đặc biệt, giới chức nước này nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm xã hội và ý thức của người dân trong chiến lược “sống chung” với Covid-19. 

 HẢI MINH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top