Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Phim truyền hình Việt: Dường như ngày càng bi lụy?

Thứ Sáu 09/07/2021 | 10:27 GMT+7

VHO- Dịch Covid-19 là thời điểm “vàng” để phim truyền hình Việt khẳng định và bứt phá, tuy nhiên, thay vì sự đa dạng “món ăn” thì khán giả đang cảm thấy “bội thực” với hàng loạt đề tài tâm lý gia đình với những tấn bi kịch đầy nước mắt.

Cuộc đời Lệ trong “Mùa hoa tìm lại” là những chuỗi oan ức nối tiếp nhau

 Những giá trị căn bản của cuộc sống hôn nhân được tái hiện trên sóng truyền hình dường như đang quá bi lụy và xa hơn thực tế đã vô hình trung làm người xem ngờ vực vào cuộc sống, phần nào làm thay đổi suy nghĩ của lớp trẻ về gia đình hiện đại.

Chạy đâu cho thoát… phim gia đình

Kể từ đầu năm, ngoại trừ Hồ sơ cá sấu, các phim truyền hình lên sóng vào khung giờ vàng đều thuộc đề tài mâu thuẫn gia đình như Trở về giữa yêu thương, Hướng dương ngược nắng… Khi những tác phẩm này khép lại, khán giả yêu phim hy vọng sẽ được “đổi món” bằng các thể loại khác như hình sự, chính luận... nhưng không, họ tiếp tục chìm đắm trong các “drama” của tình yêu và hôn nhân. Với những Hãy nói lời yêu, Thương con cá rô đồng, Hương vị tình thân, Cây táo nở hoa…, bức tranh gia đình Việt được vẽ liên tục trên sóng truyền hình, đôi khi có nhiều chi tiết quá xa với thực tiễn khiến nhiều người lắc đầu ngao ngán.

Bộ phim tạo được tiếng vang nhất là Hướng dương ngược nắng xoay quanh những mâu thuẫn con chung - con riêng, chính thất - tiểu tam, cuộc chiến tranh giành quyền lực, tài sản… Việc phim cứ kéo dài lê thê đã gây nhiều ức chế cho người xem. Nhiều khán giả đã phản đối và đòi “tẩy chay” vì phim lạm dụng các tình tiết phi thực tế, thậm chí “bi kịch hóa” cuộc đời người phụ nữ.

Hay gần đây nhất, với hơn 200 ngàn lượt xem cùng lúc trên YouTube cho tập 33 và đạt hơn 100 triệu views sau 33 tập phát sóng, Cây táo nở hoa xác lập kỷ lục mới trong lịch sử phim truyền hình. Ở những tập đầu tiên, phim tạo nên sức hút bởi câu chuyện hấp dẫn, xem thấy vui, thấy hay, thấy giống như cuộc đời thật… Thế nhưng, đi cùng với hành trình gia đình Ngọc, khán giả bắt đầu thấy ngán ngẩm bởi quá nhiều bi kịch xảy ra, mà bi kịch sau giống bi kịch trước, cứ lặp đi lặp lại đến vô lý và không thể chấp nhận. Các tập phim ngập tràn cảnh oái oăm và nước mắt khiến nhiều người phải thốt lên: “Cuộc sống đã ngộp thở, xem phim xong… tắt thở luôn”.

Đừng quá bi kịch hóa phim truyền hình

Ban đầu, dàn diễn viên chất và những chi tiết hài hước, dí dỏm, duyên dáng đã tạo nên sức hút cho Cây táo nở hoa, nhưng tiếng cười ngày càng ít đi, nước mắt được thay vào khiến bộ phim trở nên bi lụy. Vì thương em quá mức, Ngọc trở nên nhu nhược, thậm chí mù quáng. Ngọc chấp nhận ly hôn, bán nhà để “chuộc” em khỏi cảnh tù tội. Trong khi đó, Báu, Ngà gây ức chế bởi tuýp nhân vật “mãi không chịu lớn”, gây chuyện hết lần này đến lần khác khiến gia đình xáo trộn. Khán giả đã nổi giận với nhân vật bà Ích, một người mẹ sẵn sàng ruồng bỏ con cái nhưng khi quay lại, bà ăn cắp tiền mừng cưới của con, dàn dựng đặt tiếng xấu nhằm chia rẽ anh em Ngọc… Đa phần người xem cho rằng, những nhân vật và tình tiết câu chuyện đang được đội ngũ biên kịch “tô vẽ” theo lối bi kịch hóa nhằm tạo cao trào, nhân lên sự kịch tính và đúng là hay thì có hay, nhưng nhiều quá lại thành “bội thực”, đôi lúc trở nên tiêu cực, nặng nề.

Trong khi đó, Mùa hoa tìm lại phát sóng trên VTV đang ngày càng “nóng” khi quá khứ buồn của Lệ, nhân vật chính, dần được phơi bày. Lệ vì hoàn cảnh gia đình đã phải chấp nhận việc mang thai hộ. Quá khứ của cô quá buồn, nhưng thực tại lại khó gạt bỏ để bước qua. Bộ phim có nội dung khó đoán, đưa người xem đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác về một làng quê trong thời đại mới. Giữa một xã hội biến chuyển không ngừng, làng quê ấy không còn yên bình mà đầy sóng gió với những mưu mô, toan tính xuất phát từ lòng tham của con người. Chính vì thế, sự vất vả của người phụ nữ lại càng được khắc họa rõ hơn, rõ đến mức khán giả không tìm thấy lối thoát nào cho nhân vật Lệ, khi biến cố cứ liên tiếp ập đến.

Hay nhân vật dì Tư Diệu của NSƯT Hạnh Thúy trong Thương con cá rô đồng cũng khiến khán giả phẫn nộ vì quá độc ác với các cháu. Ông bà có câu “sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì” nhưng dì Tư của năm đứa trẻ mồ côi lại quá nhẫn tâm. Một người dì chẳng biết phải trái, hết ăn cắp tiền đến rắp tâm bày mưu cho ông chủ hãm hại cháu mình… thậm chí, một người cháu vì bị đánh đập quá nhiều còn sinh ra ngu ngơ. Vậy mà người cháu ấy dù đã trưởng thành vẫn nhẫn nhịn, vẫn bỏ qua, vẫn như không có gì. Xem phim, nhiều khán giả than bị ức chế vì cảm thấy quá vô lý.

Không thể phủ nhận rằng, phim gia đình luôn là “mảnh đất màu mỡ” của các nhà làm phim, với những mâu thuẫn chưa bao giờ là cũ và luôn được khán giả quan tâm. Tuy nhiên, việc lạm dụng các tình tiết để tăng sự kịch tính đôi khi lại phản tác dụng, chính vì thế nhà làm phim cần phải cân nhắc, cân đối và đưa ra thông điệp, cách giải quyết câu chuyện rõ ràng, hợp lý cho những mâu thuẫn đó. Làm sao để những kịch tính trở nên hấp dẫn, mới lạ, khiến người xem phải chờ đợi, trông ngóng từng tập, thì đó mới gọi là thành công. 

 HỒNG HẠNH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top