Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Quỹ Học bổng Trần Văn Khê: Truyền lửa cho tài năng âm nhạc truyền thống

Thứ Tư 21/07/2021 | 10:34 GMT+7

VHO- Quỹ Học bổng Trần Văn Khê dự kiến trao giải thưởng lần thứ nhất cho các cá nhân có đóng góp xuất sắc cho hoạt động âm nhạc truyền thống diễn ra vào đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (24.7.1921 -24.7.2021), thế nhưng, kế hoạch này đành phải gác lại do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức phức tạp.

 

 Trần Văn Khê dành cả đời theo đuổi việc nghiên cứu và phát huy giá trị quý báu của âm nhạc  truyền thống Việt Nam

Sau gần 6 năm kể từ ngày GS từ giã cõi tạm, Quỹ học bổng mang tên ông đã chính thức được UBND TP.HCM cấp phép thành lập, dù muộn nhưng đây là hoạt động rất có ý nghĩa.

Trường Đại học Văn Lang chịu trách nhiệm thành lập Quỹ

Quỹ Học bổng ra đời nhằm khuyến khích học sinh - sinh viên, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ đóng góp và phát huy giá trị âm nhạc dân tộc. Quỹ sẽ tiến hành trao giải thưởng cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động âm nhạc truyền thống và cấp học bổng cho những em theo đuổi dòng nhạc nói trên. Việc xét tặng giải thưởng được thực hiện luân phiên theo từng khu vực Nam, Trung, Bắc. Riêng năm 2021 sẽ xét tặng giải cho khu vực Nam Bộ. “Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, chúng tôi rất tiếc vì không thể tổ chức trao giải thưởng như dự kiến. Do đó, Hội đồng quản lý Quỹ đã quyết định dời hoạt động này vào tháng 11, nhân dịp Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23.11”, Nhà báo Nguyễn Thế Thanh, nguyên Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Học bổng Trần Văn Khê cho biết.

Cũng theo bà Thế Thanh, tại lễ trao giải thưởng sẽ có nhiều hoạt động tưởng niệm, tri ân những cống hiến của GS Trần Văn Khê đối với nền âm nhạc dân tộc; chương trình ra mắt Ban sáng lập và Hội đồng quản lý Quỹ; tri ân các Mạnh Thường Quân; biểu diễn nghệ thuật bởi các thế hệ học trò của GS. Cùng với việc trao giải thưởng, Quỹ sẽ tổ chức trao học bổng nhằm tiếp thêm lửa để các thế hệ học sinh - sinh viên có động lực theo đuổi nền nghệ thuật âm nhạc dân tộc nước nhà. Ngoài ra, nhân dịp Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23.11, Hội đồng quản lý Quỹ còn tổ chức hội thảo “Trần Văn Khê với các giá trị truyền thống và đương đại”.

Được biết trước khi mất (24.6.2015), cố GS Trần Văn Khê đã để lại di nguyện, trong đó có việc thành lập Quỹ Học bổng. Sau một thời gian dài tìm kiếm nguồn lực, từ năm 2019, Nhóm thân hữu Trần Văn Khê gồm GS.TS Trần Quang Hải - con trai GS Trần Văn Khê, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, nhà báo Nguyễn Thế Thanh, ông Hồ Thủy Tinh, TS Nguyễn Nhã, doanh nhân Lê Quốc Ân, ông Trần Bá Thùy, bà Lê Ngọc Hân… đã nhận được sự hợp tác tâm huyết và mạnh mẽ của Ban lãnh đạo Trường Đại học Văn Lang. Nhà trường chịu trách nhiệm thành lập Quỹ Học bổng theo di nguyện của GS Trần Văn Khê.

Mong một không gian văn hóa mang tên ông

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Học bổng Trần Văn Khê, trên cơ sở tâm nguyện của cố GS là được sống và làm việc những năm cuối đời tại quê hương, Sở VHTT TP.HCM lúc đó đã khởi thảo đề án nhà Trần Văn Khê vào tháng 11.2003, lập một biên bản mang tính pháp lý giữa Giáo sư và Sở VHTT TP.HCM vào ngày 14.5.2004. Theo các căn cứ đó, Nhà nước đã bố trí ngôi nhà 32 Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh để làm nơi sống và làm việc cho GS Khê những năm cuối đời, quản lý theo chế độ công sản. Sở đã tổ chức tiếp nhận, phân loại 435 kiện sách và hiện vật âm nhạc quý mà ông chuyển từ Pháp về, trong đó có hơn 10.000 đầu sách, tạp chí liên quan đến nghiên cứu, giới thiệu âm nhạc thế giới và âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Năm 2006, GS Trần Văn Khê đã chuyển về ở hẳn tại đây và tổ chức hàng loạt các hoạt động văn hóa, hàng trăm buổi tọa đàm về đàn tranh, đàn đá, hát bội, vọng cổ, ca trù, múa bóng rỗi, nghệ thuật ngâm thơ truyền thống Việt Nam… khiến cho ngôi nhà vượt ra khỏi tầm của một tư gia. Ông đã bày tỏ trong di nguyện ước mơ của mình là “Khi tôi vĩnh viễn ra đi, ngôi nhà này sẽ được sử dụng để làm nhà lưu niệm Trần Văn Khê, là nơi gặp gỡ, giao lưu của văn nghệ sĩ quan tâm đến văn học nghệ thuật nước nhà. Tất cả hiện vật gắn với đời sống nghề nghiệp của tôi đem từ Pháp về: Sách vở, báo chí, phim ảnh, sổ ghi chép, đĩa hát các loại, các nhạc khí, máy ghi hình, ghi âm, máy chuyển tư liệu nghe nhìn, tranh, hình ảnh đều giao lại cho Ban quản lý nhà lưu niệm giữ để phục vụ cộng đồng”… Tuy nhiên, sau khi ông qua đời, vì nhiều lý do mà nhà số 32 Huỳnh Đình Hai đã được TP bố trí vào việc khác. Sách vở, tài liệu của GS đã được đưa về lưu trữ tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM. Hiện vật của ông một phần gia đình gìn giữ, một phần nằm trong kho lưu trữ của Bảo tàng TP.HCM để trưng bày mỗi dịp kỷ niệm liên quan đến GS...

Cùng với Quỹ Học bổng, Nhóm thân hữu Trần Văn Khê cũng đang xúc tiến thành lập không gian văn hóa mang tên ông tọa lạc trong khuôn viên Trường ĐH Văn Lang, TP.HCM. Dự kiến đây sẽ là không gian trưng bày hình ảnh, tư liệu, hiện vật về GS Trần Văn Khê đến công chúng và sinh viên, đồng thời còn là nơi giao lưu, gặp mặt của giới trí thức, nhà văn hóa, âm nhạc trong và ngoài nước yêu mến ông…

GS Trần Văn Khê trọn một đời theo đuổi việc nghiên cứu và phát huy giá trị quý báu của âm nhạc truyền thống Việt Nam. Các chuyên đề nghiên cứu và đào tạo của ông về Đờn ca tài tử, về Cải lương Việt Nam trong đối sánh với các loại hình âm nhạc, kịch nghệ của các quốc gia châu Á (Pansori của Triều Tiên, Kinh kịch của Trung Quốc, Noh và Kabuki của Nhật Bản) đã được giới âm nhạc quốc tế đánh giá rất cao. Từ đó, nhiều bộ môn văn hóa - nghệ thuật dân tộc của Việt Nam với sự góp sức trực tiếp và gián tiếp của ông đã được UNESCO ghi danh Di sản Văn hóa phi vật thể như Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Ca trù, Quan họ Bắc Ninh, Đờn ca tài tử Nam Bộ… 

TÙNG THƯ

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top