Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Cần có đội ngũ nhân tài văn hóa thực tài, thực đức

Thứ Sáu 23/07/2021 | 10:46 GMT+7

VHO- Sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế yêu cầu cần có nhiều nhân tài văn hóa thực tài, thực đức. Nhưng thực tế ở Việt Nam hiện nay, đội ngũ nhân tài văn hóa không nhiều. Để quy tụ và phát triển đội ngũ này, cần những giải pháp mang tính đột phá, chiến lược.

 GS.TS Hoàng Chí Bảo

Văn hóa và con người, xây dựng và phát triển văn hóa, hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam theo hệ giá trị Chân - Thiện - Mỹ là một hệ vấn đề lớn, có ý nghĩa cơ bản, lâu dài ở tầm chiến lược phát triển, và cũng luôn có tính thời sự, bức xúc trong đời sống hiện nay.

Nguồn lực con người là quan trọng nhất

Văn hóa, trong ý nghĩa đích thực là không hẹp hòi mà bao dung, không vị kỷ mà vị tha, không giữ cho riêng mình mà biết trao tặng, dâng hiến, biết góp vào “gia tài” chung những gì tốt đẹp nhất của mình để trân trọng và xứng đáng nhận lại những gì tốt đẹp nhất của người. Phải làm cho văn hóa trở thành diện mạo tinh thần của một dân tộc, là “tấm căn cước” của dân tộc khi đến với thế giới và đưa thế giới vào với dân tộc. Nội lực, nội sinh có mạnh thì mới thu được ngoại lực, ngoại sinh vào mình.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh xây dựng văn hóa và con người Việt Nam với những nhận thức mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với văn hóa, chú trọng tính đồng bộ giữa kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội; đồng thời đầu tư các nguồn lực đủ mạnh, đổi mới chính sách, cơ chế quản lý văn hóa, tạo động lực phát triển văn hóa, xây dựng con người đúng với vai trò, tầm quan trọng và ý nghĩa của nó trong thời kỳ mới.

Để tạo ra sức mạnh tổng hợp, phải chú trọng bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút, trọng dụng nhân tài…, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất. Đó chính là văn hóa, văn hóa trong kinh tế, văn hóa trong chính trị, hướng đích vào chất lượng con người. Muốn bồi dưỡng sức dân và thu hút, trọng dụng nhân tài có hiệu quả trước hết phải thấm nhuần quan điểm trọng dân, mục đích cao nhất của phát triển là hướng vào phục vụ đời sống của dân, tạo cơ hội và điều kiện để phát huy sức sáng tạo của dân, giải phóng mạnh mẽ mọi tiềm năng ở trong dân và trong xã hội. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng đã tập trung làm rõ những nội dung cốt yếu phải giải quyết để xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Đây cũng là định hướng những quan điểm lớn để ngành văn hóa, các lĩnh vực hoạt động có quan hệ trực tiếp với văn hóa và con người, lấy đó làm cơ sở triển khai các nhiệm vụ cụ thể trong tổ chức và hoạt động của ngành, thu hút sự quan tâm, chú ý và cộng đồng trách nhiệm của các lực lượng xã hội, của cả hệ thống chính trị cùng tham gia, cùng chia sẻ trách nhiệm.

 Một trích đoạn tại cuộc thi tài năng diễn viên chèo toàn quốc 2020 Ảnh: THÚY HIỀN

Phải có nhiều nhân tài văn hóa

Muốn đóng góp vào “gia tài” chung thì phải giàu có, chứ không thể nghèo nàn - ở đây là các giá trị của văn hóa. Do đó, phải có rất nhiều nhân tài văn hóa, có sức sáng tạo lớn. Phải có nhiều nhân tài văn hóa thì mới tạo ra được tiềm lực trong hội nhập, tiềm năng để phát triển và thực lực để sáng tạo.

Nhân tài, nhất là nhân tài văn hóa, phải tỏ rõ thực tài, thực đức; phát huy được tài đức của mình, có uy tín và có tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội. Họ phải thực sự là hiện thân của nhân tài, hiền tài. Phương pháp ứng xử, rộng hơn là phương pháp dùng người, chính sách sử dụng, đào tạo - bồi dưỡng và động lực thúc đẩy tài năng, phải là mối quan tâm thường xuyên của các nhà lãnh đạo, quản lý.

Nhân tài văn hóa rất đa dạng trong cơ cấu loại hình, cơ bản gồm: những tài năng xuất sắc trong sáng tạo văn hóa, văn học nghệ thuật; những nhà lãnh đạo, quản lý văn hóa, góp công sức vào xây dựng chiến lược và chính sách văn hóa, tác động đến tiến trình và kết quả hội nhập văn hóa của Việt Nam vào thế giới; đội ngũ doanh nhân thời mở cửa, hội nhập đóng góp to lớn vào sự phát triển của đất nước. Với cơ cấu loại hình đa dạng như vậy, xây dựng nhân tài văn hóa, hình thành đội ngũ nhân tài văn hóa ở nước ta nằm trong chiến lược phát huy nhân tài. Do đó, muốn xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với các đặc trưng Dân tộc - Nhân văn - Dân chủvà Khoa học để hội nhập thành công, phát triển nhanh và bền vững, phải có chiến lược xây dựng nhân tài văn hóa; có đầu tư lớn, kế hoạch với tầm nhìn xa; chính sách khuyến khích, trọng dụng, thúc đẩy nhân tài, trọng đãi hiền tài thật phù hợp.

Tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những ngày đầu lập nước là dân tộc Việt Nam nhất định phải trở thành một dân tộc thông thái. Khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là khát vọng phát triển trong độc lập tự do, để dân tộc Việt Nam bước lên đài vinh quang, sánh vai được cùng các cường quốc năm châu. Tư tưởng - Đạo đức - Phong cách Hồ Chí Minh gợi mở cho chúng ta định hướng xây dựng nhân tài văn hóa hiện nay ở mấy điểm cốt yếu sau: Một là, xác định quan điểm về vai trò của nhân tài văn hóa trong phát triển, hiện đại hóa đất nước. Không có nhân tài văn hóa thì đất nước không thể phát triển; truyền thống văn hóa, văn hóa dân tộc không được giữ gìn và phát huy. Hai là, phải đặc biệt chú trọng phát hiện, bồi dưỡng và phát triển các năng khiếu, tài năng trong khoa học, văn học nghệ thuật.

Phải chú trọng phát hiện, bồi dưỡng và phát triển các năng khiếu, tài năng trong văn học nghệ thuật

 Không chỉ quan tâm, coi trọng, mà còn phải có những tác động cụ thể bằng chính sách, bằng cơ chế tạo động lực cho năng khiếu, tài năng bộc lộ và phát triển.

Ba là, chú trọng xây dựng đội ngũ nhân tài văn hóa với cơ cấu loại hình hợp lý, chú trọng tính kế thừa thế hệ, đặc biệt quan tâm tới tài năng trẻ, khuyến khích các nhân tài văn hóa Việt Nam đang ở nước ngoài đóng góp vào sự phát triển trong nước và kết nối hợp tác với thế giới, hợp lý vùng miền, giới tính, dân tộc… Bốn là, đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu, tài năng để trở thành nhân tài là đào tạo chuyên biệt, đào tạo đặc biệt; do đó không dàn trải, không đại trà mà phải đặt chất lượng lên hàng đầu để có tài năng lớn, những người hiền tài thực sự là chân tài, nhất là trong lĩnh vực nghệ thuật là lĩnh vực đòi hỏi phải có năng khiếu thật sự.

Năm là, bảo đảm môi trường dân chủ, tự do, kích thích sự sáng tạo của các tài năng. Tạo dư luận xã hội tích cực, tôn vinh hiền tài, quý trọng nhân tài. Xây dựng văn hóa ứng xử với người tài trên tinh thần tôn trọng, tin cậy, khoan dung. Học tập tấm gương của Hồ Chí Minh trong giao tiếp, ứng xử, đối xử đầy lòng vị tha, khoan dung đối với nhân tài trí thức, văn hóa, khoa học, giáo dục, cũng như xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa Đảng với nhân tài văn hóa.

Lĩnh vực nghệ thuật là lĩnh vực đòi hỏi phải có năng khiếu thật sự

Để xây dựng và phát triển đội ngũ nhân tài văn hóa ở nước ta, cần chú trọng phát triển lĩnh vực văn học - nghệ thuật với những đầu tư toàn diện, đúng tầm, tương xứng với vai trò của văn hóa trong phát triển, đủ sức tạo ra “vườn ươm” các nhân tài văn hóa, phát triển các tài năng văn nghệ sĩ, từ đó sáng tạo ra các tác phẩm văn học nghệ thuật có tầm vóc, đem lại hiệu ứng rộng lớn trong đời sống tinh thần xã hội, có tác dụng quảng bá những giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế.

Đầu tư nguồn nhân lực cho phát triển văn hóa, trong đó có đầu tư để xây dựng và phát triển đội ngũ nhân tài văn hóa là đầu tư gián tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội, cho phát triển tiềm lực quốc gia, là đầu tư phát triển đất nước trong hiện tại cũng như trong tương lai. Đây là đầu tư theo chiều sâu, thể hiện tầm nhìn chiến lược, nhất là chủ động chuẩn bị thực lực quốc gia - dân tộc trong hội nhập quốc tế, đủ sức để thắng thế trong cạnh tranh, vượt qua các thách thức gay gắt trên con đường phát triển trong xu thế toàn cầu hóa, trong bối cảnh hội nhập.

 Đầu tư nguồn nhân lực cho phát triển văn hóa, trong đó có đầu tư để xây dựng và phát triển đội ngũ nhân ti văn hóa là đầu tư gián tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội, cho phát triển tiềm lực quốc gia, là đầu tư phát triển đất nước trong hiện tại cũng như trong tương lai.

Đây là đầu tư theo chiều sâu, thể hiện tầm nhìn chiến lược, nhất là chủ động chuẩn bị thực lực quốc gia - dân tộc trong hội nhập quốc tế, đủ sức để thắng thế trong cạnh tranh, vượt qua các thách thức gay gắt trên con đường phát triển trong xu thế ton cầu hóa, trong bối cnh hội nhập.

 

 GS.TS HOÀNG CHÍ BẢO

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top