Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Mô hình khám bệnh từ xa: Giảm áp lực cho hệ thống y tế trong đại dịch

Thứ Hai 26/07/2021 | 09:17 GMT+7

VHO- Với ưu điểm cho phép người dân tham vấn bác sĩ mà không cần ra khỏi nhà, tránh nguy cơ lây nhiễm hoặc phát tán virus, mô hình khám bệnh trực tuyến đã cho thấy hiệu quả tích cực trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp.

 Một bác sĩ đang tư vấn trực tuyến cho bệnh nhân mắc Covid-19 ở Ấn Độ Ảnh: THE WASHINGTON POST

Đặc biệt, khi số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến khiến hệ thống y tế của nhiều quốc gia quá tải, thì mô hình này đã trở thành “cứu cánh” quan trọng.

Lời giải cho quá tải

Khi làn sóng Covid-19 thứ 2 tại Ấn Độ bùng phát dữ dội, hệ thống y tế của nhà sản xuất vắcxin hàng đầu thế giới bị “vỡ trận” nghiêm trọng. Nhiều bệnh viện không thể tiếp nhận bệnh nhân thêm đến thăm khám và điều trị. “Lối thoát” từ mô hình khám bệnh từ xa đã mang đến cơ hội được tham vấn bác sĩ cho nhiều bệnh nhân ngoại trú. Thông qua các ứng dụng trực tuyến, không ít người bệnh tại Ấn Độ đã có thể liên lạc với các bác sĩ ở Mỹ, Anh... để nhờ xem các kết quả xét nghiệm, hướng dẫn thở và cách thức tự chăm sóc sức khỏe tại nhà.

Với đặc thù là các bác sĩ nước ngoài không được cấp phép kê đơn cho bệnh nhân ở Ấn Độ, nhiều chuyên gia y tế tập trung vào tư vấn cho bệnh nhân, nhằm giảm bớt áp lực dồn lên các bác sĩ Ấn Độ đang quá tải công việc. Theo đó, các bác sĩ chủ yếu hỗ trợ tâm lý cho những bệnh nhân đang sợ hãi, lo âu về những triệu chứng họ gặp phải. Ngoài ra, đối với những người dân sống tại vùng nông thôn, bị hạn chế trong việc kết nối Internet, thiếu thiết bị điện tử thông minh, nhiều bác sĩ đã thực hiện tham vấn sức khỏe qua điện thoại, hoặc thông qua một nhóm tình nguyện viên địa phương. Thậm chí, không ít bác sĩ còn sử dụng số điện thoại riêng để tiếp nhận các cuộc gọi và tư vấn cho người dân vùng sâu vùng xa.

Thêm vào đó, các bác sĩ quốc tế còn có thể hỗ trợ tư vấn về quy trình thiết lập những khu điều trị cấp cứu cho bệnh nhân Covid-19, hay cách đối phó tình trạng số ca nhập viện gia tăng đột biến. Một số chuyên gia y tế đã tham gia đào tạo từ xa cho những nhân viên y tế tuyến đầu, về cách chăm sóc bệnh nhân, đảm bảo an toàn, hoặc cho lời khuyên về cách điều trị bệnh ở những vùng nông thôn với nguồn lực hạn chế. Cách thức này được bác sĩ Ashish Dhawan, ở London (Anh) đánh giá: “Nếu bạn giúp được một bác sĩ thì bác sĩ đó sẽ giúp cho 10 bệnh nhân khác”, từ đó nâng cao hiệu suất của công tác khám chữa bệnh trong đại dịch. Thực tế, các tình nguyện viên từ Hiệp hội Bác sĩ Anh gốc Ấn với hơn 65.000 thành viên hằng ngày đã tư vấn từ xa cho những bác sĩ trẻ ở Ấn Độ.

Mô hình triển vọng

Giới chuyên gia đánh giá, khám bệnh từ xa đã trở thành “cứu cánh” quan trọng trong đại dịch. Trước thực trạng “không đủ bác sĩ mà số người cần chăm sóc quá lớn”, ông Vikram Kapur, lãnh đạo công ty tư vấn quản lý Bain & Co., phụ trách mảng y tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương chỉ ra, khám bệnh trực tuyến gần như đã thay thế chăm sóc tại chỗ cho rất nhiều ca bệnh tại Ấn Độ. Ông ước tính, số cuộc tham vấn y tế trực tuyến trong giai đoạn Covid-19 bùng phát nghiêm trọng nhất tại nước này đã tăng từ 4 đến 5 lần so với trước dịch.

Nhờ lợi thế cho phép người dân tham vấn bác sĩ mà không cần ra khỏi nhà, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm hoặc phát tán virus, mô hình khám bệnh từ xa đã “bứt tốc” từ khi Covid-19 xuất hiện. Thống kê của MyDoc, công ty cung cấp dịch vụ bác sĩ trực tuyến có trụ sở tại Singapore cho thấy, lượng người dùng tăng trưởng 60% vào tháng 2.2020, rồi tiếp tục tăng gấp đôi trong tháng 3.2020. Còn theo nghiên cứu của Công ty tư vấn chiến lược và nghiên cứu thị trường BlueWeave Consulting, thị trường y tế từ xa toàn cầu đã đạt 51 tỉ USD vào năm 2020 và dự kiến sẽ đạt 152,3 tỉ USD vào năm 2027.

Hiện nhiều quốc gia đang đưa khám bệnh từ xa trở thành phương án cố định trong các kế hoạch ứng phó với những đợt sóng Covid-19 mới. Trong đó, Bỉ đang xây dựng khuôn khổ pháp lý cho việc áp dụng khám bệnh từ xa. Còn tại Mỹ và Trung Quốc, giới chức các nước này cũng đã nới lỏng nhiều giới hạn đối với việc chi trả bảo hiểm cho thăm khám trực tuyến. Đối với Ấn Độ, quốc gia vừa bước ra từ “thảm họa” Covid-19, một số bang cũng đang đưa khám bệnh từ xa vào chiến lược phản ứng với nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong tương lai. 

 HẢI MINH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top