Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Cần giải pháp chiến lược trong ứng xử văn hóa giữa nghệ sĩ và công chúng

Thứ Hai 02/08/2021 | 09:37 GMT+7

VHO-Quan hệ giữa nghệ sĩ và công chúng hiện nay ở Việt Nam, đặc biệt là giới nghệ sĩ biểu diễn (truyền thông vẫn gọi là showbiz), đang có vấn đề “trục trặc kỹ thuật” và vấn đề này hiện gây ra nhiều ồn ào, thị phi với những luồng dư luận trái chiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là mạng xã hội. Đó là ứng xử văn hóa giữa đôi bên. Câu chuyện ứng xử này được phơi bày và luận bàn, đã cho thấy một mối quan hệ đang ở tình trạng đáng lo ngại và rất đáng đặt thành vấn đề phải giải quyết, bởi sự “đồng sàng dị mộng”.

PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái: "Cần giải quyết thấu đáo lỗi ứng xử văn hóa"

Sự thật này cũng còn chứng tỏ lỗi văn hóa ứng xử đã xảy ra ở cả hai phía. Nói như các cụ ta: “Tại anh tại ả, tại cả đôi bên”. Thực tế, không chỉ quan hệ ứng xử văn hóa có vấn đề xảy ra ở Việt Nam, mà đã và đang xảy ra ở hầu khắp và cần phải giải quyết trên toàn cầu. Đặc biệt, trở nên bức bách trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành dữ dội, làm đảo lộn cuộc sống nhân loại.

Vừa rồi, trong gói cứu trợ của Nhà nước dành cho người lao động bị thất nghiệp vì đại dịch (bất kể họ làm việc trong cơ quan nhà nước, đơn vị tư nhân hay lao động tự do), đã có cả những người lao động nghệ thuật... Nghệ thuật biểu diễn mà trống vắng người xem, không phải vì không có cái để xem, mà vì lý do ngoài nghệ thuật - dịch bệnh, thì thử hỏi với nghệ sĩ biểu diễn có gì đáng buồn, đáng suy sụp và nản lòng hơn?

Có thể nói, chưa bao giờ mối quan hệ giữa nghệ sĩ biểu diễn và công chúng Việt hiện đại, vốn được coi là nhiều phần tốt đẹp hoặc về căn bản là êm ả thuận chiều, lại bùng lên cảnh “đồng sàng dị mộng” trong sự đảo chiều mạnh mẽ đến thế. Các sự thật nhãn tiền hiện hữu thật đáng buồn: Nghệ sĩ Hoài Linh chậm giải ngân tiền từ thiện hàng chục tỷ đồng, với những lời biện minh và xin lỗi không được số đông công chúng đồng thuận. Không những thế, câu chuyện làm từ thiện của một cá nhân Hoài Linh đã khiến dư luận kéo theo việc phán xét nhiều nghệ sĩ khác làm từ thiện và kéo theo nữa đến việc nghệ sĩ nhận con nuôi, rồi nghệ sĩ làm quảng cáo sai cho sản phẩm… Chưa bao giờ người nghệ sĩ sau khi “thoát vai” nghệ thuật để “vào vai” nhà từ thiện, nhà hảo tâm, nhà quảng cáo, nhà phát ngôn… lại vấp ngã nhiều đến thế. Vì quảng cáo sai lệch sản phẩm hoặc phát ngôn thiếu văn hóa, thiếu cẩn trọng, nên những nhân vật nổi tiếng như hoa hậu Mai Phương Thúy, NSND Hồng Vân, NSƯT Đức Hải… đều đã phải đăng đàn xin lỗi trên phương tiện truyền thông đại chúng; kể cả hoa hậu Hà Kiều Anh cũng phải lên tiếng về việc nhận lầm mình là công chúa của triều Nguyễn…

Cần có những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt để chấn chỉnh những hành vi sai trái trên mạng xã hội

Việc giải trình, nhận lỗi, biện minh, chịu xử lý của các cơ quan hữu quan... của một bộ phận nghệ sĩ nổi tiếng đã chứng tỏ: Chưa bao giờ lại xảy ra một đợt sóng phạm lỗi về ứng xử văn hóa mạnh đến thế và đáng buồn… cũng đến thế. Dư luận quần chúng (tên một vở kịch hay trong thời hoàng kim của sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, TP.HCM) phản ánh sự vụ mắc lỗi văn hóa của những nghệ sĩ nổi tiếng, cho thấy phản ứng của công chúng thật đa dạng và phức tạp, nếu không muốn nói là cũng có vấn đề về văn hóa ứng xử với nghệ sĩ, nhất là những thái độ phủ nhận sạch trơn và sỉ vả không thương tiếc, trên tinh thần hạ bệ hoặc lật trái thần tượng của một số người cực đoan. Mặc dù dư luận vẫn là… dư luận chung, không đích danh hoặc ít đích danh (như một lá thư có tên tuổi gửi Bộ VHTTDL yêu cầu tước danh hiệu NSƯT của Hoài Linh chẳng hạn), hoặc xác định danh tính rõ ràng thì cách phát ngôn lại có… vấn đề, như hiện tượng bà Nguyễn Phương Hằng lên mạng tố cáo vị "thần y" chữa bách bệnh và một số nghệ sĩ liên quan đến vị này, với cách truyền thông cá nhân chưa từng có, lôi cuốn hàng chục ngàn người theo dõi trực tuyến. Mối quan hệ giữa nghệ sĩ và công chúng, trong trường hợp này đã bị mạng xã hội làm cho tan nát, tanh bành, khiến những nghệ sĩ có lỗi ứng xử văn hóa lo lắng, bất an, hối hận, thậm chí hãi hùng vì bị “mất mặt”!

Vậy, trong "cuộc chiến" này, tại sao “dư luận quần chúng” đông đảo trong xã hội ai cũng có thể biết, cũng có thể tham kiến, xì xầm bàn tán, thậm chí “tham chiến”? Đơn giản vì tất cả đều được/bị phơi bày trên truyền thông, cả chính thống lẫn phi chính thống, với nguyên lý: Không truyền thông thì không ai biết, mà đã truyền thông thì ai cũng biết!

Vậy là lỗi văn hóa ứng xử đã kéo theo chuỗi liên quan, tiếp tục xuất hiện thêm những người làm truyền thông chính nghề và nghiệp dư, và nữa, những nhà quản lý văn hóa - nghệ thuật, đặc biệt là những nhà quản lý nghệ thuật biểu diễn, mà ở Bộ VHTTDL đã có cả một Cục nghệ thuật biểu diễn phụ trách vấn đề như chính tên gọi. Vì vậy, muốn giải quyết cái vấn đề “đồng sàng dị mộng” đã thực sự nhãn tiền và đang ở mức báo động này, tôi nghĩ phải quy trách nhiệm rất cụ thể, trước hết là từ hai bộ: Bộ TTTT và Bộ VHTTDL, và trên nữa, là Nhà nước Việt Nam với luật pháp nghiêm minh về trách nhiệm, nghĩa vụ chung của công dân và trách nhiệm, nghĩa vụ đặc thù của nghệ sĩ khi hành nghề, nhất là nghệ thuật biểu diễn…

Văn Hóa  đã đăng loạt bài đề cập, phân tích câu chuyện trách nhiệm của người nổi tiếng khi tham gia quảng cáo, cũng như đề xuất với cơ quan chức năng về những biện pháp quản lý hoạt động này

Cần giải pháp chiến lược trong ứng xử văn hóa cho cả đôi bên

Về phía nghệ sĩ, trước nhất họ phải là người điều chỉnh ứng xử văn hóa với công chúng thưởng thức. Dân gian Việt thật chí lý trong dặn dò người mắc lỗi: Tiên trách kỉ hậu trách nhân. Nghệ sĩ cần xem lại mình một cách thấu đáo và phải có thái độ sòng phẳng: Biết nhận lỗi và xin lỗi thành thực, chứ không phải qua quýt, lấy lệ và chỉ khi công chúng bàn luận, truy cứu ồn ào, tìm ra lỗi mười mươi mới lên tiếng cho phải phép hoặc xin lỗi khi đã quá muộn màng, quá mù ra mưa. Trường hợp nghệ sĩ Hoài Linh làm từ thiện và nghệ sĩ Hồng Vân làm quảng cáo, là những ví dụ điển hình…

Có lẽ không nghệ sĩ nào muốn sa vào những tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” như đã kể trên. Do vậy, cần phải tìm những giải pháp thoát hiểm. Tốt nhất, theo thiển nghĩ của tôi, nghệ sĩ biểu diễn nên tự cứu lấy mình trước, và nên đặt mình vào một tầm kiểm soát từ ba phía, với bản thân - là nghệ sĩ; với nhà nước - là công dân tuân thủ pháp luật; với công chúng - là người mình phục vụ bằng tác phẩm nghệ thuật.

Tôi vẫn cho rằng, người nghệ sĩ vốn là chủ thể sáng tạo, phải giữ cho được sự chủ động về bản lĩnh nghề nghiệp mà mình theo đuổi. Các nghệ sĩ có bản lĩnh nghề nghiệp thường giữ giá trị và uy tín nghệ thuật của mình bằng mọi giá. NSND Song Kim, bạn đời của NSND - Đạo diễn Thế Lữ và là nghệ sĩ gạo cội của Nhà hát Kịch Việt Nam thường ứng xử thật chí tâm, chí thành với vai kịch của mình. Bà luôn đến rất sớm, hóa trang kĩ và lặng lẽ đưa mình vào vai kịch như nhập thiền. Khi diễn, bà cũng sống đến tận cùng vai kịch, sử dụng tối đa giọng nói sân khấu để đạt hai mục đích: Cho người xem ngồi ở dãy ghế cuối cùng cũng nghe rõ được lời kịch, theo kỹ nghệ “thốt lời” thật rõ chữ tròn vành, thật tự nhiên nhi nhiên như trong đời sống hằng thường; cùng với đó là những cử chỉ hoạt động đích đáng của nghệ thuật biểu diễn hình thể nhân vật. Không ngẫu nhiên trong cùng một vở, bà đã diễn hai vai kịch hoàn toàn lệch nhau, vai vú Nhè - một bà vú nhà quê và vai một vũ nữ của vũ trường thành thị cực tân kỳ và lẳng lơ. Vai nào ra vai nấy, vai nào cũng xuất sắc. Bà bảo tôi, được như thế là do bà biết học ăn học nói học gói học mở với từng thân phận vai kịch, khi bà sống cùng và quan sát các bà cụ nhà quê cùng các vũ nữ để nhập tâm từ họ các chất liệu, nuốt sâu vào tâm thức người diễn viên làm nghề, để bước ra sân khấu với tâm thế dào dạt nhất và cao hứng nhất của sự nhập đồng và lên đồng trong sáng tạo vai kịch. 

NSND Ngọc Hiền, NSƯT Mỹ Dung thế hệ sau bà, cũng là những nghệ sĩ hết mình trong sáng tạo nghệ thuật. Và NSND Lê Khanh, NSƯT Thành Lộc cũng đã bền vững tỏa sáng trên sân khấu theo những cung cách sáng tạo cao giá ngọc như vậy. Không những thế, Lê Khanh còn học được từ thầy Nguyễn Đình Nghi một phẩm chất quan trọng: Khi đã biết sai lầm của mình trong nghệ thuật thì sửa sai ngay. Đạo diễn Nguyễn Đình Nghi đã từng nhận mình đạo diễn sai một vở kịch, ông đã xóa đi rồi dựng lại. Gần đây, Lê Khanh tham gia một talkshow về các vấn đề của phụ nữ hiện đại trên VTV, và rồi Lê Khanh xin rút vì thấy không phù hợp, không “cố đấm ăn xôi”. Rồi còn có NSND Hoàng Yến (Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP.HCM) luôn có ý thức trao truyền kinh nghiệm và dìu dắt, yểm trợ diễn viên trẻ để cùng họ tồn tại song hành trên sân khấu… Những thái độ chuyên nghiệp và chủ động như vậy đã khiến nghệ sĩ tránh được những cạm bẫy phù hoa giả tạo thường giăng mắc quanh ánh đèn sân khấu...

Rất nhiều nghệ sĩ làm nghệ thuật chân chính không khỏi chạnh lòng khi họ đã dành cả cuộc đời tâm huyết, gắn bó với nghệ thuật mà không có nổi một bài báo, một chương trình giới thiệu. Đa phần các nghệ sĩ đang âm thầm cống hiến trên mọi loại hình nghệ thuật với thu nhập rất thấp nhưng họ vẫn gắn bó và chuyên tâm với nghề

Việc tự đặt mình vào thế chủ động để xử lý một nghề, mà nhất cử nhất động trong ngoài đều không thoát khỏi con mắt người đời, có lẽ là ứng xử tốt nhất của người nghệ sĩ. Từ đó, họ sẽ ý thức được việc thích ứng với pháp luật để suy ngẫm về phải trái, đúng sai trong cư xử với công chúng…Thực tế, công chúng chưa bao giờ dửng dưng nguội lạnh với những tác phẩm hay, với những vai diễn sâu sắc, và cùng thời gian, họ sẽ sẵn lòng bao dung với những nghệ sĩ đã từng bứt ra khỏi lỗi lầm của một thời, như nữ ca sĩ Hoàng Thùy Linh là một ví dụ sáng đẹp đấy thôi. Cũng phải thừa nhận rằng, công chúng Việt Nam, nhất là ở TP.HCM, là công chúng thật dễ thương, tất nhiên, đối với những nghệ sĩ tài năng trên sân khấu, trên màn ảnh lớn nhỏ… Hoặc họ đã từng dễ thương, nhưng hiện tại, đã thương không dễ nữa.

Song song đó, những người quản lý nghệ thuật biểu diễn các cấp cũng nên có những giải pháp sát sườn cho tình hình bộn bề thiếu lối ra của nghệ sĩ biểu diễn hôm nay. Mới đây, Sở VHTTDL Hà Nội tổ chức hội thảo về việc đưa công nghiệp văn hóa vào nghệ thuật biểu diễn ở Thủ đô. Ý kiến của NSND Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam là rất đáng chú ý, vì đã có cái nhìn toàn cảnh, phân tích khá thấu đáo và đề nghị mạnh bạo, khi cho rằng công nghiệp văn hóa từ lâu đã trở thành động lực phát triển và thực tiễn sinh động về nghệ thuật của không ít quốc gia trên thế giới, nhất là các quốc gia có nền công nghiệp và công nghệ thông tin phát triển cao. Gốc thực tiễn ấy đã được hội tụ và nâng cấp thành lý thuyết về công nghệ văn hóa trên toàn cầu. Việc cần làm ngay là áp dụng lý thuyết này vào nghệ thuật biểu diễn của Thủ đô Hà Nội, bằng những phương cách thích hợp, nhằm sáng tạo các sản phẩm văn hóa nghệ thuật, vừa được tiêu thụ tốt trong nước vừa vươn ra nước ngoài, như các chương trình Rối nước truyền thống của Nhà hát Múa Rối Thăng Long, đã luôn được công chúng nước ngoài đặc biệt yêu mến và góp phần tăng thu nhập kinh tế cho Hà Nội. 

Nhìn rộng ra, công nghiệp văn hóa được khởi động và vận hành ở Việt Nam, từ năm 2014 đến năm 2020, riêng trong ngành Điện ảnh, năm 2019 nổi bật với tổng doanh thu khoảng 178 triệu USD, cao nhất trong lịch sử điện ảnh cho đến năm đó và vượt mục tiêu 150 triệu USD đề ra. Năm nay, doanh thu phim Bố già cao nhất trong lịch sử chiếu rạp ở Việt Nam, lại được chiếu ở Mỹ, dù tình hình Covid-19 vẫn đang rất trầm trọng…

Đây quả là một giải pháp chiến lược ưu thế mà các nghệ sĩ biểu diễn rất cần nương tựa, cập nhật, theo đuổi và điều chỉnh đối với sự nghiệp của mình. Và như thế, đây là cách hóa giải tốt nhất để mối quan hệ đang trục trặc trở thành “cơm lành canh ngọt” cho cả đôi bên nghệ sĩ và công chúng hôm nay, để hy vọng có thể dìu dắt nhau vượt qua cơn đại dịch toàn cầu này, khi đã bước sang thập niên thứ 3 của thế kỉ XXI…

PGS, TS NGUYỄN THỊ MINH THÁI

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top