Các Bộ, ngành cùng vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

VHO - Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do dịch bệnh, Bộ Tài chính sẽ rà soát và đề xuất thêm các chính sách hỗ trợ thuế, Ngân hàng nhà nước hạ lãi suất điều hành, ngân hàng thương mại chia sẻ lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay; trong khi đó Bộ Công thương và Bộ Giao thông – Vận tải sẽ phối hợp với Bộ Y tế và các địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện việc sản xuất và lưu thông hàng hoá thuận lợi.

Đó là thông tin được đại diện các bộ, ngành cung cấp cho báo chí tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7, diễn ra vào chiều tối nay, 11.8.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc Chính phủ và các bộ, ngành liên quan có giải pháp nào miễn giảm thuế, phí, lãi suát cho vay cho các doanh nghiệp và người dân để tháo gỡ khó khăn do đại dịch gây ra, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, để hỗ trợ các doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã có chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế, miễn giảm các loại thuế phí,... khoảng 118.000 tỷ đồng và việc này  sẽ thực hiện trong năm 2021. Hiện nay, Bộ cũng đã tiến hành rà soát và đề xuất thêm một số giải pháp là tiếp tục giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ có tổng doanh thu năm 2021 dưới 200 tỉ đồng.

Các Bộ, ngành cùng vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp - Anh 1

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại cuộc họp báo

Đồng thời sẽ giảm 50% thuế cho hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh; giảm thuế GTGT cho các doanh nghiệp thuộc các ngành, các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 như giao thông vận tải, du lịch; miễn tiền chậm nộp thuế; giảm tiền thuê đất phải nộp… với tổng giá trị ước tính là trên 20.000 tỉ đồng.

Về tiến độ triển khai những chính sách ưu đãi, hỗ trợ trên, hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các bộ ngành liên quan để báo cáo Chính phủ để trình trong phiên họp gần nhất của UBTVQH.

Cũng liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và các hộ kinh doanh, việc giảm lãi suất là một vấn đề rất quan trọng.

Tại cuộc họp báo, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết lãi suất của các doanh nghiệp đã được hạ ngay từ khi có dịch, trong đó  Ngân hàng nhà nước hạ lãi suất điều hành, ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay. Theo đó, năm 2020 giảm lãi suất cho vay cho cả hệ thống là 1,2 - 1,5% so với mức trước đó và đầu năm 2021 giảm thêm 0,5%.

Các Bộ, ngành cùng vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp - Anh 2

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú

Trước tình hình dịch bệnh lan rộng, chính sách giảm lãi suất rất quan trọng, được thực hiện  bằng hai nguồn: Cắt giảm chi phí tối đa và chia sẻ lợi nhuận của ngân hàng thương mại.

Hiện nay, đã có 16 ngân hàng thương mại cam kết giảm lãi suất, từ nay đến cuối năm sẽ giảm tiếp 20.300 tỷ, tuỳ thuộc vào quy mô và điều kiện của mỗi ngân hàng. Bên cạnh đó, 4 ngân hàng nhà nước là  Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank đồng thuận mỗi ngân hàng thêm 1.000 tỉ đồng nữa (tổng 4.000 tỉ đồng) cho những tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh… Các ngân hàng cũng cam kết giảm 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng, kể cả dịch vụ thanh toán tiền tệ cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Ông Đào Minh Tú cũng khẳng định,  để việc giảm phí và giảm lãi suất một cách thực chất, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường giám sát để đảm bảo từ nay đến cuối năm những cam kết này sẽ thành hiện thực.

Cùng với việc tháo gỡ khó khăn về tài chính thông qua các chính sách thuế và lãi suất, doanh nghiệp cũng được đảm bảo sẽ được lưu thông hàng hoá một cách thuận lợi và đảm bảo không bị đứt gãy chuỗi cung ứng.

Các Bộ, ngành cùng vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp - Anh 3

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

 Theo đó, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, mặc dù hiện nay phương án “Ba tại chỗ” vẫn là phương án tốt, nhưng cũng bộc lộ một số điểm hạn chế. Ví dụ như đối với các doanh nghiệp phía Nam có quy mô lớn, thời gian dịch bệnh kéo dài đã khiến một số doanh nghiệp thực hiện phương án “ba tại chỗ” khong chịu được áp lực do chi phí lớn, càng làm càng lỗ. Đặc biệt, có những doanh nghiệp đã đầu tư lớn cho phương án này, nhưng bị một vài ca f0 khiến phải dừng hoạt động, dẫn đến thiệt hại không nhỏ. Vì vậy, Bộ Công thương đã đề nghị phương án để phù hợp hơn, liên quan đến việc sản xuất trong các khu công nghiệp và cách xử lý nếu có xảy ra f0. Bộ cũng cho rằng Bộ Y tế có vai trò quan trọng trong việc đưa ra các quy định để vừa chống dịch, vừa sản xuất công nghiệp và phát triển kinh tế.

Các Bộ, ngành cùng vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp - Anh 4

Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Duy Lâm

Còn đối với việc lưu thông hàng hoá, Thứ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết, đã cùng các bộ ngành như Bộ Công thương, Bộ Y tế, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải hàng hoá. Hiện các đại phương đã không tiến hành kiểm tra đối với các phương tiện có mã QR code. Đối với các phương tiện chưa có mã QR code thì lái xe xuất trình phiếu xét nghiệm Covid-19. Bộ cũng đã đề nghị tiêm phòng vawcsxin cho đội ngũ lái xe và công nhân bốc xếp hàng hoá.

Tháo gỡ và hỗ trợ cho doanh nghiệp, chính là giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu kép, đảm bảo sự vững chắc cho xương sống của nền kinh tế, giúp chúng ta đứng vững và vượt qua đại dịch.

HOÀNG HƯƠNG, Ảnh: NHẬT BẮC

Ý kiến bạn đọc