Văn học bắt nhịp hiện thực xã hội

VHO- Khi đất nước đã trải qua hơn 500 ngày chống dịch Covid-19 đầy cam go với 4 đợt bùng phát dịch trên diện rộng, các nhà văn cũng không đứng ngoài cuộc. Dù rằng người viết có sáng tác khi ở trong vùng dịch hay không, dù rằng mỗi tác phẩm văn chương lại là một góc nhìn riêng của mỗi tác giả, thế nhưng tựu trung các tác phẩm này đều phản ánh chân thực, ý vị về một giai đoạn đặc biệt của xã hội, dẫn lối cho người đọc đến lòng tin rằng con người sẽ sớm đi qua dịch bệnh.

Văn học bắt nhịp hiện thực xã hội - Anh 1

 Các đầu sách được đội ngũ chống dịch phân loại và đưa đến nhà cho người dân tại TP Hồ Chí Minh

Và khi hiện thực xã hội trở thành cảm hứng cầm bút của nhà văn, nhiều tác phẩm đã được độc giả đón nhận vì chứa đựng những điều chạm đến trái tim người đọc. Những tác phẩm như Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái của Iris Lê, Những ngày cách ly của Bùi Quang Thắng, Đi qua hai mùa dịch của Dy Khoa, Mắc kẹt của Phương Thu Thủy hay Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể của bác sĩ Ngô Đức Hùng... liên tiếp được ra mắt. Dịch bệnh cũng được bạn đọc tìm hiểu thông qua ngôn ngữ của thi ca với Mùa biến động của Nguyễn Quang Hưng hay đặc sắc và nhiều tiếng nói hơn cả là Mùa nhớ - Thơ những ngày giãn cách gồm 44 bài thơ của 33 tác giả, do NXB Văn học ấn hành...

Khi khởi thảo về đề tài Covid-19, người cầm bút không cần quá lâu để ấp ủ và hình thành ý tưởng, cũng không mất nhiều thời gian cho việc đi tìm nguồn tư liệu hiện thực ngoài đời. Bởi vậy mà có thể tác phẩm sẽ không đạt đến độ kỹ lưỡng về con chữ, câu từ. Song, những tác phẩm ấy vẫn ẩn chứa trong mình một sức mạnh riêng qua những thông điệp nhân văn trong chính bản thân nó. Đồng thời tự thân tác phẩm cũng ghi dấu một giai đoạn lịch sử có ảnh hưởng lớn tới cuộc sống nhân loại, không thể phủ nhận rằng con người tìm thấy ở trong đó sự chia sẻ, động viên.

Giống như nhà văn trẻ Dy Khoa khi ra mắt Đi qua hai mùa dịch từng bộc bạch: “Trong cuốn sách Khoa đã thể hiện sự chia sẻ tận tâm khảm những nỗi niềm, những kinh nghiệm mà chính mình đã trải qua, để giúp mọi người bình tâm đi qua mùa dịch. Không điều gì có thể giúp chúng ta đi qua cơn đại dịch này bằng chính tình thương giữa con người với nhau. Ta biết thương mình, thương người. Từ tình thương đó, chúng ta lan tỏa thành một lối sống đẹp, chia sẻ và tương trợ nhau đối diện với khoảng thời gian khốn khó này. Cùng nắm tay nhau, đi qua những ngày hoang hoải và buồn đau”.

Đây cũng là câu chuyện mà nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam tin tưởng: “Ở một cách hiểu nào đó, sách chỉ là “văn bản hóa” lại thái độ, hành động và lẽ sống của con người, thế nhưng nếu không có niềm tin thông qua các cuốn sách mang giá trị nhân văn cao đẹp, con người sẽ dễ gục ngã trước đại dịch”. Nhìn vào thực tế cho thấy dịch Covid-19 càng gây thêm nhiều khó khăn thì người cầm bút càng bám sát vào đó để thể hiện những cung bậc tình cảm đa dạng và nhiều nỗi suy tư về thời cuộc. Tác phẩm và sự vững vàng của họ sẽ góp thêm không khí lạc quan và tinh thần chống đỡ kiên trì trong cơn biến động. Đó là những tác động quý báu mà văn học mang lại trong thời điểm này.

Bên cạnh đó, việc chuẩn bị kỹ lưỡng cho sự nhập cuộc của văn học nghệ thuật sâu hơn, rộng hơn và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc chiến chống Covid-19 đã và đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh để tăng thêm sức mạnh tinh thần cho cả hệ thống chính trị, xã hội. Tin rằng với sự nhập cuộc của văn học, của lực lượng những người cầm bút chúng ta sẽ có thêm nhiều tác phẩm không chỉ có giá trị nghệ thuật, nhân văn mà còn lan tỏa tinh thần vững tin vào chiến thắng dịch Covid-19. 

 VŨ MỪNG

Ý kiến bạn đọc