Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Không được coi là hàng thiết yếu, phát hành sách khó muôn bề

Thứ Hai 16/08/2021 | 10:05 GMT+7

VHO- “Chúng ta ăn cơm, ăn bánh mỳ để nuôi dạ dày, nhưng não cũng cần món ăn tinh thần là sách. Vì vậy, cần phải đưa sách vào danh mục mặt hàng thiết yếu” là kiến nghị của nhiều đơn vị xuất bản được đưa ra tại Hội nghị tìm cách tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vừa được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại đầu cầu văn phòng Hội Xuất bản Việt Nam (Hà Nội) và 28 điểm cầu khác.

 Một số đầu sách được phát hành trong mùa dịch

 “Chiếc phao” thương mại điện tử

Theo báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT), sáu tháng đầu năm 2021, ngành sách đã nỗ lực, vượt lên khó khăn, giữ lượng sách tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái, toàn ngành đã xuất bản được 19.217 cuốn, tương đương bằng 103%, với hơn 334 triệu bản, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng doanh thu đạt 1.578 tỉ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành nhấn mạnh, những kết quả có được hiện nay là do nỗ lực sản xuất, phát hành ở 5 tháng đầu năm, khi làn sóng thứ tư của dịch Covid-19 chưa bùng phát. Ngành sách chú trọng vào chất lượng xuất bản phẩm. Bên cạnh phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị quan trọng, ngành sách cũng đầu tư xuất bản nhiều đầu sách chất lượng phục vụ bạn đọc, trong đó các mảng sách như: Sách khoa học công nghệ, chuyển đổi số, sách kỹ năng sống, hướng nghiệp, phát triển kỹ năng mềm… được quan tâm xuất bản với số lượng lớn.

Thời điểm giãn cách vì dịch Covid-19, thay vì đi tìm nụ cười từ ồn ào bên ngoài, thì việc đọc sách có lẽ là một cách giải trí hợp lý và lành mạnh nhất. Tuy nhiên, từ khi dịch bùng phát lần thứ tư, hai thị trường lớn của ngành sách là TP.HCM và Hà Nội đã phải đóng cửa rất nhiều hiệu sách, hoạt động xuất bản cũng cắt giảm, thị trường chỉ trông chờ vào bán sách trực tuyến, song trong tình thế hiện tại, việc vận chuyển sách khó lưu thông.

Trong bối cảnh khó khăn này, nhiều nhà xuất bản, công ty sách, đơn vị phát hành phải trông chờ vào “chiếc phao” thương mại điện tử. Ông Phạm Minh Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Fahasa cho biết, sáu tháng đầu năm 2021, doanh thu của Fahasa khoảng 1.600 tỉ đồng, trong đó hơn 10 tỉ đồng lợi nhuận. Tuy nhiên trong tháng 7 và tháng 8. 2021, Fahasa phải đóng cửa rất nhiều nhà sách. “Chúng tôi chủ trương duy trì hoạt động, dù ở nhà nhưng mỗi nhân viên được hỗ trợ 3 triệu đồng/người/ tháng. Đội ngũ online vẫn hoạt động, nhận được đơn hàng từ các trường sắp vào năm học mới. Thương mại điện tử đóng góp lớn cho doanh thu Fahasa, mỗi tháng góp hơn 30 tỉ đồng”, ông Thuận cho biết.

“Hiện nay chúng ta sống bằng kênh online. Tôi nghĩ chúng ta nên đẩy mạnh ebook, audio book. Phát hành qua Fonos, chúng tôi đã thu được những đồng tiền đầu tiên từ sách nói”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Thái Hà Books nói.

Ông Nguyễn Nguyên cho rằng, để vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, các nhà xuất bản, phát hành cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất, tập trung kinh doanh trực tuyến. Vừa qua, Cục Xuất bản, In và Phát hành cũng đã cấp phép tạm thời cho 3 đơn vị phát hành sách nói, trong đó có hai đơn vị là Fonos, Voiz FM… đã đi vào hoạt động với số lượng phát hành sách nói lớn, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc. Đây cũng là kênh rất tốt để cho cha mẹ cũng như chính các con có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với sách.

Việc đưa sách đến bạn đọc vô cùng khó khăn

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết, hiện nay một số nước trên thế giới như Italia, Bỉ, Pháp, Anh… đã bổ sung sách vào danh mục hàng hóa thiết yếu trong mùa dịch. Đây là một trong những món ăn tinh thần rất cần thiết nhằm nâng cao dân trí, giải trí lành mạnh qua sách, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm và phát triển kinh tế cho đất nước. “Ở Việt Nam vừa qua đã có hàng loạt văn bản điều chỉnh danh mục mặt hàng thiết yếu. Cá nhân tôi cho rằng việc đưa sách vào trong danh mục mặt hàng thiết yếu là cần thiết, nhất là trong điều kiện khai giảng năm học mới đã tới gần. Sách giáo khoa (SGK) là rất quan trọng và phải đưa vào mặt hàng thiết yếu ngay, vì học sinh sẽ tựu trường dù có phải khai giảng online. Học sinh cần phải mua SGK và việc này phải thực hiện thông qua mặt hàng thiết yếu để tạo điều kiện cho phụ huynh, học sinh mua được sách một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất”, ông Nguyễn Nguyên nói.

Bà Phan Thị Thu Hà, Phó giám đốc NXB Trẻ cho biết, cách đây vài tuần, NXB vẫn có thể giao hàng qua một số đơn vị. Nhưng trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng hiện nay, không thể giao sách đi các nơi được nữa. “Rất khó khăn” là cụm từ cho tình hình hiện nay. “Nhà in chỉ hoạt động khoảng 30% công suất. Sách mới, sách tái bản cứ xếp hàng chờ in. Do sách chưa được xác định là mặt hàng thiết yếu nên việc đưa sách đến bạn đọc vô cùng khó khăn. Tuần vừa rồi NXB có gần 500 đơn hàng bán qua kênh online, nhưng không thể giao được sách, cứ chờ. Đơn sách tồn đọng nhiều”, bà Hà cho biết.

Ông Phạm Minh Thuận cũng cho rằng, hiện nay, do sách không được coi là mặt hàng thiết yếu nên rất thiệt thòi trong khâu vận chuyển. Đến nay, Fahasa vẫn có thể hợp tác với đối tác vận chuyển, nhưng vẫn gặp khó. “Hiện nay các trường chỉ còn vài tuần nữa là bước vào năm học mới. Kho sách của Fahasa vẫn còn hơn 2 tỉ SGK cùng văn phòng phẩm chưa vận chuyển được. Chúng tôi có thể chuyển đơn hàng đến từng học sinh, nếu sách được coi là mặt hàng thiết yếu”, ông Thuận nhấn mạnh.

“Chúng ta ăn cơm, ăn bánh mỳ để nuôi dạ dày, nhưng não cũng cần món ăn tinh thần là sách. Hiện nay chúng tôi không còn kênh nào để đưa sách đến bạn đọc, chỉ một kênh duy nhất là qua kênh phát hành của Fahasa. Vì thế, cần phải đưa sách vào nhóm mặt hàng thiết yếu”, ông Nguyễn Mạnh Hùng kiến nghị.

Nhu cầu đọc sách khi đang giãn cách, cách ly ngày càng gia tăng. Trong không gian 4 bức tường của ngôi nhà, cần có sách làm bạn. Vì thế, ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM đề xuất sách trở thành mặt hàng thiết yếu là nút tháo gỡ quan trọng nhất cho ngành sách lúc này để các đơn vị xuất bản, in và phát hành được hoạt động.

Trước những khó khăn trong việc vận chuyển sách đến bạn đọc, nhất là SGK, ông Nguyễn Nguyên cho biết, Cục Xuất bản, In và Phát hành sẽ sớm có công văn gửi Bộ GD&ĐT, NXB Giáo dục để có sự phối hợp chặt chẽ trong việc cung cấp đầy đủ sách cho học sinh trong năm học mới; tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp của các đơn vị phát hành, các nhà xuất bản để có báo cáo, kiến nghị đầy đủ gửi lãnh đạo Bộ TT&TT, các cơ quan chức năng xem xét đưa sách vào mặt hàng thiết yếu.

Tiếp nhận kiến nghị của các nhà xuất bản, đơn vị phát hành, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo cho biết, ông đã trao đổi với đại diện Bộ Công thương về việc sách có phải mặt hàng thiết yếu hay không. Đến nay, sách không thuộc nhóm mặt hàng cấm không được vận chuyển trong giãn cách. Vấn đề còn lại là sử dụng hình thức vận chuyển cho phù hợp. Chỗ nào dùng shipper, chỗ nào dùng nhân viên phát hành. Điều này phụ thuộc tình hình dịch bệnh tại từng địa phương, sự tính toán kỹ lưỡng của các nhà xuất bản, phát hành. Đây là bài toán mấu chốt để có thể lưu thông sách trong tình thế hiện nay. 

 THANH NGỌC

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top