Núi lửa Merapi hoạt động dữ dội trong đợt phun trào mới

VHO- Ngày 16.8, các chuyên gia về địa chất ghi nhận lần hoạt động mạnh mẽ của núi lửa Merapi ở Indonesia, với dòng dung nham lớn nhất trong nhiều tháng.

Núi lửa Merapi hoạt động dữ dội trong đợt phun trào mới - Anh 1

Dung nham phun trào dữ dội từ miệng núi lửa Merapi (Ảnh: AP)

Hiện, tro bụi từ đợt phun trào này đã bay xa tới 3.5km bao phủ toàn bộ các sườn núi xung quanh. Âm thanh được mô tả “ầm ầm” của núi lửa có thể nghe thấy dù cách xa vài km. Dung nham được phun cao lên tới 600m. Mặc dù tro bụi từ núi lửa đã phủ khắp các thị trấn gần đó nhưng giới chức chưa đưa ra bất cứ lệnh sơ tán nào. Nước này cũng chưa ghi nhận bất cứ con số thương vong nào từ thảm họa.

Hanik Humaida, người đứng đầu Trung tâm Giảm nhẹ Nguy cơ Địa chất và Núi lửa của Yogyakarta cho biết, đây là dòng dung nham lớn nhất của Merapi kể từ khi nhà chức trách nâng mức độ nguy hiểm của nó vào tháng 11 năm ngoái. Tình trạng cảnh báo của Merapi đã ở mức cao thứ 2 trong số 4 mức kể từ khi nó bắt đầu phun trào vào tháng 11.2020.

Cơ quan này cho biết, mọi người nên ở cách miệng núi lửa ít nhất 5km và đề phòng về sự nguy hiểm của nham thạch.

Humaida cũng nói thêm, vòm dung nham ngay dưới vành tây nam của Merapi, và vòm dung nham trong miệng núi lửa đều đã hoạt động kể từ cuối tháng 7. Thể tích vòm ở vành tây nam ước tính khoảng 1,8 triệu mét khối và cao khoảng 3m trước khi sụp đổ một phần vào sáng thứ Hai, khiến dòng chảy di chuyển nhanh xuống sườn tây nam ít nhất hai lần.

Núi Merapi là ngọn núi hoạt động mạnh nhất trong số hơn 120 ngọn núi lửa đang hoạt động ở Indonesia và đã nhiều lần phun trào dung nham trong thời gian gần đây. Lần phun trào mạnh, mới nhất của núi lửa Merapi xảy ra hồi năm 2010, làm hơn 300 người thiệt mạng và buộc nhà chức trách phải sơ tán khoảng 280.000 cư dân khỏi các khu vực xung quanh ngọi núi.

Indonesia, quốc gia 270 triệu dân là nơi thường xuyên xảy ra động đất và hoạt động của núi lửa. Điều này là bởi quốc gia này nằm dọc theo “Vành đai lửa Thái Bình Dương”, một chuỗi các đường đứt gãy địa chấn hình móng ngựa xung quanh đại dương.

NAM ANH (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc