Về quê hay ở lại ?

VHO- Dòng người lao động nhập cư rời thành phố về quê đã bắt đầu diễn ra từ khi TP.HCM thi hành Chỉ thị 16. Lúc đầu chỉ như những dòng suối nhỏ, rồi ngày càng nhiều hơn, đến khi có thông báo kéo dài thêm một tháng nữa thì giống như dòng nước tràn bờ. Đó là phản xạ tự nhiên của con người đứng trước sự lựa chọn hoàn cảnh. Giống như khi nước mới ngập đến mắt cá chân thì còn cố gắng tát nước và hy vọng hàng xóm trợ giúp, nhưng khi nhà nào cũng ngập cả giường, tủ thì buộc phải tìm mọi cách để đi nơi khác, nếu không muốn phải trèo lên nóc nhà kêu cứu. Đó là tâm trạng và hoàn cảnh thực tế của những người lao động nhập cư khi túi tiền đang vơi đi nhanh chóng.

Về quê hay ở lại ? - Anh 1

 Dòng người bỏ phố về quê có lẽ do những trường hợp sau: Một bộ phận theo kiểu “nước đến chân mới nhảy”, một bộ phận khác do biết lo xa, không mạo hiểm bám thành phố cho đến khi cạn túi. Họ về quê sớm khi còn đôi chút tiền bạc lo cho cuộc sống gia đình. Bộ phận khác bị chi phối bởi tâm lý đám đông. Thấy người ta nhộn nhịp chuẩn bị hành lý về quê thì bị cuốn theo. Chỉ biết “người ta làm sao thì mình làm vậy”. Đúng là dòng người rời khỏi thành phố rất đông đúc và hối hả. Nhưng không đến mức bi đát như có người mô tả là “hốt hoảng, tháo chạy trong cảnh khốn cùng” như chạy loạn trong chiến tranh.

Có ý kiến cho rằng, đáng lẽ sáng 13.8 thông báo kéo dài Chỉ thị 16 thêm một tháng nữa thì ngay tối 13 và ngày 14.8, lãnh đạo thành phố nên gửi thông điệp cam kết đảm bảo đời sống cho người lao động nhập cư thì ngày 15.8 dòng người rời thành phố không quá đông như thế... Nhưng vấn đề là thành phố có nguồn lực nào và cam kết đến mức nào? Đó là bài toán rất khó tìm lời giải.

Về phía chính quyền thành phố và các địa phương đều hiểu rất rõ, những người từ tâm dịch trở về thì các địa phương phải có nguồn lực để kiểm soát và tổ chức cách ly, xét nghiệm nếu việc này không chặt chẽ thì dịch sẽ lây lan rất nhanh ra những nơi đang cố giữ “vùng xanh”.

Nếu hỏi người lao động nhập cư về quê hay ở lại thành phố thì câu trả lời của họ phải tìm ở phép tính trừ của thu nhập và chi phí. Nếu hỏi chính quyền thành phố muốn người lao động nhập cư ở lại hay để họ về quê thì câu trả lời phải tìm ở nguồn lực bảo đảm đời sống cho họ và khả năng dập dịch.

Với tình hình rất cấp bách hiện nay, thiết nghĩ thành phố nên xây dựng hai kịch bản đối phó: Một là nếu quyết giữ chân người nhập cư thì phải xác định có đủ nguồn lực về tài chính và cung ứng lương thực để cam kết với dân bằng những số liệu cụ thể. Hai là, nếu xác định không đủ nguồn lực để giữ chân người nhập cư thì phải có phương án, hợp đồng rất cụ thể với các địa phương có người trở về để có thể kiểm soát lộ trình và phương tiện di chuyển. Các kịch bản đều nhằm đến “mục tiêu kép”: Vừa an dân, vừa chống dịch. 

TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN

Ý kiến bạn đọc