Để người lao động nghèo yên tâm trụ lại thành phố

VHO- Để kiểm soát và đẩy lùi dịch Covid-19, TP.HCM áp dụng kéo dài giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16 của Chính phủ đến ngày 15.9. Bên cạnh các chính sách chăm lo an sinh xã hội của chính quyền Thành phố và các tổ chức từ thiện, người lao động trên địa bàn thành phố đang cố gắng khắc phục khó khăn từng ngày, ráng bám trụ thực hiện “ai ở đâu thì ở đó” nhằm chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Để người lao động nghèo yên tâm trụ lại thành phố - Anh 1

 Hỗ trợ thực phẩm cho người lao động thuê phòng trọ

“Của để dành” nay đã hết

Hơn bao giờ hết, cuộc sống của người lao động nghèo tại thành phố đang gặp muôn ngàn khó khăn. Dẫu biết tự phát về quê trong lúc này là sai và nguy hiểm, thế nhưng vì cạn kiệt tài chính, thiếu thực phẩm thiết yếu nên họ đành “làm liều”. Đặc biệt là sau khi nghe thông tin thành phố tiếp tục giãn cách một tháng, hàng ngàn người đã đùm túm chở nhau trên xe máy để về quê. Tuy nhiên, sau khi được vận động và giải thích, bà con đã đồng thuận quay lại nơi trọ, ráng bám trụ thành phố.

Chị Nguyễn Thị Huệ (quê Quảng Ngãi) đang thuê trợ trên đường Dương Quảng Hàm (phường 6) quận Gò Vấp tâm sự, chồng bị mất việc từ mùa dịch năm ngoái đến nay không có thu nhập, công ty chị Diệp làm việc cũng cho tạm nghỉ hơn 2 tháng qua, không biết đến bao giờ mới được đi làm lại. Trong khi đó, tiền thuê nhà trọ và điện, nước mỗi tháng phải đóng 2,5 triệu đồng, cộng với chi phí sinh hoạt ăn uống cho cả hai vợ chồng và một con nhỏ 4 tuổi, mỗi tháng gia đình phải tốn khoảng 6 triệu đồng. Hai tháng qua, ở nhà còn cầm cự được nhờ quỹ tiết kiệm từ trước, bây giờ tiếp tục ở nhà thêm tháng nữa thì không biết phải xoay xở thế nào, cuộc sống không biết rồi sẽ ra sao? Bởi “của đề dành” lâu nay đã hết sạch. Quay qua quay lại lài tới tháng phải đóng tiền nhà, trong khi tiền ăn còn không có, chị Diệp nói trong nước mắt. Cũng may là chủ nhà trọ giảm cho được 500 ngàn đồng/tháng tiền nhà, phường cũng có hỗ trợ cho ít thực phẩm thiết yếu, nhưng được một lần trong hai tháng qua. Còn tiền hỗ trợ thì không thấy đâu, dù cả hai vợ chồng đã đăng ký rất lâu rồi. Quá khó khăn, gia đình chị Diệp tìm cách đăng ký để được về quê nhưng cũng vô vọng.

Cùng cảnh ngộ, gia đình chị Lê Thị Diệp thuê phòng trọ trên đường Phú Thọ Hòa (phường Phú Thọ Hòa) quận Tân Phú chia sẻ, hơn hai tháng qua phải tiết kiệm chi tiêu dữ lắm mới trụ được đến nay. Cả khu nhà trọ có khoảng 50 phòng đăng ký để được hỗ trợ nhưng chỉ có chưa tới 10 trường hợp được phường hỗ trợ 1,5 triệu đồng. Tiền nhà trọ và điện, nước mỗi tháng đóng 2,5 triệu đồng, chủ nhà không giảm được một đồng, có chăng thì cho chậm đóng, hỗ trợ được 5 kg gạo, thùng mì gói, ít rau và dầu ăn. Hơn 2 tháng nay không có thu nhập, sữa cho con nhỏ thì bữa có bữa không, hôm nào được hỗ trợ gì thì ăn không thì thôi. Mà nếu có xe lưu động đến bán thực phẩm thì cũng không có tiền để mua, muốn về quê cũng không được, thật khổ trăm bề.

Đừng để chính sách hỗ trợ “trên giấy”

Tại hội nghị trực tuyến triển khai, quán triệt Kế hoạch thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố mới đây. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, việc tiếp tục giãn cách xã hội toàn thành phố thêm 30 ngày là thử thách rất lớn, hàng trăm ngàn người đang muốn rời thành phố vì cuộc sống thiếu thốn trăm bề, hơn hai tháng sống trong nỗi khổ rồi, giờ không biết tương lai ra sao, trong khi sức chịu đựng của bà con có hạn. Bí thư Nguyễn Văn nên yêu cầu dứt khoát không để việc này kéo dài thêm nữa, các địa phương phải chăm lo hỗ trợ người nghèo; chủ động cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm, tuyệt đối không để ai phải thiếu ăn, không ai bị bỏ lại phía sau do ảnh hưởng của dịch bệnh. Triển khai nghiêm túc, kịp thời, đầy đủ, có kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các gói hỗ trợ. Những cán bộ yếu kém, tiêu cực sẽ bị xử lý nghiêm.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức thông tin, khi xây dựng các gói hỗ trợ, thành phố hướng đến đối tượng cụ thể theo tình hình thực tế thông qua nguồn ngân sách, các quỹ dự phòng của thành phố. Trong đó có gói hỗ trợ để người dân duy trì cuộc sống từ 3 - 7 ngày, sau đó tiếp tục điều chỉnh. Thành phố đã thành lập Trung tâm tiếp nhận, hỗ trợ hàng hóa thiết yếu (Trung tâm an sinh) phục vụ người dân khó khăn do Covid-19 và đang thí điểm đặt tại quận 5, quận 7, quận 12. Trước mắt, thành phố cố gắng chuẩn bị 1 triệu gói an sinh như vậy để hỗ trợ người dân, giao Trung tâm an sinh điều phối, ghi nhận nhu cầu và phối hợp với các quận, huyện thực hiện cho phù hợp. Cán bộ công chức, viên chức cũng giảm 1/2 thu nhập tăng thêm để ủng hộ người dân.

Tuy nhiên, để nắm bắt kịp thời, triển khai hỗ trợ đúng đối tượng, không bỏ sót đối tượng đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của hệ thống chính trị và cả từ người dân trong việc tiếp cận các các chính sách hỗ trợ nhân văn của thành phố nghĩa tình. 

HOÀNG QUÂN

Ý kiến bạn đọc