Nhớ về Bộ trưởng Trần Huy Liệu : Một cuộc đời luôn luôn tìm kiếm

VHO- Trần Huy Liệu là Bộ trưởng Bộ Thông tin Tuyên truyền đầu tiên trong Chính phủ cách mạng lâm thời, năm 1945-1946. Trong ký ức tự nhận là còn “khiêm tốn” về cha mình, nhà văn Trần Chiến đã viết về cuộc đời trong cuốn sách Cõi người một cách chân thực, dựng lại những khúc thăng, đoạn trầm.

Nhớ về Bộ trưởng Trần Huy Liệu : Một cuộc đời luôn luôn tìm kiếm - Anh 1

 Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng một số thành viên Chính phủ Cách mạng lâm thời sáng ngày 3.9.1945 tại Hà Nội (Bộ trưởng Trần Huy Liệu đứng bên phải Bác Hồ). Ảnh: Tư liệu của TTXVN

Và trong những thăng trầm ấy, cuộc đời ông có một dấu ấn, tuy không dài, nhưng đã đặt một nền móng ý nghĩa cho chặng đường phát triển sau này của ngành Văn hóa, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

 Chậm rãi, khiêm tốn, dòng ký ức nhòe mờ theo thời gian về người cha từ từ được nhà văn, nhà báo Trần Chiến kể lại. Ông nói: “Tôi không có nhiều kỷ niệm với ông. Vì thời nhỏ đa phần tôi sống với mẹ, lớn lên đi bộ đội, đến năm 1969 thì ông cụ mất. Sau này, đầu những năm 90, bắt đầu ý thức và muốn đọc nhiều về cha, tôi đến Viện Sử học mượn hồ sơ Trần Huy Liệu, để tìm hiểu nhiều điều mà trước đó, tôi đã ít quan tâm…”.

Trần Huy Liệu (1901 - 1969) là một trí thức tiêu biểu của Việt Nam thế kỷ XX; một nhân chứng và là người trực tiếp tham gia làm nên những sự kiện lịch sử trọng đại trong thời kỳ vận động cách mạng và buổi đầu Dân quốc. Ông quê ở làng Vân Cát, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Ðịnh. Chiếc nôi này là nơi Trần Huy Liệu có được sở học đầu tiên và chịu ảnh hưởng sâu sắc về mặt tính cách. Ông là con người kết tinh được nhiều năng lực xuất sắc mà cội rễ chính là lòng yêu nước, là tinh thần yêu chuộng văn hiến. “Đọc Hồi ký Trần Huy Liệu, điều tôi cảm thấy thích thú đầu tiên chính là những chi tiết về quê hương, về ngôi làng nhỏ, họ tộc, người thân…”, nhà văn Trần Chiến kể chuyện. Năm 1927, Trần Huy Liệu bị thực dân Pháp bắt về tội có các hoạt động chống chính quyền thực dân phong kiến. Năm 1928, ông tổ chức Cường học thư xã, tự viết và chuyên xuất bản các sách cổ vũ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Nhớ về Bộ trưởng Trần Huy Liệu : Một cuộc đời luôn luôn tìm kiếm - Anh 2

Bộ trưởng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Huy Liệu (1901-1969)

Về chính trị, từ một thanh niên yêu nước, ông đã đến với chủ nghĩa cộng sản; là người kiên trung, bất khuất, trải mọi lao tù từ Côn Ðảo, đến Sơn La; Bí thư (Thư ký) Tổng bộ Việt Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, người viết bản Quân lệnh số 1, là Bộ trưởng Bộ Thông tin Tuyên truyền đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Trưởng đoàn của Chính phủ cùng Nguyễn Lương Bằng, Cù Huy Cận đi nhận ấn kiếm và sự thoái vị của vua Bảo Ðại...

Về Sử học, ông là Trưởng ban Nghiên cứu Sử - Ðịa - Văn trực thuộc Trung ương Ðảng năm 1953, sau đổi thành Ban Nghiên cứu Văn - Sử - Ðịa, tiền thân của Uỷ ban KHXH, Viện KHXH ngày nay; Viện trưởng Viện Sử học đầu tiên. Ông có nhiều công trình xuất sắc, tiêu biểu là Lịch sử 80 năm chống Pháp 2 tập, được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Theo đánh giá của GS Ðinh Xuân Lâm: “Trần Huy Liệu là một trong những nhà sử học lớn nhất của thế hệ mở đường, khai sáng nền sử học Việt Nam hiện đại”.

Nhớ về Bộ trưởng Trần Huy Liệu : Một cuộc đời luôn luôn tìm kiếm - Anh 3

Tác phẩm “Cõi người - Chân dung Trần Huy Liệu”

Trong Cõi người - Chân dung Trần Huy Liệu, dưới ngòi bút của chính con trai mình, nhà báo, nhà văn Trần Chiến, chân dung vị Bộ trưởng đầu tiên của ngành Văn hóa hiện lên một cách chân xác và sinh động. Nhà văn Trần Chiến nói vui, có lẽ ông được cha để lại cho cái tính bướng bỉnh nhiều hơn những điều khác, nhưng ông chỉ bướng ngầm, không dám bộc lộ thẳng như cha. Ngày cha còn sống, kỷ niệm hai cha con gắn bó không nhiều. Nhà văn Trần Chiến sống chủ yếu cùng mẹ, thỉnh thoảng cha về thăm và cho đi theo trong các chuyến đi công tác. Số đêm cha con nằm ngủ với nhau chỉ đếm được trên đầu ngón tay. “Trong quãng thời gian ít ỏi đó, tôi chỉ lưu giữ được một số ký ức về ông. Những câu chuyện trên đường cùng cha nghe vui vui, sau này tôi mới biết mang cái nhìn và dấu ấn của ông-một con người có nhiều cốt cách Nho giáo”, ông Trần Chiến kể.

Là người trải qua nhiều sự kiện quan trọng của đất nước trong thế kỷ trước, Trần Huy Liệu có mối quan hệ với nhiều nhân vật nổi bật như Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Hải Triều, Trần Đình Long, Nguyễn Bình, Tô Hiệu… Hồi ký Trần Huy Liệu ghi lại thời khắc lịch sử năm 1945, ông là người viết Dự thảo Quân lệnh Tổng khởi nghĩa số 1 ở chiến khu Tân Trào, Việt Bắc để Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố trước quốc dân: “Đêm 13.8, trong một căn nhà lợp lá, tôi được đồng chí Văn (Võ Nguyên Giáp) ủy quyền cho thảo bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa. Mặc dù ngồi dưới ngọn đèn tù mù; những con tầm xuân, con thiêu thân bay quanh tới tấp, muỗi và dĩn thi nhau đốt làm tôi nhiều lúc nẩy người lên hay đập chân bành bạch, tôi vẫn say sưa nghĩ đến cảnh nước mất, dân nhục từ hơn tám mươi năm, nghĩ đến sự nghiệp cách mạng của mấy thế kỷ qua; những cuộc khởi nghĩa của Văn thân, của Việt Nam Quốc dân Đảng cho đến ngày nay dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương. Mình được sung sướng làm cái việc nửa đêm truyền hịch hẹn ngày xuất quân… Bản Quân lệnh số 1 lúc ấy tôi thảo một mạch, đọc đi đọc lại vẫn không sửa chữa một chữ nào…”.

Nhớ về Bộ trưởng Trần Huy Liệu : Một cuộc đời luôn luôn tìm kiếm - Anh 4

Bản Quân lệnh khởi nghĩa số 1 do Trần Huy Liệu soạn thảo năm 1945 Ảnh: Tư liệu của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Năm 1969, Trần Huy Liệu mất, để lại có 26 cuốn nhật ký ghi chép về những sự kiện và con người lịch sử, chủ yếu trong 50 năm đầu của thế kỷ XX ở Việt Nam. Với cách nhìn uyên bác và nghiêm túc của một nhà sử học có nhãn quan riêng, nhật ký nói riêng, di cảo nói chung của Trần Huy Liệu là cả một kho sử liệu quý giá. Được tiếp xúc, đọc chúng, nhà văn Trần Chiến trăn trở việc phải từ đây dựng lên chân dung đời sống chân thực của cha mình và phần nào thời đại ông sống. Cuốn Cõi người- Chân dung Trần Huy Liệu của Trần Chiến đã công bố một phần tư liệu quý giá từ hồi ký, nhật ký của Trần Huy Liệu, mối quan hệ với các yếu nhân một thời.

Nói rằng không chịu nhiều ảnh hưởng trực tiếp từ cha nhưng nhà văn Trần Chiến thừa nhận, sự quan tâm về lịch sử, về quá khứ trong ông ngày càng lớn dần theo thời gian. Ông thích đọc sách lịch sử; trong viết văn, viết báo, không khí lịch sử ngày càng nhiều. Trong các tác phẩm của cha mình, ông đặc biệt thích Hồi ký Trần Huy Liệu, cuốn sách giúp ông hiểu nhiều hơn về người cha. “Ông Liệu nổi tiếng nhớ nhiều, khi học ngoại ngữ ở tù Côn Đảo, bạn tù đặt tên ông là “Từ điển sống”. Tôi học ngoại ngữ cũng khá, nhưng rút cục không dùng được”, nhà văn Trần Chiến nhớ về cha.

Trả lời câu hỏi, dấu ấn lớn nhất của ông khi nghĩ về cha mình, nhà văn Trần Chiến nói: “Trần Huy Liệu là con người tìm kiếm. Ông luôn phải đi tìm một cái gì đó trong cuộc sống 68 năm căng thẳng của mình. Những cuộc tìm đó, khi thì do bản năng ưa thích, nhạy bén với cái mới, khó thỏa mãn để chấp nhận thực tại của mình, khi lại bất đắc dĩ, bị hoàn cảnh bó buộc, đã đem lại sự thăng trầm, khổ đau và hạnh phúc cho ông…”.

Nhà văn Trần Chiến cũng cho rằng, tuy nổi tiếng về nhiều phương diện, nhưng Trần Huy Liệu lại là con người không dễ tìm hiểu, hiểu rồi không dễ viết ra, viết ra rồi vẫn khó xuất hiện ở dạng toàn vẹn. Cuộc đời ông gắn với những sự kiện, nhân vật, trào lưu khá tiêu biểu cho nước Việt trong khoảng nửa thế kỷ. Mảnh đời riêng cũng chộn rộn, đầy khúc khuỷu do ở cá tính, thẩm mỹ, tầm vóc của ông. Viết về Trần Huy Liệu là rất rộng, cũng chả nên gói lại các vấn đề vội làm gì…

 Bộ VHTTDL không nhận hoa, tiếp khách trong dịp kỷ niệm Ngày truyền thống ngành Văn hóa

Bộ VHTTDL đã có văn bản về việc không tổ chức đón tiếp khách, không nhận hoa chúc mừng nhân kỷ niệm 76 năm Ngày truyền thống ngành Văn hóa (28.8.1945 - 28.8.2021). Văn bản nêu rõ, thực hiện Nghị định số 145/2013/NĐ-CP ngày 29.10.2013 của Chính phủ quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài; Nghị định số 111/NĐ-CP ngày 31.8.2018 của Chính phủ quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các Bộ, ngành, địa phương; Quyết định số 2276/QĐ-TTg ngày 31.12.2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 và trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, kỷ niệm 76 năm Ngày truyền thống ngành Văn hóa, Bộ VHTTDL không tổ chức mít tinh kỷ niệm, không tổ chức đón tiếp các đoàn khách đến thăm, chúc mừng và đề nghị các cơ quan, tổ chức không gửi hoa chúc mừng.

Nhân dịp này, Bộ VHTTDL trân trọng cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; sự quan tâm, phối hợp công tác của các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố. Đồng thời Bộ VHTTDL cũng mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; sự phối hợp công tác của các Bộ, ban, ngành, đoàn thể TƯ và UBND các tỉnh, thành phố.

 

 PHƯƠNG ANH

 

Ý kiến bạn đọc