Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Khắc họa chân dung những người “mang nghiệp văn chương”

Thứ Hai 30/08/2021 | 09:57 GMT+7

VHO- Gần đây, những tác phẩm chân dung văn học viết về các nghệ sĩ tài ba liên tục được ra mắt. Ở đó, hình ảnh nhiều thế hệ nhà văn được khắc họa rõ nét, sống động, giúp độc giả cảm nhận gần gũi hơn cuộc đời và tác phẩm của họ, cũng như có thêm góc nhìn chân thực về đời sống văn chương trong một giai đoạn lịch sử của nước nhà.


 Nhiều cuốn sách chân dung văn học đã được ra mắt gần đây Ảnh: ITN

 Những người “mang nghiệp văn chương” được tiếp cận cùng một lúc trên cả hai tư cách con người đời thường và con người nghệ sĩ, qua đó tâm hồn, thân phận cá nhân của họ “phát lộ” rõ hơn bao giờ hết…

Từ văn đến đời, từ đời vào văn

Sau Như cánh chim trong mắt của chân trời, tác giả Văn Thành Lê vừa ra mắt cuốn chân dung học thứ hai mang tên Lần đường theo bóng (NXB Tổng hợp TP.HCM). Cuốn sách gồm 20 chân dung văn học được tác giả khắc họa một cách nghiêm ngắn. Bên cạnh những nhà phê bình, nhà văn, nhà thơ thuộc thế hệ cha chú như Ngô Thảo, Nguyễn Nhật Ánh, Trần Đăng Khoa, thế hệ 6X, 7X đã thành danh như Đỗ Tiến Thụy, Phong Điệp, Hoàng Thụy Anh…, Văn Thành Lê tập trung nhiều vào những tác giả thuộc thế hệ 8X như Phan Tuấn Anh, Lê Vũ Trường Giang, Nguyễn Thị Kim Hòa… và cả thế hệ 9X với Cao Nguyệt Nguyên, Hiền Trang… Anh chia sẻ: “Bên cạnh việc nhìn lên, học hỏi từ thế hệ đi trước, tôi cũng muốn đồng hành với những cây viết thuộc thế hệ mình và trẻ hơn mình. Từ lâu là đọc và giờ là viết về các bạn. So thế hệ 7X có những cá nhân, hội nhóm, sự phá cách trong sáng tác, tạo sóng trên văn đàn một thời, thế hệ 8X trầm lắng hơn, nhưng sau những ồn ào thì trầm lắng không có nghĩa là không có gì. Tôi mong có thể gọi tên những người đã “có gì” theo cách nhìn của mình. Đường văn còn dài, chẳng ai nói trước được ngày mai, nhưng với những chân dung đã dựng, tôi có niềm tin các bạn ấy còn bước tiếp và làm được hơn. Chính thế hệ 8X và 9X đang góp phần vào bộ mặt của văn chương hôm nay một cách đàng hoàng”.

Chân dung của những bạn văn vong niên hay người đồng trang dưới lứa đều được tác giả tái dựng chân thực, sinh động với cùng một tông điệu chân mộc, đời thường. Đặt họ cạnh nhau, người viết có điều kiện nhận ra những tương đồng, khác biệt của mỗi người.

Đánh giá về cuốn sách độc đáo này của Văn Thành Lê, trong bài viết Chạm hình bắt chữ, PGS.TS Bùi Thanh Truyền nhận định: “Thưởng lãm hai mươi chân dung trong cuốn sách này, nhiều người sẽ ngạc nhiên: Tại sao một cây bút trẻ, nhiệt tình với cái mới lại hào hứng với phê bình tiểu sử đã quá truyền thống? Từ văn đến đời, và ngược từ đời vào văn để định dạng nhân vật, trình hiện căn cước nhà văn, cái lý và chiều sâu trong trang viết của mỗi người”.

Góc nhìn chân thực về đời sống văn chương

Không chỉ viết về các chân dung văn học đương đại, nhiều nhà văn còn khắc họa những chân dung văn học nổi tiếng một thời, với tư liệu dồi dào và những câu chuyện văn chương hấp dẫn bên lề các tác phẩm làm nên diện mạo văn học Việt Nam.

Cuối tháng 7 vừa qua, NXB Kim Đồng cho ra mắt bộ sách Bạn văn bạn mình gồm 10 cuốn: Phê bình và cảo luận (Thiếu Sơn), Hình dung và tâm tưởng (Lan Khai), Văn thi sĩ tiền chiến (Nguyễn Vĩ), Văn thi sĩ hiện đại (Bàng Bá Lân), Đốt lò hương cũ (Đinh Hùng), Chân dung văn học (Nguyễn Tuân), Mười chín chân dung nhà văn cùng thời (Vũ Bằng), Những gương mặt (Tô Hoài), Cây bút đời người (Vương Trí Nhàn), Bạn văn (Nguyễn Quang Lập). Bộ sách tuyển chọn những cuốn chân dung văn học đặc sắc. Từ cuốn sách phê bình văn học đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ tới những cuốn sách có tư liệu hiếm, độc bản, lần đầu được công bố…

Bên cạnh một số thông tin tiểu sử, thủ bút, chữ ký, bạn đọc sẽ được nghe kể về kỷ niệm vui buồn, tình bạn, tình yêu, cá tính và thói quen độc đáo của các nhà thơ, nhà văn, sẽ khám phá ra nhiều điều mới mẻ về các thi văn tài. Với bộ sách này, chúng ta sẽ thấy mảng chân dung - phê bình văn học không hề khô khan mà ngược lại rất hấp dẫn và với nhiều tác phẩm hay, giá trị, đã làm nên tên tuổi các tác giả. Ở đó, chân dung các văn nghệ sĩ được khắc họa rõ nét, với nhiều góc nhìn, nhiều khía cạnh, bật lên đặc điểm khác biệt trong hình dung và tâm tính mỗi người.

Trước đó, GS Phong Lê cũng vừa cho ra mắt sách 90 chân dung văn hóa, văn chương Việt (NXB Trẻ ấn hành), viết về nhiều nhân vật, đối tượng văn chương mà ông nghiên cứu, đọc, khảo sát. Phần lớn dung lượng sách viết về những gương mặt văn hóa, văn chương thế kỷ XX. Mỗi nhân vật được khắc họa không chỉ cho thấy phong cách riêng, đóng góp của mỗi cá nhân, mà còn tạo nên cái nhìn tổng thể về hành trình văn hóa dân tộc. Các nhân vật, tác phẩm văn chương mà GS Phong Lê theo đuổi trong suốt hành trình nghiên cứu có mặt trong sách như Nam Cao, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Quang Dũng, Đoàn Phú Tứ… Ở đó, mỗi nhà văn được nhìn nhận thấu đáo, qua đó cho người đọc thấy tài năng, tầm vóc của các nhà văn lớn.

Trên thực tế, sách viết về chân dung văn học không nhiều, vì khắc họa chân dung một con người không hề dễ dàng, đặc biệt là người làm công việc sáng tạo lại càng khó nắm bắt hơn. Tuy nhiên, các cuốn sách thuộc thể loại này vẫn đều đặn ra đời và không mất đi sức hút của nó. Từ đó, những người “mang nghiệp văn chương” được cảm nhận và thể hiện cùng một lúc trên cả hai tư cách con người đời thường và con người nghệ sĩ, giúp người đọc tiếp cận sát hơn bao giờ hết với tâm hồn, thân phận cá nhân của họ, thậm chí từ đó, có cái nhìn bao quát về đời sống văn học của một thời kỳ. 

 MAI AN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top