Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Ra mắt 3D Tour tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam: Chiêm ngưỡng “báu vật” trên không gian mạng

Thứ Hai 30/08/2021 | 10:00 GMT+7

VHO- Lần đầu tiên những bảo vật quốc gia, tác phẩm hội họa danh tiếng trong kho tàng mỹ thuật Việt Nam… có thể hiện diện trước mắt công chúng bất cứ khi nào, bất cứ nơi đâu, với những đường nét, khía cạnh tinh hoa được khai thác, phô diễn trên nền tảng công nghệ tham quan trực tuyến 3D Tour, vừa được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chính thức ra mắt công chúng nhân kỷ niệm 76 năm ngày truyền thống Ngành Văn hóa (1945-2021).

Bảo vật quốc gia Tượng Phật Bà Quan Âm trên nền tảng tham quan trực tuyến 3D Tour của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

 Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các bảo tàng và di tích phải tạm dừng đón khách tham quan, việc ra mắt những triển lãm trực tuyến, tour tham quan 3D trên nền tảng công nghệ hiện đại đã bắc cây cầu nối liền dòng chảy nghệ thuật, khiến công chúng không thể lãng quên.

Thưởng lãm kiệt tác mỹ thuật với 3D Tour

TS Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ, sau khi ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA đi vào hoạt động và nhận được những phản hồi tích cực, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tiếp tục xây dựng công nghệ tham quan trực tuyến 3D Tour. Đây là một trong những ứng dụng giúp du khách trải nghiệm tham quan trực tuyến không gian trưng bày các tác phẩm hiện đang trưng bày tại Bảo tàng, đặc biệt là được chiêm ngưỡng những video clip chất lượng cao về các Bảo vật quốc gia đang được lưu giữ tại đây.

Ngày 28.8, sau một thời gian thử nghiệm và ghi nhận, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chính thức ra mắt công nghệ tham quan trực tuyến 3D Tour (tiếng Việt và tiếng Anh), được tích hợp trên website của Bảo tàng (vnfam.vn). Bằng công nghệ này, ngay ở trong ngôi nhà của mình, cùng với thiết bị thông minh được kết nối Internet, công chúng yêu mỹ thuật chỉ cần click vào đường link https://3d.vnfam.vn/vi (bản tiếng Việt) hoặc https://3d.vnfam.vn/en (bản tiếng Anh), rồi thực hiện theo chỉ dẫn là có thể tự do khám phá không gian Bảo tàng, chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật và nghe lời giới thiệu chung về các chủ đề trưng bày.

100 hiện vật tiêu biểu được giới thiệu trong ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA cũng được liên kết với trưng bày trực tuyến 3D Tour, được gắn biểu tượng nổi bật giúp du khách dễ dàng nhận ra. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên hai Bảo vật quốc gia là Bình phong sơn mài của danh họa Nguyễn Gia Trí và Tượng Phật Bà Quan Âm… được giới thiệu trên hành trình khám phá Bảo tàng bằng công nghệ tham quan trực tuyến. Theo ông Nguyễn Anh Minh, để tăng sức thu hút, trong thời gian tới Bảo tàng sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung thêm những video clip chất lượng cao giới thiệu về những bảo vật quốc gia khác, cùng những tác phẩm mỹ thuật đặc sắc của hội họa Việt Nam hiện đang được Bảo tàng lưu giữ. Hy vọng đây sẽ là những thỏi “nam châm” hút du khách đến với Bảo tàng, dù trong bối cảnh vô vàn thách thức hiện nay.

Việc tham quan trực tuyến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam qua 3D Tour hoàn toàn miễn phí là nỗ lực và kết quả của quá trình nghiên cứu, phát triển ý tưởng và triển khai thực hiện của các cán bộ Bảo tàng, cùng sự giúp sức của đồng nghiệp, bạn bè trong nước và quốc tế, với mong muốn truyền cảm hứng, lan toả tình yêu với nghệ thuật và di sản, nhằm đưa Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đến gần hơn với công chúng. “Chúng tôi đã tham khảo mô hình hiện đại của các Bảo tàng trên thế giới và tự hỏi tại sao mình không ứng dụng công nghệ để quảng bá những kiệt tác mỹ thuật Việt Nam? Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản mỹ thuật nói riêng cũng là bước cụ thể hóa chủ trương của lãnh đạo Bộ VHTTDL trong việc triển khai các hoạt động theo chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ…”, ông Nguyễn Anh Minh chia sẻ.

 Video clip giới thiệu Bình phong sơn mài của danh họa Nguyễn Gia Trí

Đóng góp tuyệt vời cho ngành di sản thế giới

Ngay trong thời gian thử nghiệm, hình thức tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam qua 3D Tour đã được các chuyên gia di sản và bảo tàng trong nước và quốc tế cảm nhận, đánh giá cao. “Đây thực sự là một bước tiến trong chặng đường phát triển của Bảo tàng, một sự đóng góp to lớn đối với công tác bảo tồn và quảng bá tới công chúng những bộ sưu tập nghệ thuật tuyệt vời của Bảo tàng. Toàn bộ việc trải nghiệm hoàn toàn miễn phí, tạo điều kiện tối đa để du khách có thể an tâm, tự do trải nghiệm”, GS Susan Bayly, Đại học Cambridge (Anh) chia sẻ.

Khẳng định đây là sự đóng góp tuyệt vời đối với ngành di sản thế giới, chuyên gia thiết kế trưng bày bảo tàng James Hicks (New York, Hoa Kỳ) cho rằng, quan trọng hơn là đối với công chúng Việt Nam, đặc biệt trong thời điểm khó khăn hiện nay, khi mọi người đều đang giãn cách và chỉ được ở nhà, công nghệ tham quan trực tuyến giúp cho tất cả chúng ta có thể khám phá và chiêm ngưỡng các hiện vật trong chính không gian trưng bày của Bảo tàng.

Nhiều chuyên gia di sản cũng cho rằng những video clip giới thiệu về các bảo vật quốc gia trên 3D Tour của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khiến người xem thật sự bị cuốn hút. “Tôi thực sự bất ngờ với video clip giới thiệu Bảo vật quốc gia Tượng Phật Bà Quan Âm… Câu chuyện hay, xúc động, hình ảnh rõ nét, đa chiều; người xem tận mắt quan sát và cảm nhận được giá trị lịch sử, nghệ thuật của pho tượng. Trong sự lo âu, thấp thỏm về diễn biến của dịch Covid-19 đang lan rộng, nhìn thấy Phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay, chúng ta có cảm giác yên tâm hơn…”, TS Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hoá Việt Nam chia sẻ và còn cho biết thêm về một trải nghiệm thú vị khác là Bảo vật quốc gia Bình phong sơn mài của Danh họa Nguyễn Gia Trí. “Sự ra đời của bức tranh, chủ đề, giá trị mỹ thuật, lịch sử và cả giá trị di sản văn hoá phi vật thể của nghề sơn mài hiện đang phát triển ở Việt Nam đã được tóm lược diễn giải một cách sinh động kết hợp với kỹ thuật quay và giọng đọc truyền cảm. Tôi thích cách giới thiệu các hiện vật bảo tàng nói chung và các kiệt tác nghệ thuật nói riêng kiểu thế này. Vừa là giải trí vừa có cơ hội học hỏi nhiều điều bổ ích”, TS Lê Thị Minh Lý cho biết.

ThS Nguyễn Đức Tăng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa cảm nhận, trưng bày ảo VR360 của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho công chúng tận mắt chiêm ngưỡng bộ sưu tập hiện vật tranh, tượng đồ sộ và rất có giá trị của Việt Nam. Đặc biệt, các video giới thiệu về một số Bảo vật quốc gia, có độ phân giải cao được chuẩn bị kỹ càng, tạo ấn tượng rất mạnh mẽ, thôi thúc người xem mong muốn được đến chiêm ngưỡng và trải nghiệm trực tiếp với các hiện vật. Có thể nói, thông qua công nghệ VR360, Bảo tàng đã làm rất tốt nhiệm vụ giới thiệu, quảng bá và tạo cảm hứng về giá trị văn hóa - nghệ thuật của sưu tập hiện vật đến công chúng.

Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh cho biết, trong thời gian tới, Bảo tàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi và số hóa toàn bộ các tài liệu, hiện vật, đặc biệt là tiếp tục ứng dụng công nghệ để gia tăng trải nghiệm, đa dạng các hình thức tham quan tại Bảo tàng cho công chúng. 

 PHƯƠNG ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top