Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Năm học mới sắp bắt đầu với bộn bề khó khăn

Thứ Hai 30/08/2021 | 13:56 GMT+7

VHO - Chỉ còn ít ngày tới, phần lớn học sinh cả nước bước vào năm học mới 2021-2022. Tại TP.HCM đến thời điểm này, nhiều phụ huynh và học sinh các cấp như “ngồi trên đống lửa” vì ngày tựu trường đã cận kề nhưng vẫn chưa có SGK, phương tiện, dụng cụ học tập…

SGK bày bán tại một cửa hàng TP.HCM năm học trước. Năm học này, do tình hình giãn cách nên việc tiếp cận SGK đến học sinh vô cùng khó khăn

Chưa biết “mặt mũi” bộ sách mới ra sao
Theo kế hoạch năm học của UBND TP, học sinh THCS, THPT sẽ bắt đầu bước vào năm học mới từ 1.9, còn bậc tiểu học tựu trường sau đó một tuần… Trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều phụ huynh sốt ruột chia sẻ, hỏi han cách thức để mua sách cho con vì các phụ huynh này đã đăng ký trên mạng theo đường link của nhà xuất bản nhưng gần hai tuần vẫn chưa lấy được sách. Chị Dung, nhà ở quận 5, đăng trên nhóm “Trao đổi nhu yếu phẩm quận 5” nhờ mọi người chỉ cách thức mua bộ SGK “Chân trời sáng tạo” lớp 1, hoặc là có sách cũ năm trước chia lại cho con chị. “Con mình chuẩn bị vô lớp 1 theo chương trình phổ thông mới, đến nay vẫn chưa có sách, cô giáo kêu học qua E-book nhưng bé còn quá nhỏ, học sách điện tử e là không hiệu quả”, chị Dung bày tỏ. Tương tự, anh Thanh ở quận Bình Thạnh có con năm nay vào lớp 6 cũng chưa tìm được bộ sách, lo lắng hỏi thăm đủ chỗ. Không chỉ SGK của chương trình giáo dục phổ thông mới của các lớp 1, 2 và 6 không thể tiếp cận được, mà học sinh các lớp học khác cũng bước vào năm học mới với việc thiếu đủ thứ phương tiện, đặc biệt là sách, tập, những gia đình có từ 2 con trở lên càng thực sự khốn đốn cho việc các học sinh phải chia nhau thiết bị để học online… 
Nhằm “can thiệp” để tháo gỡ những khó khăn này, UBND TP.HCM đã có văn bản khẩn về việc tạo điều kiện cho phát hành SGK phục vụ năm học mới 2021-2022. Theo đó, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức chỉ đạo giao Sở GD&ĐT phối hợp Sở Giao thông vận tải, cùng Công an TP tạo thuận lợi để vận chuyển, cung ứng SGK tới nhà trường, học sinh và phụ huynh để kịp chuẩn bị cho năm học mới. Trước đó, Sở TTTT TP.HCM có văn bản khẩn gửi UBND TP đề xuất đưa SGK vào nhóm hàng thiết yếu. Sở này cũng đề xuất cho phép các đơn vị xuất bản, phát hành, đội ngũ người giao hàng (shipper) được phép lưu thông để vận chuyển các loại sách phục vụ người dân trong thời gian TP giãn cách xã hội… Tuy nhiên, cho đến nay nhiều học sinh vẫn chưa có được sách.

Mới có hơn 70% đã được chuyển đến các trường tiểu học
Phương án dạy và học năm học mới, UBND TP cho biết ngành GD&ĐT phối hợp với Đài Truyền hình TP triển khai phát sóng dạy trực tuyến. Nội dung giảng dạy ưu tiên hướng dẫn trẻ tự học và phụ huynh phối hợp cùng con, đặc biệt với lớp 1, 2 và lớp cuối cấp. Các địa phương kiểm soát dịch tốt sẽ tổ chức dạy trực tiếp ngay khi đủ điều kiện, tận dụng tối đa thời gian dạy trực tiếp. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức:“Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp trên địa bàn làm cho việc phát hành SGK bị chậm. Đến nay, chỉ hơn 60% SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới được chuyển đến các trường. TP đã chỉ đạo các địa phương tìm giải pháp phân phối sách sớm nhất cho học sinh tuỳ tình hình khu vực, cung cấp SGK điện tử cho lớp 1-12 trên Internet và thông tin đến phụ huynh”, ông Đức thông tin và cho biết TP cũng chỉ đạo các trường nắm thông tin hoàn cảnh của học sinh để thống kê trường hợp khó khăn khi học trên Internet, từ đó có giải pháp hỗ trợ cụ thể như kết nối nhà hảo tâm hỗ trợ tài chính, trang thiết bị học tập. 
Theo ông Nguyễn Thành Trung, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM, thông tin phản hồi từ các NXB cho thấy SGK phục vụ năm học mới 2021-2022 đã cơ bản được vận chuyển về TP.HCM, trong đó có hơn 70% đã được chuyển đến các trường tiểu học. Hiện Sở Giao thông vận tải và Công an TP đã thống nhất xem SGK là mặt hàng thiết yếu, tạo điều kiện để các NXB và các đơn vị phát hành sách vận chuyển, cung ứng SGK tới nhà trường, học sinh và phụ huynh nhằm kịp thời chuẩn bị cho năm học mới. Sở GD&ĐT đề nghị các NXB chủ động liên hệ với Sở Giao thông vận tải và Công an TP để được cấp giấy đi đường, phối hợp với các phòng GD&ĐT để tính toán phương án cung ứng SGK phù hợp với đặc thù từng địa phương. 
Phía Công ty Phát hành sách TP.HCM (FAHASA) cũng thông tin, từ ngày 23.8 đến nay, đơn vị không giao được sách cho phụ huynh vì sách không được xem là mặt hàng thiết yếu nên không được vận chuyển. Lượng sách và văn phòng phẩm hiện đang bị ứ đọng ở kho rất nhiều. Hiện UBND TP.HCM đã cho phép và FAHASA cũng đã làm việc với các đơn vị vận chuyển, từ ngày 30.8 sẽ chuyển các đơn hàng, giao sách và đồ dùng học tập đến tận tay học sinh.

Thiếu giáo viên diễn ra khắp nơi
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 do Bộ GD&ĐT tổ chức mới đây, nhiều địa phương cho biết tình trạng thiếu giáo viên đang gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục. Ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, địa phương này đang thiếu gần 8.000 giáo viên, tập trung chủ yếu ở bậc mầm non và tiểu học, gây khó khăn cho ngành Giáo dục trong đảm bảo các hoạt động tổ chức dạy học. Cùng chung khó khăn này, bà Y Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum chia sẻ, thiếu biên chế giáo viên đang gây khó khăn trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt là dạy học 2 buổi/ngày. Theo thống kê, năm học 2021-2022, tỉnh Kon Tum còn thiếu gần 1.700 người, nhất là giáo viên ở các địa bàn vùng sâu vùng xa…
Tại TP.HCM, dự kiến năm học 2021-2022 địa phương có hơn 1,71 triệu học sinh, tăng gần 31.000 em so với năm học trước. Năm học 2020-2021, số học sinh không có hộ khẩu ở TP là hơn 373.000. Áp lực này làm gia tăng sĩ số học sinh/lớp vượt cao so với chuẩn (cấp tiểu học), học sinh tham gia học 2 buổi/ngày giảm. Việc gia tăng học sinh kéo theo tăng cán bộ, giáo viên, nhân viên, tăng biên chế, làm tăng nguồn chi của ngân sách TP. Ở cấp mầm non, do ảnh hưởng Covid-19, các đơn vị ngoài công lập không có kinh phí chi trả tiền thuê mặt bằng và trả lương cho hợp đồng lao động nên số lượng cơ sở giáo dục mầm non đội ngũ biến động liên tục... Chỉ trong năm học 2020-2021, đã có 151 cơ sở giáo dục mầm non giải thể và ngưng hoạt động, dẫn đến giảm 411 phòng học. Toàn TP.HCM có 249 trường làm nơi cách ly, 453 trường hỗ trợ hoạt động xét nghiệm, tiêm ngừa. TP có gần 2.000 giáo viên và 6.000 học sinh thuộc diện F0, F1. Vì vậy, năm học mới không thể bắt đầu bằng hình thức trực tiếp. Các cơ sở giáo dục, khi hoàn thành nhiệm vụ chống dịch, phải mất ít nhất 2 tuần sửa chữa, cải tạo. 

ANH HUY

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top