Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Vượt khó làm phim trong mùa dịch

Thứ Tư 01/09/2021 | 09:06 GMT+7

VHO- Đại dịch Covid-19 kéo dài suốt hai năm đã khiến nhiều bộ phim điện ảnh, truyền hình liên tục phải chạy đua với thời gian để kịp lịch ra rạp hoặc phát sóng. Phía sau mỗi thước phim, khán giả khó có thể hình dung hết những khó khăn mà ê kíp sản xuất đã phải nỗ lực vượt qua để có thể vừa hoàn thành các cảnh quay, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

 Đoàn phim “Đại tướng Võ Nguyên Giáp một huyền thoại” đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19

 Khó khăn bủa vây

Thực hiện bộ phim tài liệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp một huyền thoại và hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng (25.8.1911-25.8.2021), đoàn làm phim của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương đã phải cố gắng khắc phục vô số khó khăn vì Covid-19 diễn biến phức tạp. Đạo diễn, NSƯT Trịnh Quang Tùng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương cho biết, phim bắt đầu thực hiện từ tháng 4.2021, với mong muốn tác phẩm sẽ là món quà tri ân Vị tướng huyền thoại trong lòng nhân dân, ê kíp thực hiện bộ phim đã quyết tâm không lùi bước. “Khi thực hiện bộ phim thì cũng là lúc dịch bùng phát trở lại, vì vậy nên việc đi lại, tiếp xúc nhân vật cũng bị hạn chế. Bên cạnh đó, nguồn tư liệu mới cũng hiếm, nhân vật cùng thời hoạt động với Đại tướng phần lớn đã mất hoặc già yếu, nên cũng phần nào ảnh hưởng đến quá trình làm phim”, đạo diễn Trịnh Quang Tùng chia sẻ.

Theo đạo diễn Trịnh Quang Tùng, trong quá trình thực hiện, ê kíp đã phỏng vấn nhiều nhân vật là người thân cận với Đại tướng và may mắn đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình. Tại các tỉnh Quảng Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng…, đoàn làm phim đều được tạo điều kiện tốt nhất để hoàn thành nhiệm vụ. “Đi đến tỉnh nào cũng có nhiều chốt kiểm tra, đoàn phim phải gửi danh sách xin phép Ban chỉ đạo phòng chống dịch của địa phương đó. Thời điểm quay về Hà Nội, dịch bệnh căng thẳng hơn nên việc hẹn phỏng vấn rất khó, trong khi các nhân vật đều đã tuổi cao…”, đạo diễn Trịnh Quang Tùng cho biết.

Động lực giúp đoàn làm phim vượt qua những khó khăn, đảm bảo thực hiện chất lượng các cảnh quay chính là tâm nguyện thực hiện cho bằng được những thước phim quan trọng về Đại tướng. Đạo diễn Trịnh Quang Tùng kể, khi đoàn liên hệ phỏng vấn Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, cuộc hẹn bị hoãn do bác sĩ riêng của Trung tướng khuyên không nên tiếp xúc. “Nhưng một hôm Trung tướng gọi nói rằng phim về Đại tướng rất quan trọng nên ông sẽ trả lời và hẹn luôn ngày hôm sau. Cuộc phỏng vấn GS.TSKH Vũ Minh Giang cũng có nhiều kỷ niệm, đoàn đi quay vào đúng thời điểm áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nên tới đâu cũng cần tuân thủ những quy định nghiêm túc, nhưng khi chúng tôi nói là đang thực hiện phim về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và trình giấy tờ đầy đủ thì đều được tạo điều kiện. Đoàn phim cũng tinh giảm số người trong ê kíp quay, bình thường là 6 thì nay chỉ còn lại 3 người…”, đạo diễn Trịnh Quang Tùng cho biết.

Bối cảnh quay luôn là khâu quan trọng trong mỗi tác phẩm điện ảnh. Dịch bệnh Covid-19 đã tạo nên nhiều thách thức đối với các đoàn làm phim để có thể thực hiện những góc máy đẹp, chất lượng mà vẫn đảm bảo giãn cách an toàn. Đạo diễn, nhà sản xuất Lương Đình Dũng cho biết, làm phim trong giai đoạn dịch dã thực sự gian nan. Nhìn lại quá trình thực hiện bộ phim hành động 578 phát đạn của kẻ điên, ê kíp thực hiện đã phải vượt qua vô số thách thức, kinh phí làm phim đã đội lên tới trên 30% bởi dịch bệnh và tác động xấu của thời tiết. Cái khó không lường trước được khi dịch Covid-19 bất ngờ ập đến đối với cả ê kíp là bởi quy mô của tác phẩm. 578 phát đạn của kẻ điên quy tụ ê kíp, lực lượng diễn viên hùng hậu, không chỉ ở miền Nam, miền Bắc mà còn đến từ nhiều quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc, Pháp… Việc ghi hình thực hiện tại 8 tỉnh, thành phố, nhiều bối cảnh quay ở trên đèo cao với những pha truy đuổi bằng xe container, xe phân khối lớn, hồ rộng lớn rồi bến cảng, đường cao tốc… “Trong suốt quá trình quay, chúng tôi di chuyển lượng người và phương tiện khủng như vậy, vừa phải đảm bảo an toàn đi lại, vừa phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Vô cùng áp lực, căng thẳng”, đạo diễn Lương Đình Dũng chia sẻ.

 Trong quá trình thực hiện bộ phim hành động “578 phát đạn của kẻ điên”, ê kíp thực hiện phải di chuyển lượng người và phương tiện khủng, nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch

Chạy đua với thời gian

Cùng với điện ảnh, phim truyền hình thực hiện trong thời gian dịch bệnh cũng thực sự bước vào cuộc đua quyết liệt với thời gian. Khán giả đã chứng kiến sự lên ngôi của những “siêu phẩm quốc dân” như: Hướng dương ngược nắng, Mùa hoa tìm lại, Hãy nói lời yêu và hiện là Hương vị tình thân, 11 tháng 5 ngày, Ngày mai bình yên… Thế nhưng, ít ai hình dung hết được những khó khăn mà các đoàn phim đã phải trải qua khi thực hiện cảnh quay thời dịch. Theo các diễn viên, có vô số câu chuyện hậu trường đã đem đến những trải nghiệm khó quên trong cuộc đời của họ.

Trong một phóng sự phát trên VTV1, để chuẩn bị cho cảnh quay tại bối cảnh ngoại thành Hà Nội, các thành viên của đoàn phim Hương vị tình thân đã phải xét nghiệm Covid-19 từ 18h chiều hôm trước, kết quả xét nghiệm có ngay trong đêm để ê kíp kịp cho buổi ghi hình ngày hôm sau. Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Danh Dũng cũng chia sẻ, nếu như trước đây, số lượng đoàn phim mỗi lần quay lên tới 70-80 người thì từ khi dịch bùng phát, ê kíp Hương vị tình thân đã phải rút gọn thành phần, chọn những nơi vắng vẻ quay để thực hiện nghiêm Chỉ thị về giãn cách. Các nhà làm phim cũng đã quen với tình trạng vừa quay vừa chia số lượng thành viên sao cho phù hợp quy định phòng dịch. Cùng với đó là sắp xếp bối cảnh hợp lý và nhiều hoạt động bảo đảm an toàn. Khi không thoại, không diễn thì mọi người đều đeo khẩu trang. Mỗi cá nhân đều phải tự chuẩn bị các phần ăn thay vì trước đây, cả đoàn có thể cùng nhau đặt ở một quán ăn nào đó.

Sau Những ngày không quên, bộ phim nối dài tác phẩm truyền hình đình đám Về nhà đi con nhưng về chủ đề phòng dịch, seris phim Ngày mai bình yên của đạo diễn Vũ Trường Khoa vừa mới lên sóng cũng đã thu hút sự chú ý của người xem khi khai thác chủ đề cuộc sống đời thường trong những ngày dịch bệnh diễn biến phức tạp. Biên kịch phim tiết lộ, thời gian viết kịch bản rất gấp gáp, nhiệm vụ đặt ra là nội dung vừa đảm bảo tính giải trí, vừa phải đảm bảo thông điệp tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng, chống dịch. Với yêu cầu về tiến độ thời gian và quy định phòng dịch nghiêm ngặt, nhiều cảnh quay của phim được quay ngay tại Đài Truyền hình Việt Nam.

Xác định phim truyền hình trong thời điểm này là liều vắcxin tích cực dành cho khán giả nên các nghệ sĩ, thành phần đoàn làm phim đều không quản ngại khó khăn, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Các phim đều trong tình trạng vừa phát sóng vừa quay nên dù dịch bệnh phức tạp, dù bối cảnh giãn cách xã hội thực hiện nghiêm thì các nghệ sĩ vẫn phải hối hả bước vào guồng quay và không thể dừng lại. Hơn 700 tập phim của gần 20 bộ phim trong thời gian qua là kết quả nỗ lực không ngừng nghỉ của các đoàn làm phim, bằng mọi cách để sản phẩm được lên sóng kịp tiến độ. 

 NGÂN ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top