Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Đề án sắp xếp lại, nâng cao năng lực các đơn vị nghệ thuật biểu diễn: Hướng tới những giải pháp căn cơ

Thứ Tư 01/09/2021 | 09:10 GMT+7

VHO- Tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi hoạt động nghệ thuật biểu diễn phải có những thay đổi để thích ứng với quá trình vận động của xã hội. Sự thay đổi đó được bắt nguồn từ phương thức quản lý đến hình thức sáng tạo và thể hiện. Vì vậy, Chính phủ đã giao cho Bộ VHTTDL xây dựng “Đề án Sắp xếp lại, nâng cao năng lực các đơn vị nghệ thuật biểu diễn ở Trung ương”.

 Những tác phẩm lớn như “Những người khốn khổ” của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam cần sân khấu được thiết kế hiện đại mới đáp ứng yêu cầu chất lượng Ảnh: TL

 Trước yêu cầu đó, cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn phải có một cách nhìn toàn diện và chi tiết về mọi mặt, đồng thời đưa ra những giải pháp thật sự hiệu quả để sắp xếp, nâng cao năng lực đối với các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, trước hết là 12 Nhà hát của Bộ - Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã nhấn mạnh điều này đối với Ban soạn thảo Đề án và đề nghị đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Đề án.

Nhìn đâu cũng thấy khó?

Với mục đích sắp xếp, nâng cao năng lực các đơn vị nghệ thuật Trung ương nhằm xây dựng, tạo lập môi trường sáng tạo mới để nghệ thuật biểu diễn phát triển tiên tiến, hội nhập quốc tế, tạo điều kiện để hoạt động nghệ thuật biểu diễn sáng tạo, phát triển theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu, hiệu quả, 12 Nhà hát thuộc Bộ VHTTDL đã có một cuộc tổng kiểm kê đánh giá toàn bộ về mọi mặt, từ tổ chức bộ máy, tài chính, tài sản đến hoạt động biểu diễn nghệ thuật để báo cáo về Cục Nghệ thuật biểu diễn và Ban soạn thảo Đề án.

Trên cơ sở báo cáo gửi về, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Lê Minh Tuấn đã có đánh giá sơ bộ về những vướng mắc nổi cộm nhất của 12 đơn vị nghệ thuật hiện nay. Theo ông Tuấn, hạn chế lớn nhất là sự thiếu hụt về nguồn nhân lực, từ đội ngũ đạo diễn, tác giả cho đến lực lượng diễn viên trẻ, tài năng. Đặc biệt đối với các đơn vị sân khấu truyền thống sự thiếu hụt này đang rất trầm trọng và đáng báo động. Tên tuổi các tác giả, đạo diễn uy tín ngày càng thưa vắng vì tuổi tác và không có lực lượng kế tiếp. Các đơn vị còn phải đối diện với việc không giữ chân được diễn viên trẻ bởi biên chế ít nên không được ký hợp đồng chuyên môn, nguồn thu sự nghiệp quá eo hẹp không đủ đảm bảo trả lương hợp đồng, ảnh hưởng không nhỏ đến chuyện gắn bó sống chết với nghề. Hiện có tới bốn đơn vị nghệ thuật không có rạp biểu diễn, phải mất tiền đi thuê rạp để tập luyện, biểu diễn rất tốn kém, chưa nói tới hệ thống nhà hát và sân khấu di động đã quá lạc hậu, thiếu đồng bộ, chắp vá, không đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn để trình diễn nghệ thuật, nhất là với các bộ môn như múa ba lê, nhạc giao hưởng…

Trong xu hướng chuyên nghiệp hóa, nâng cao năng lực của các nhà hát, Phó Cục trưởng Lê Minh Tuấn nhấn mạnh, cái thiếu nhất hiện nay là một người đảm đương nhiều vị trí, vừa là nghệ sĩ biểu diễn lại vừa là cán bộ phòng nghệ thuật. Điều đó dẫn tới hạn chế về ý tưởng cũng như định hướng sáng tạo nghệ thuật để tạo nên phong cách và thương hiệu riêng cho từng đơn vị…

 Cần quảng bá những chương trình nghệ thuật chất lượng mang bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam ra nước ngoài (ảnh: Chương trình nghệ thuật của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam tại Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Nga năm 2019) Ảnh: T.LIÊM

Cần hướng tới những giải pháp khả thi

Trao đổi tại buổi làm việc, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho rằng, việc triển khai xây dựng Đề án “Sắp xếp lại, nâng cao năng lực các đơn vị nghệ thuật biểu diễn ở Trung ương” còn quá chậm, vì vậy Ban soạn thảo cần đẩy nhanh tiến độ hơn nữa; cần tập trung xử lý các dữ liệu cũng như trao đổi cụ thể đối với từng nhà hát để thấy được cái thiếu và yếu hiện nay của mỗi đơn vị; đồng thời cần phải có những giải pháp cụ để giải quyết căn cơ cho từng vướng mắc. Điều quan trọng nhất là Đề án khi hoàn thành phải mang một cái nhìn toàn diện và phải đổi mới từ tư duy quản lý tới tư duy nghệ thuật. Cần nghiên cứu từng giải pháp cụ thể theo từng nhóm như giải pháp về nguồn nhân lực, quảng bá hình ảnh, hợp tác quốc tế, chế độ, chính sách, cơ sở vật chất, kỹ thuật và xã hội hoá...

Thứ trưởng nhấn mạnh, hiện nay ngay cả những đơn vị nghệ thuật đang có nhà hát, rạp biểu diễn cũng chưa tận dụng và khai thác triệt để cơ sở vật chất đang có. Nếu Ban giám đốc của các đơn vị biết cách khai thác hiệu quả thì đây cũng là một nguồn thu để nuôi các hợp đồng lao động và tăng thu nhập cho cán bộ, nghệ sĩ. Ngay cả người đứng đầu các tổ chức nghệ thuật biểu diễn khi tuyển dụng diễn viên, nhạc công và thực hiện đãi ngộ đối với người lao động trong đơn vị vẫn đang bị chi phối bởi cơ chế bao cấp. Cũng là diễn viên xiếc nhưng có những người khổ công tập luyện đạt thành tích cao như nhào lộn tới 4 vòng trên không thì lương và thu nhập cũng “cào bằng” với những người chỉ nhào lộn được 1, 2 vòng…

Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng lưu ý, Đề án cũng sẽ phải có phương án sắp xếp giải quyết chế độ, chính sách thoả đáng đối với số lượng nghệ sĩ diễn viên lớn tuổi, không còn làm được nghệ thuật nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu… Giải quyết được những khó khăn, bất cập thì nghệ thuật biểu diễn mới có thể phát triển và tạo ra những sản phẩm nghệ thuật chất lượng cao. Thứ trưởng cho rằng có rất nhiều những nhiệm vụ đặt ra mà Đề án phải giải quyết như: Xây dựng, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và tổ chức lại hệ thống các đơn vị nghệ thuật một cách hiệu quả, đúng quy định pháp luật; Rà soát, đánh giá tổng thể hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động của các đơn vị nghệ thuật; Đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản không còn phù hợp, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay; Nghiên cứu xây dựng hệ thống văn bản về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, nghệ sĩ, diễn viên thống nhất giữa các cơ sở đào tạo tạo và các đơn vị nghệ thuật; Đối với các đơn vị nghệ thuật truyền thống phải đảm bảo chức năng bảo tồn, sưu tầm, khai thác, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống như một thế mạnh để cạnh tranh trên thị trường; Đẩy mạnh và nâng cao sử dụng các ứng dụng về khoa học, công nghệ ở các đơn vị nghệ thuật cũng như nâng cao chất lượng quản lý của đội ngũ lãnh đạo, quản lý; Sử dụng ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm quảng bá các tác phẩm, chương trình nghệ thuật của từng đơn vị tới khán giả trong và ngoài nước…

THUÝ HIỀN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top