Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Hỗ trợ nghệ sĩ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh: Không vì một vài cái tên mà phủ nhận cả chính sách

Thứ Năm 02/09/2021 | 13:10 GMT+7

VHO- Những ngày qua, dư luận xôn xao bàn tán về việc một số nghệ sĩ là những gương mặt “ăn khách” trên sóng truyền hình nhưng vẫn có trong danh sách được nhận trợ cấp khó khăn theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ.

Rất nhiều diễn viên hạng IV ở các đơn vị nghệ thuật công lập trên cả nước đang gặp vô vàn khó khăn vì ảnh hưởng dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 kéo dài suốt hai năm đã khiến hàng nghìn diễn viên, nghệ sĩ lâm vào cảnh “thất nghiệp”. Nhận diện được tình trạng này, ngày 1.7.2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó quy định hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người đối với nghệ sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) phải dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 1.5.2021 đến hết ngày 31.12.2021.

Nghệ sĩ gặp khó khăn là thật

NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam chia sẻ, “Chủ trương hỗ trợ cho đối tượng nghệ sĩ thuộc Nghị quyết 68 của Chính phủ thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với nghệ sĩ ở hạng IV là những người có mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, cũng là mức lương thấp nhất trong bảng lương viên chức. Sự hỗ trợ này phần nào giúp cho nghệ sĩ vững tâm hơn với nghề”. NSND Trịnh Thuý Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cũng cho rằng, đề xuất của Bộ VHTTDL là rất phù hợp, kịp thời nên đã được Chính phủ đưa vào Nghị quyết 68. Một miếng khi đói bằng một gói khi no, được hỗ trợ, nghệ sĩ sẽ có thêm thu nhập để vượt qua mùa dịch.

Ông Tạ Quang Lẫm, Giám đốc Nhà hát Chèo Bắc Giang chia sẻ: “Chính phủ hỗ trợ cho các nghệ sĩ ở hạng IV là hoàn toàn hợp lý. Nhà hát Chèo Bắc Giang ở tâm dịch, mọi hoạt động nghệ thuật đều bị ngừng lại, chúng tôi đã nhận được đơn xin thôi việc của một số nghệ sĩ, trong đó có cả những nghệ sĩ gạo cội. Chưa bao giờ chèo Bắc Giang gặp khó khăn như lúc này, chúng tôi hoang mang không biết làm sao có thể giữ được nghệ sĩ của mình. Số tiền hỗ trợ tuy không lớn nhưng cũng là một sự sẻ chia quý báu đối với nghệ sĩ chúng tôi”.

Có ai biết rằng hai nam diễn viên Hồng Đăng, Ngọc Quỳnh được khán giả truyền hình yêu thích hiện được hưởng mức lương thấp nhất ở Nhà hát Kịch Hà Nội 

Quy định không thể chạy theo các trường hợp “cá biệt”…

Mới đây, Sở VHTT Hà Nội công bố danh sách nghệ sĩ được nhận tiền hỗ trợ khó khăn do Covid-19, trong đó có những cái tên “đình đám” trên sóng truyền hình như Hồng Đăng, Thanh Hương, Ngọc Quỳnh, Phùng Tiến Minh…, lập tức dư luận lên tiếng cho rằng đây không phải đối tượng cần sự trợ giúp từ chính sách. Trước vấn đề này, trao đổi với Văn Hoá, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) Lê Minh Tuấn cho biết: “Chính sách hỗ trợ cho nghệ sĩ, diễn viên hạng IV là chính sách chung cho hàng nghìn trường hợp, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với nghệ sĩ nói chung và hướng đến những nghệ sĩ trẻ đang hưởng mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Họ hầu hết đang tham gia biểu diễn ở các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống như tuồng, chèo, xiếc... lao động rất vất vả, nguy hiểm, qua đó kịp thời động viên lực lượng này tiếp tục tham gia gìn giữ, phát huy các giá trị đặc sắc, tiêu biểu của nghệ thuật truyền thống của dân tộc”. Theo ông Tuấn, hơn hai năm qua, hầu như các nghệ sĩ không được tham gia biểu diễn, mọi khoản thu nhập như bồi dưỡng luyện tập, biểu diễn đều không có và chỉ còn nguồn thu nhập duy nhất từ đồng lương ít ỏi, vì vậy, sự hỗ trợ kịp thời lực lượng này là rất cần thiết.

Nam diễn viên Hồng Đăng được khán giả truyền hình chuyên đóng các nhân vật giàu có  mà ngoài đời lại đang hưởng một mức lương thấp nhất ở Nhà hát kịch Hà NộI hạng IV

Diễn viên Ngọc Quỳnh tham gia vai Trương Chi trong vở Trương Chi – Mị Nương của Nhà hát Kịch Hà Nội

Đối với một số trường hợp nghệ sĩ thuộc Sở VHTT Hà Nội quản lý, được cho là có điều kiện, thậm chí dư dả lại có trong danh sách nhận hỗ trợ, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nhận định: “Những cái tên này là rất nhỏ trong số hàng nghìn diễn viên hạng IV trên cả nước đang gặp khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong thủ tục hướng dẫn đã nêu rõ: Các đơn vị sử dụng lao động cần xác định và phê duyệt danh sách đối tượng được hưởng chế độ hỗ trợ theo quy định. Còn về ý kiến cho rằng: Các địa phương, nhà hát có thể tự rà soát rồi gửi danh sách lên cho sát thực tế, thì điều này hoàn toàn đúng theo Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ (quy định rõ trách nhiệm của đơn vị nghệ thuật phải rà soát đối tượng, tiêu chuẩn đáp ứng đủ điều kiện rồi gửi hồ sơ đến cơ quan quản lý tiếp tục rà soát và thực hiện chi trả). Cá nhân nghệ sĩ có cuộc sống ra sao và cần hỗ trợ hay không thì người đứng đầu các đơn vị nghệ thuật hiểu rõ nhất; họ sẽ phải có kiến nghị đề xuất cho sát với thực tế và trước khi ra danh sách thông báo cần trao đổi với người được hưởng chế độ”.

Nhiều lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật cho rằng, văn bản của Nhà nước đưa ra những quy định “cứng” về đối tượng được hỗ trợ là phù hợp. Số nghệ sĩ có thu nhập cao hoặc gia đình khá giả chỉ là số ít so với hàng nghìn nghệ sĩ hạng IV cần được hỗ trợ. NSND Triệu Trung Kiên nói, “không nên lấy việc một số nghệ sĩ của Hà Nội có thu nhập cao vẫn nằm vào danh sách hỗ trợ để mổ xẻ phân tích, điều đó sẽ tạo hiệu ứng không tốt. Chính sách hỗ trợ là căn cứ trên mặt bằng chung còn việc nắm bắt cụ thể đối với từng hoàn cảnh thì phải do phía đơn vị nghệ thuật đưa lên. Tôi tin rằng với những người chưa thật sự khó khăn, họ cũng sẽ không nhận hỗ trợ hoặc sẽ nhường lại cho những trường hợp khó khăn hơn hay tìm cách ủng hộ qua các quỹ phòng, chống dịch”.

Sự việc này đã cho thấy một số đơn vị nghệ thuật công lập chưa thực sự nắm bắt tâm tư của từng nghệ sĩ mà xét duyệt hồ sơ một cách máy móc, thiếu uyển chuyển nên mới dẫn tới việc bản thân người nhận hỗ trợ như các nghệ sĩ Hồng Đăng, Thanh Hương, Ngọc Quỳnh… cũng bất ngờ và “khó nghĩ”. Diễn viên Ngọc Quỳnh (Nhà hát Kịch Hà Nội) cho biết: “Mức lương của tôi ở bậc IV, thấp nhất cơ quan. Khi nhận được hỗ trợ, tôi rất vui vì nhận được sự quan tâm của Chính phủ, tuy nhiên, tôi cũng thấy mình chưa thật sự quá khó khăn nên muốn nhường lại cho người khác. Tuy số tiền không lớn, nhưng trong lúc dịch giã thế này thì một đồng cũng quý”. Các nghệ sĩ Hồng Đăng, Thanh Hương… cũng đều có chung suy nghĩ này khi trả lời trên công luận.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt Những mùa thu lịch sử được dàn dựng nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19.8.1945 – 19.8.2021) và Ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2.9.1945 – 2.9.2021) nằm trong Kế hoạch Tổ chức các chương trình nghệ thuật đặc sắc cổ vũ, nâng cao sức mạnh tinh thần nhân dân vượt qua đại dịch Covid-19 của Bộ VHTTDL

Thực tế cho thấy, suốt thời gian qua, nghệ thuật biểu diễn là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nghệ sĩ không thể lên sân khấu đồng nghĩa là không có thu nhập, họ phải bươn trải mưu sinh bằng đủ thứ nghề như bán đồ ăn, bán hàng online, shipper, xe ôm công nghệ, thậm chí về quê làm ruộng... Mặc dù không thể hoạt động, nhưng khi cả đất nước đang “gồng mình” chống dịch, giới nghệ sĩ đã không đứng ngoài cuộc, họ là những hạt nhân tiêu biểu góp phần lan toả những thông điệp tốt đẹp, nhân văn và mang lại hiệu ứng tích cực cho cộng đồng để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi “giặc Covid-19”. Chúng ta cũng cần đặt câu hỏi, trong số hơn 2.000 nghệ sĩ được hưởng chế độ theo Nghị quyết 68, có mấy ai có điều kiện được như Hồng Đăng, Thanh Hương, Ngọc Quỳnh… Chắc chắn con số này không nhiều, thậm chí rất ít. Nếu chỉ nhìn vào một số nghệ sĩ này mà suy ra chủ trương hỗ trợ của Chính phủ là không sát, chưa đúng thì e rằng là cực đoan. Hãy nhìn sang các loại hình nghệ thuật như chèo, tuồng, cải lương hay nghệ sĩ ở các đoàn nghệ thuật địa phương, chắc chắn họ sẽ vô cùng trân trọng về ý nghĩa của Nghị quyết 68 của Chính phủ. Đừng vì một, hai cá nhân mà vội gạt đi hàng nghìn diễn viên hạng IV đang lao đao vì dịch.

Dư luận có quyền lên tiếng, nhưng phủ nhận hoàn toàn chủ trương đúng đắn, sự ghi nhận của Nhà nước đối với nghệ sĩ, diễn viên thông qua chính sách là không thể chấp nhận!

 Trong thủ tục hướng dẫn đã nêu rõ: Các đơn vị sử dụng lao động cần xác định và phê duyệt danh sách đối tượng được hưởng chế độ hỗ trợ theo quy định. Còn về ý kiến cho rằng: Các địa phương, nhà hát có thể tự rà soát rồi gửi danh sách lên cho sát thực tế, thì điều này hoàn toàn đúng theo Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ (quy định rõ trách nhiệm của đơn vị nghệ thuật phải rà soát đối tượng, tiêu chuẩn đáp ứng đủ điều kiện rồi gửi hồ sơ đến cơ quan quản lý tiếp tục rà soát và thực hiện chi trả). Cá nhân nghệ sĩ có cuộc sống ra sao và cần hỗ trợ hay không thì người đứng đầu các đơn vị nghệ thuật hiểu rõ nhất; họ sẽ phải có kiến nghị đề xuất cho sát với thực tế và trước khi ra danh sách thông báo cần trao đổi với người được hưởng chế độ.

(Thứ trưởng TẠ QUANG ĐÔNG)

 

THUÝ HIỀN, Ảnh : LÊ THUỶ

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top