Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Xu hướng nào sau đại dịch

Thứ Hai 06/09/2021 | 10:09 GMT+7

VHO- Nhận định về những khuynh hướng đương đại trong du lịch và những xu hướng mới sau dịch Covid-19, nhiều chuyên gia du lịch, travel blogger và CEO du lịch cho rằng du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch bền vững, du lịch một mình… sẽ lên ngôi.

 Du lịch sinh thái là cách tốt nhất để trở về với những bình yên Ảnh: HỒNG LONG

Những loại hình du lịch này sẽ thu hút du khách vì luôn hướng đến sự bền vững trong tương lai, hoà mình với thiên nhiên, tạo ra sự gắn kết giữa người dân và du khách.
Du lịch một mình và giữ gìn bản sắc
Trưởng Bộ môn Quản trị Du lịch & Khách sạn, Đại học FPT TP.HCM Hồ Trung Chánh cho rằng khuynh hướng khách du lịch một mình sẽ vẫn phổ biến trên thế giới sau đại dịch. Xu hướng này thu hút những khách đi tự do 1 mình, đi tour ghép 1 mình…, thích khám phá, thích phiêu lưu, có đời sống nội tâm phong phú và thích sự trải nghiệm trong cô độc. Nếu đi du lịch cùng gia đình, bạn bè thì có thể đứng trên Vạn lý trường thành của Trung Quốc, dưới chân tháp Effel của Paris (Pháp), đứng bên cạnh Nữ hoàng tự do ở Mỹ hay một nơi vô cùng nổi tiếng nào đó, bạn vẫn nói về những chuyện con cái, gia đình… Còn người đi du lịch một mình, lại có nhiều thời gian để tiếp cận với bên ngoài, tìm kiếm tương tác xã hội, kinh nghiệm và bài học cho bản thân, kiểm soát việc sử dụng tiền bạc, thời gian và nhất là sự tự do, tính độc lập. 
Travel blogger Nguyễn Thuỳ Trang, người đã bỏ ra 600 ngày đi vòng quanh Đông Nam Á cho biết các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hoá, du lịch nông nghiệp, homestay… sẽ thu hút du khách trong thời gian tới vì luôn hướng đến sự bền vững trong tương lai, hoà mình với thiên nhiên, tạo ra sự gắn kết giữa người dân và du khách qua những trải nghiệm của khách tại các bản làng. Khách du lịch sẽ được ở cùng người dân bản địa, cùng tìm hiểu bản sắc văn hoá, xã hội của cộng đồng dân cư địa phương, trải nghiệm cuộc sống, lao động ở địa phương, quan tâm đến môi trường.… Không những thế, du lịch cộng đồng cũng sẽ giúp quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, blogger này cho rằng: “Vẫn còn những hạn chế cần khắc phục để thúc đẩy du lịch cộng đồng, mang lại nguồn thu cho người dân, cải thiện kinh tế địa phương, tạo mối quan hệ đặc biệt giữa địa phương và du khách, kéo khách quốc tế đến Việt Nam sau khi du lịch quốc tế được phép mở cửa trở lại”. 
Thiên Nguyễn, một Travel blogger rất nổi tiếng trên Instagram, Blog, Tiktok… thì lại quan tâm đến phát triển du lịch bền vững và việc cân bằng giữa thiên nhiên và con người. Nhất là lúc này, khi thế giới đang vật lộn và con người đang vô cùng mong manh trước dịch bệnh, việc giữ gìn môi trường lại càng cần thiết. Thiên Nguyễn trăn trở về những phận người nhỏ bé ở Sa Pa (Lào Cai), về cảnh những em bé, những cụ già ngủ đêm trên đường phố chỉ để mong bán được hàng cho khách du lịch. Hoặc những thay đổi đến xót xa ở Sa Pa khi cảnh quan khác xa trước đây, lúc còn là thị trấn, Sa Pa đẹp mơ màng trong sương trắng. Blogger này cho rằng, những “lời khen” kiểu: “Có một châu Âu thu nhỏ giữa lòng Sa Pa” hay “Tiểu Paris giữa lòng Đà Lạt”… vô tình đã làm mất đi bản sắc văn hoá, nét đặc trưng của những vùng đất nổi tiếng của Việt Nam. Trong khi, rất nhiều người nghe câu: “Sa Pa- nơi gặp gỡ đất trời” hay “Đà Lạt- thành phố tình yêu” vẫn tràn đầy nhớ nhung và cảm xúc. “Một thời gian dài chúng ta quá chạy theo vấn đề kinh tế mà quên mất việc phải gìn giữ cảnh quan, bản sắc và nếu không ngay từ bây giờ, giữa khoảng lặng dịch bệnh này nhìn lại, kịp thời thay đổi thì có lẽ về lâu dài, nhiều nơi sẽ không còn trải nghiệm và khai thác du lịch được nữa”, Thiên Nguyễn nêu quan điểm. 
Trở về với sự bình yên và tĩnh lặng
Nói về việc phát triển du lịch sinh thái như một xu hướng trong và sau đại dịch Covid-19, ông Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội cho rằng, dù để lại những hậu quả vô cùng khủng khiếp trên toàn thế giới, nhưng dịch Covid-19 cũng cho chúng ta nhiều bài học. Với ngành Du lịch là tránh bị phụ thuộc vào bất kỳ một thị trường khách nào vì người khổng lồ nào cũng bước đi bằng 2 chân; phải có quỹ dự phòng khủng hoảng; chủ động linh hoạt để thích ứng; biến khó khăn thành cơ hội; liên kết, hợp tác, phối hợp để phát triển, tập trung vào con người. Sự hỗ trợ của Chính phủ là nền tảng để quản trị khủng hoảng và phục hồi nhưng doanh nghiệp cũng cần chủ động xây dựng lòng tin với các bên liên quan. 
Trong rất nhiều loại hình du lịch và nhiều thế mạnh của du lịch nước ta, du lịch sinh thái chắc chắn sẽ là một xu hướng trong và sau đại dịch được lựa chọn nhiều. Vì sao? Vì loại hình du lịch này ẩn chứa nhiều yếu tố độc và lạ; đáp ứng xu hướng nhỏ là đẹp, nhu cầu về sức khoẻ, khách trả nhiều tiền nhưng ít bận tâm; đáp ứng xu hướng phát triển từ nâu sang xanh; xu hướng dịch chuyển cũng thay đổi từ đông sang ít và biệt lập, từ nhanh sang chậm và xu hướng trải nghiệm từ nông sang sâu…
Việt Nam được xếp hạng là quốc gia giàu đa dạng sinh học thứ 16 trên thế giới, có hàng trăm khu vực đa dạng sinh học trọng điểm; có hệ sinh thái đa dạng sinh học quan trọng nhất thế giới cả về hệ sinh thái biển và trên cạn, đặc biệt là sinh thái rừng và rừng ngập mặn. Việt Nam còn là quốc gia giàu nhất về đa dạng sinh học nông nghiệp. Những sản phẩm du lịch sinh thái đang được các doanh nghiệp, địa phương khai thác nhiều nhất hiện nay là du lịch mạo hiểm, sức khoẻ, thiền, xe đạp, giáo dục trải nghiệm, tâm linh, chụp ảnh, cộng đồng, sinh thái nhân văn… 
“Trong cuộc sống của người dân và trong hành trình du lịch của du khách luôn để lại dấu ấn văn hoá. Thực tế đã tạo môi trường mới, là sự trở về với những gì bình yên và tĩnh lặng nhất; hoà hợp với thiên nhiên và con người, cùng với nền văn hoá của họ. Đó chính là môi trường sinh thái văn hoá ở mỗi vùng miền khác nhau và cũng là sức hút đối với du khách sau đại dịch”, ông Phạm Hồng Long nói. 

 THUÝ HÀ

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top