Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Thận trọng thích nghi

Thứ Tư 08/09/2021 | 09:16 GMT+7

VHO- Sự xuất hiện của các biến thể virus SARS-CoV-2 với khả năng lây nhiễm nhanh hơn đã khiến cuộc chiến chống Covid-19 của thế giới thêm nhiều thách thức. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước không thể quay trở lại cuộc sống bình thường nếu không có tỷ lệ tiêm vắcxin cao và cũng không thể “phớt lờ” các biện pháp y tế công cộng khi “sống chung” với Covid-19.

 

 Vắcxin và các biện pháp y tế công cộng giúp các nước “sống chung” với Covid-19 Ảnh: AFP

Con đường trở lại cuộc sống bình thường của các hình mẫu tiêm chủng như Israel, Anh đã và đang được cả thế giới quan tâm, theo dõi. Trước thực trạng số ca mắc Covid-19 mới vẫn ở ngưỡng cao tại các nước này, nhiều chuyên gia đã điều chỉnh mục tiêu tiếp cận với đại dịch theo hướng coi Covid-19 là một bệnh đặc hữu. Điều đó đồng nghĩa với việc không thể loại bỏ hoàn toàn virus, mà vẫn ghi nhận những ca nhiễm Covid-19 mới, nhưng số ca bệnh nặng phải nhập viện và tử vong được giảm thiểu đáng kể. Giáo sư Paul Tambyah, Chủ tịch Hiệp hội Vi trùng học và Bệnh truyền nhiễm khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Singapore nhận định: “Chúng ta có thể phải chấp nhận để số ca nhiễm gia tăng, miễn là số ca bệnh nặng và tử vong không tăng theo”.

Thực tế, tại Israel, nơi từng vắng bóng Covid-19 nhờ chiến dịch tiêm chủng hiệu quả, các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ, việc đi lại quốc tế được nối lại. Thế nhưng, từ tháng 8 vừa qua, nước này đã ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới mỗi ngày. Đáng chú ý, Israel đã không áp dụng lệnh phong tỏa như đợt dịch trước, thay vào đó là giải pháp nâng cao miễn dịch cho người dân. Bên cạnh việc thúc đẩy tiêm chủng cho nhóm dân số chưa được tiêm vắcxin, nước này cũng đã triển khai tiêm mũi vắcxin tăng cường cho những người suy giảm miễn dịch. Ngoài ra, việc xét nghiệm diện rộng, cùng với việc tăng cường kít xét nghiệm tại nhà đã được triển khai tích cực để chủ động kiểm soát diễn biến dịch bệnh.

Trong khi đó, “Ngày Tự do” 19.7 của Anh đã được Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố, khi chấm dứt gần như tất cả biện pháp hạn chế nhằm ngăn ngừa Covid-19 và chuyển trách nhiệm trong việc phòng tránh sự lây nhiễm từ chính phủ sang từng cá nhân. Và sau đó, số ca mắc ở Anh đã lên tới hàng chục nghìn người mỗi ngày, cùng hàng trăm ca tử vong mỗi tuần, nhưng số ca nhập viện ở khoảng 20% so với thời kỳ đỉnh dịch hồi tháng 1. Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid đã cho hay, số ca mắc Covid-19 có thể tăng lên hơn 100.000 ca/ngày, thậm chí vượt qua số ca mắc trong tháng 12.2020. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn là số ca nhập viện và số ca tử vong. Điều đó cho thấy, việc hạn chế số ca mắc không phải là mục tiêu của Anh. Nước này đang tiếp cận với đại dịch theo hướng coi Covid-19 là một bệnh đặc hữu, nghĩa là sẽ có nhiều ca mắc nhưng những ca bệnh nặng trở nên ít hơn.

Rõ ràng, “vắcxin tạo ra sự khác biệt rất lớn, nhưng nếu bạn muốn ngăn chặn căn bệnh này thì bạn cần thêm các biện pháp y tế công cộng khác như bắt buộc đeo khẩu trang trong nhà, thông gió trong trường học và nơi làm việc, một hệ thống kiểm tra, theo dõi và cô lập kết hợp với hỗ trợ cách ly”, ông Kit Yates, đồng giám đốc Trung tâm Sinh học Toán học tại Đại học Bath (Anh) chỉ ra. Bài học này đang được Singapore, một trong những quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới thận trọng vận dụng. Nước này vẫn duy trì các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt, tăng cường xét nghiệm và theo dõi tiếp xúc để kiểm soát được số ca mắc. Singapore cũng đặt ra những quy định khác nhau với những người đã tiêm vắcxin và chưa tiêm vắcxin. Đảo quốc sư tử còn áp dụng hệ thống cách ly theo từng cấp bậc với việc đi lại quốc tế, trong đó việc tự do đi lại hiện chỉ được áp dụng khi đi và đến Đức, Brunei.

Theo giới chuyên gia, nếu chưa đạt tỷ lệ tiêm vắcxin cao thì con đường trở lại cuộc sống bình thường của các quốc gia sẽ rất gập ghềnh và có thể phải tái áp đặt các biện pháp cứng rắn khi cần thiết. Thêm nữa, mặc dù tiêm vắcxin ngừa Covid-19 là yếu tố then chốt, nhưng chỉ như vậy thì vẫn chưa đủ để ngăn ngừa sự lây lan của các biến thể mới. Sự cộng hưởng của vắcxin cùng các biện pháp y tế phòng ngừa tích cực đang được xem là một “công thức” hợp lý để các quốc gia giảm thiểu rủi ro và thích ứng với đại dịch. 

 HẢI MINH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top