Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Hội thảo trực tuyến Góp ý Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi): Phát huy “sức mạnh mềm” văn hóa qua điện ảnh

Thứ Tư 08/09/2021 | 09:33 GMT+7

VHO- Hội thảo trực tuyến Góp ý Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã được Viện Nghiên cứu lập pháp và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức hôm qua 7.9 tại Nhà Quốc hội. Hội thảo nhằm trao đổi, thảo luận và thu thập ý kiến của các nhà quản lý, nhà khoa học về những vấn đề còn nhiều ý kiến trong Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

 

 

 Hội thảo trực tuyến góp ý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi)

PGS.TS Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; TS Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp chủ trì hội thảo. PGS.TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VHTTDL tham dự Hội thảo.

Thúc đẩy phát triển công nghiệp điện ảnh

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết, dự Luật Điện ảnh sửa đổi sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Ông Nguyễn Văn Hiển bày tỏ mong muốn thông qua hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ đề xuất những giải pháp cho các định hướng chính sách lớn như đổi mới công tác quản lý nhà nước về điện ảnh; cơ chế xã hội hóa, huy động sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động điện ảnh; hợp tác quốc tế; quảng cáo; bảo hộ quyền tác giả; phát hành, phổ biến, lưu trữ phim…

Bên cạnh đó, hội thảo cũng mong muốn các chuyên gia góp ý sâu vào các nội dung chính của dự luật, đặc biệt là hai chính sách lớn vẫn tiếp tục được xin ý kiến là sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước và quản lý phát hành phim trên mạng. “Các ý kiến sẽ giúp Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra và cơ quan nghiên cứu có chất liệu khoa học tốt nhất để phục vụ cho quá trình thực hiện góp ý, thẩm tra dự án Luật…”, ông Hiển nhấn mạnh. PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc sửa đổi Luật Điện ảnh là mong muốn của đội ngũ nhà làm phim. Bên cạnh những cơ hội, hoạt động điện ảnh đang đối diện với nhiều thách thức từ tác động thể chế, trong đó có những vấn đề như hệ thống chính sách không theo kịp thực tế; các nhà làm phim chưa chủ động trong thực thi chính sách; chất lượng đội ngũ nhân lực làm phim còn hạn chế; Quỹ Điện ảnh chưa hoạt động…

Bày tỏ quan tâm đặc biệt đối với vấn đề thúc đẩy phát triển công nghiệp điện ảnh, TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam nêu, Luật Điện ảnh hiện hành được xây dựng chủ yếu trên cơ sở quan niệm điện ảnh là ngành nghệ thuật. Trong khi đó điện ảnh từ lâu đã vừa là ngành nghệ thuật tổng hợp, vừa là ngành công nghiệp. “Trong giai đoạn hiện nay và một vài thập kỷ tới, phát triển điện ảnh Việt Nam chính là phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam. Khi xác định như vậy sẽ tránh những chồng chéo, trùng lặp về chính sách cho phát triển điện ảnh Việt Nam và phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam…”, bà Lan nêu. Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển thị trường điện ảnh, nền tảng của công nghiệp điện ảnh. Theo đó, cần có chính sách để xây dựng thị trường điện ảnh Việt Nam phát triển theo hướng cạnh tranh lành mạnh, hạn chế tối đa tiến tới xóa bỏ việc chèn ép, lấn át đối với các doanh nghiệp nhỏ cũng như sự thống lĩnh thị trường của doanh nghiệp lớn.

Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) Nguyễn Phương Hòa cho rằng, trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, trước sự phát triển vũ bão của khoa học công nghệ, đòi hỏi phải sửa đổi Luật Điện ảnh nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho ngành điện ảnh có những phát triển mới trong kỷ nguyên số, phát huy giá trị kinh tế của ngành công nghiệp văn hóa được kỳ vọng trở thành ngành kinh tế sáng tạo mũi nhọn, góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia và sức mạnh mềm của Việt Nam ra thế giới. Theo bà Hòa, có thể thấy một số hạn chế của điện ảnh Việt Nam khi vươn mình ra thế giới, trong đó có quá ít phim Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của các LHP, giải thưởng phim uy tín trên thế giới, chưa có những tác phẩm nổi bật, thiếu vắng nhân tài có sức hút với điện ảnh thế giới. Bên cạnh đó, năng lực quảng bá phim ra nước ngoài của các nhà sản xuất phim tại Việt Nam còn hạn chế. “Việc sửa đổi Luật Điện ảnh cần góp phần tháo gỡ và giải quyết một số thách thức đối với điện ảnh Việt Nam, trong đó có sự cạnh tranh với các nền điện ảnh trong khu vực…”, bà Hòa chia sẻ.

TS Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp chủ trì hội thảo

Phương án nào cho phim Nhà nước, phổ biến phim trên không gian mạng?

Nhiều ý kiến tại hội thảo tiếp tục đề cập đến hai nội dung chính sách trong dự Luật Điện ảnh sửa đổi là sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước và phổ biến phim trên không gian mạng.

GS.TS Trần Thanh Hiệp, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội nhận định: “Với việc phổ biến phim trên không gian mạng, phương án tự phân loại phim là phù hợp xu thế phát triển cũng như xu thế chung của thế giới. Vấn đề chính là công tác thanh tra, hậu kiểm phải được đổi mới, chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng. Quản lý phổ biến phim trên không gian mạng thời công nghệ không thể đứng ngoài công nghệ. Công nghệ không thay thế được con người nhưng trí tuệ nhân tạo, những thành tựu của công nghệ có thể trợ giúp đắc lực trong việc phát hiện những cảnh khỏa thân, khiêu dâm, bạo lực, bản đồ không đúng chủ quyền lãnh thổ và những nội dung bị cấm trong Luật Điện ảnh…”, GS.TS Trần Thanh Hiệp nêu rõ. Ông Hiệp cũng nhấn mạnh: “Luôn có sự bình đẳng mang tính nguyên tắc trước pháp luật của các phương thức phổ biến phim. Tất cả các phương thức phổ biến phim đều được tạo điều kiện, quản lý và điều chỉnh bằng pháp luật. Phim theo hình thức phổ biến nào nếu vi phạm pháp luật Việt Nam cũng đều bị ngăn chặn, gỡ bỏ. Như vậy, tiền kiểm hay hậu kiểm, tự phân loại hay xin cấp giấy phép phân loại, đều được điều chỉnh bởi Luật Điện ảnh…”.

TS Ngô Phương Lan cũng cho rằng, nếu thực hiện tiền kiểm với phổ biến phim trên không gian mạng sẽ không khả thi, vì số lượng này có thể gấp hàng trăm, hàng ngàn lần phim chiếu rạp, khó có hội đồng nào duyệt và cấp phép cho xuể. Xu hướng thế giới là phim trên Internet do các nhà cung cấp dịch vụ OTT tự phân loại và dán nhãn. “Nếu theo phương án hậu kiểm, cần phải có quy định thật rõ ràng, minh bạch, không thể suy diễn hay cố ý “hiểu nhầm” về các nội dung bị cấm trong phim, cũng như tiêu chí phân loại đối với từng độ tuổi”, TS Lan bày tỏ. Đối với phim sử dụng ngân sách nhà nước, dự Luật quy định 2 phương án để tiếp tục xin ý kiến: Giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng; giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng hoặc đấu thầu. Từ kinh nghiệm thực tiễn, TS Lan cho rằng, trên thực tế, cả chục năm qua chưa thể áp dụng việc đấu thầu: “Bởi toàn bộ kịch bản do các hãng phim trình duyệt. Khi kịch bản được duyệt, nếu hãng trình không trúng thầu sản xuất phim thì nhiều khả năng họ sẽ rút kịch bản, và dự án phim không thể thực hiện. Vậy, nên xem xét kỹ, không thể áp dụng máy móc việc đấu thầu trong sản xuất phim đặt hàng. Việc đấu thầu sản xuất phim chỉ có thể thực hiện nếu Nhà nước có kinh phí để đầu tư một “kho” kịch bản, khi định sản xuất phim sẽ “tung” kịch bản để các hãng cùng xây dựng dự án sản xuất, sau đó “đấu thầu” các dự án theo cùng một kịch bản…”.

Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng chia sẻ sự quan tâm về các vấn đề như thành lập và vận hành Quỹ Điện ảnh; bảo hộ bản quyền điện ảnh trong môi trường số…

Thứ trưởng Tạ Quang Đông

Tạo điều kiện cởi mở cho phát triển điện ảnh, hội nhập thế giới

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Tạ Quang Đông bày tỏ, những ý kiến, thảo luận tại hội thảo tiếp tục cung cấp dữ liệu, thông tin để Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện dự Luật Điện ảnh (sửa đổi), đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Luật Điện ảnh là bộ luật có tầm ảnh hưởng lớn đến đời sống, là nhân tố quan trọng trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Bởi vậy, Ban soạn thảo luôn mong muốn việc sửa đổi, bổ sung những quy định trong Luật sẽ tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của điện ảnh, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia hoạt động điện ảnh, thúc đẩy hội nhập quốc tế mạnh mẽ. Thứ trưởng cũng chia sẻ, nhiều nội dung trong quá trình soạn thảo Luật đã được cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá tác động của chính sách; cân đối hài hòa giữa các yếu tố liên quan… để có “đáp án” phù hợp. “Ban soạn thảo đã khảo sát thực tiễn, áp dụng các mô hình từ nhiều quốc gia vào điều kiện thực tế Việt Nam. Tinh thần là hướng đến một dự Luật chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn cũng như tạo điều kiện cởi mở, thuận lợi để thúc đẩy điện ảnh Việt Nam phát triển, hội nhập quốc tế mạnh mẽ…”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc, lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp của Ban soạn thảo. Sau hội thảo, các ý kiến sẽ tiếp tục được Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu phù hợp. Theo Chủ nhiệm Ủy ban này, nhiều vấn đề đã và tiếp tục được đặt ra, đòi hỏi phải nghiên cứu, đánh giá tác động để có cơ sở sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật. Những đánh giá thực tế qua 15 năm triển khai Luật Điện ảnh sẽ giúp Ban soạn thảo trả lời được những câu hỏi quan trọng, từ đó có cơ sở đề xuất những chính sách mới, với mong muốn xây dựng được một dự Luật chất lượng.

Ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, những nội dung còn có nhiều ý kiến như Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh; sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước; phổ biến phim trên không gian mạng… sẽ tiếp tục được các cơ quan nghiên cứu và tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp trước khi báo cáo trình Quốc hội. 

 Ban soạn thảo đã khảo sát thực tiễn, áp dụng các mô hình từ nhiều quốc gia vào điều kiện thực tế Việt Nam. Tinh thần là hướng đến một dự Luật chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn cũng như tạo điều kiện cởi mở, thuận lợi để thúc đẩy điện ảnh Việt Nam phát triển, hội nhập quốc tế mạnh mẽ…

(Thứ trưởng Tạ Quang Đông)

 

PHƯƠNG ANH; ảnh: THANH CHI

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top