Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Văn chương Việt Nam hội nhập quốc tế: Cần có chiến lược dài hơi và tương xứng

Thứ Tư 08/09/2021 | 09:41 GMT+7

VHO- Nhiều năm trở lại đây, Văn học Việt Nam đã có những tác phẩm bước ra ngoài biên giới lãnh thổ và đoạt được giải thưởng quốc tế. Nhưng nếu so sánh với lĩnh vực kinh tế hay thể thao thì sự “xuất ngoại” của văn hóa nói chung và văn chương Việt Nam nói riêng còn khá khiêm tốn.

 Độc giả trong và ngoài nước tham quan triển lãm “Giao lưu văn học Việt Nam với thế giới” tại Thư viện Hà Nội Ảnh: NHẬT ANH

 Nhà văn Ukraine V.Korolenko từng phát biểu: “Có thể đánh giá tình trạng một xã hội thông qua văn học…”, nói như vậy để thấy, trong bối cảnh nhu cầu đối thoại với toàn cầu ngày càng cao thì việc giới thiệu và quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài là một kênh giao tiếp hữu hiệu.

Những gam màu sáng

Thời gian qua, Hội Nhà văn Việt Nam đã có nhiều hoạt động tích cực cả ở chiều sâu lẫn bề rộng, với việc tổ chức được 4 Hội nghị Quảng bá văn học Việt Nam và 3 Liên hoan Thơ quốc tế. Mỗi khi những sự kiện này được diễn ra đều ngay lập tức thu hút sự chú ý của giới văn chương nói riêng và công chúng yêu văn học nói chung. Sự tham gia của đông đảo đại biểu đến từ nhiều nước cũng có thể xem là tín hiệu đáng mừng, cho thấy việc hội nhập, quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới đã nhận được sự hồi đáp tích cực của cộng đồng văn chương quốc tế. Thông qua những hoạt động này, hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam đã được bạn đọc và bạn viết thế giới biết đến nhiều hơn. Đồng thời, Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam và Liên hoan Thơ quốc tế cũng là một phương diện để cho thấy rõ con đường hội nhập của văn chương Việt Nam vào nền văn chương thế giới.

Qua các hội nghị, các liên hoan thơ ca, qua sự hợp tác quốc tế trên lĩnh vực văn học, chúng ta đã có không ít tác phẩm bước ra ngoài biên giới và đoạt được giải thưởng như: Năm 2017 thơ Mai Văn Phấn giành giải thưởng văn học Cikada của Thụy Điển; năm 2018 nhà văn Bảo Ninh nhận Giải thưởng Văn học châu Á ở Hàn Quốc với tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh; nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được trao giải thưởng văn học Changwon KC International Literary, Hàn Quốc; năm 2018 nhà văn Nguyễn Ngọc Tư được trao giải thưởng ở Frankfurt (Đức) - giải do Hiệp hội quảng bá văn học châu Á, châu Phi và Mĩ Latin bình chọn cho tác phẩm Cánh đồng bất tận (được dịch sang tiếng Đức)…

Không chỉ có giải thưởng quốc tế, những năm qua văn học Việt Nam cũng được dịch ra tiếng nước ngoài ngày một nhiều hơn. Có thể kể đến tiểu thuyết Trí nhớ suy tàn của nhà văn Nguyễn Bình Phương (NXB Riveneuve của Pháp công bố năm 2019); chùm tác phẩm Mắt biếc; Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh; Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh; các thi tập, thi phẩm của các nhà thơ Mai Văn Phấn, Trần Anh Thái, Trương Đăng Dung; rồi đến những tuyển tập thơ, văn 10 thế kỷ văn học Việt Nam, tuyển tập thơ Việt Nam Sông núi trên vai và tuyển tập truyện ngắn Việt Nam hiện đại Một loài chim trên sóng... hay gần đây nhất là tiểu thuyết Cơ hội của Chúa của Nguyễn Việt Hà cũng lần lượt được dịch và “xuất ngoại”.

Những sắc diện chìm

Đã từng có ý kiến cho rằng, việc người viết đầu tư dịch một tác phẩm sang tiếng Anh và xuất bản ở Việt Nam, phần nhiều là để làm tấm giấy thông hành và giao lưu với bạn văn quốc tế. Bởi trong nền văn học thế giới, văn học Việt Nam vẫn chưa tìm được “chỗ đứng” riêng! Tại các hội chợ sách trong khu vực, một số NXB Việt cũng đã đưa tác phẩm văn học trong nước tới và bán được bản quyền cho đối tác nước ngoài, thế nhưng cũng vẫn là con số khá khiêm tốn... Điều này khiến công chúng yêu văn chương không ít chạnh lòng khi những tác phẩm gây được tiếng vang trong nước nhưng chưa có điều kiện “bơi ra biển lớn”.

Nhà thơ, dịch giả Trương Đăng Dung, người đã có được thành công đáng kể trong việc dịch văn học Việt Nam (Truyện Kiều) ra tiếng nước ngoài và dịch tác phẩm văn học nước ngoài sang tiếng Việt từng chia sẻ: “Quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới là một việc lớn, đòi hỏi phải đầu tư công sức, trí tuệ và tiền bạc, nhưng trước hết phải cần đến năng lực, sự nhiệt tình vô tư của người thực hiện. Nghĩa là phải có những con người hội đủ điều kiện để làm việc đó. Từ khâu chọn tác phẩm và người dịch đến việc xuất bản như thế này đều phải được tổ chức cụ thể, bài bản. Mọi sự ầm ĩ chung chung, đánh trống bỏ dùi đều không dẫn đến kết quả gì cả”.

Ở góc độ Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng đưa ra nhận định: “Hội nghị Quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài dù có những tiến bộ và thành tựu nhất định nhưng mới chỉ giới thiệu một cách đại cương nhất, cơ bản nhất về văn học Việt Nam. Sẽ cần phải có một chiến lược 5 năm, 10 năm hoặc dài lâu hơn nữa, Hội Nhà văn sẽ báo cáo và nhờ sự trợ giúp từ Chính phủ. Bởi vì ở các quốc gia gần với chúng ta như: Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản... họ có những trung tâm dịch thuật, quỹ dịch thuật văn bản ra tiếng nước ngoài hết sức bài bản, hệ thống. Chúng tôi cũng học hỏi rất nhiều kinh nghiệm từ họ, từ việc chọn lựa con người, cách thức tổ chức hay lựa chọn cuốn sách cần dịch thuật”.

Còn một vấn đề đáng bàn nữa, đó là những người có thể trực tiếp giới thiệu Văn học Việt Nam với công chúng thế giới là những dịch giả và các nhà xuất bản nước ngoài. Thế nhưng muốn tìm được trong số họ những người coi văn học Việt là một mảnh đất tiềm năng, màu mỡ để họ chủ động sang đặt vấn đề, trao đổi bản quyền thì chưa có! Hiện nay các tác phẩm của nhà văn Việt Nam dịch ra thế giới phần lớn là dựa vào uy tín cá nhân, do các dịch giả, các nhà văn trên thế giới cảm mến với Việt Nam thực hiện. Trong quá trình tổ chức các hội nghị văn chương có yếu tố quốc tế, chúng ta mới chỉ mời được một số nhà văn, dịch giả quen thuộc chứ chưa mời được các nhà xuất bản uy tín trên thế giới tham gia.

“Có thể đánh giá tình trạng một xã hội thông qua văn học…”, do đó, việc quảng bá văn học Việt Nam ra với thế giới cần một sự đầu tư dài hơi và tương xứng, nếu không, với sự phát triển của nó thì chắc rằng đó sẽ là một điều thiếu sót vô cùng lớn! 

 VŨ MỪNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top