Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh​​​​​​​: Mong hơn “mong mẹ về chợ”

Thứ Sáu 10/09/2021 | 10:12 GMT+7

VHO- Ở nhiều nước trên thế giới, Quỹ Điện ảnh từ lâu đã được thành lập với nhiệm vụ cải thiện và thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp điện ảnh. Tại Việt Nam, câu chuyện thành lập Quỹ đã nhiều lần được nhắc đến, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa thực hiện được.

 “Đập cánh giữa không trung”, phim độc lập của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp

 Trong các góp ý cho dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), mong mỏi thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh là vấn đề luôn được các nhà quản lý, giới chuyên môn đề xuất.

Chưa có Quỹ là một thiệt thòi lớn

Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi đã dành 3 Điều 45, 46, 47 cho nội dung Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Theo đó, đây là quỹ tài chính ngoài ngân sách được thành lập nhằm hỗ trợ dự án sản xuất phim thể nghiệm, phim đầu tay, phim của tác giả trẻ; hỗ trợ cho tác giả, dự án, phim Việt Nam xuất sắc tham gia LHP, giải thưởng phim, cuộc thi phim, hội chợ phim, chương trình phim, tuần phim tại nước ngoài…

Theo Dự thảo, việc thành lập Quỹ cũng nhằm mục đích cho vay để thực hiện dự án ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ hiện đại trong hoạt động điện ảnh; hỗ trợ các không gian sáng tạo về điện ảnh và các hoạt động khác để phát triển nghệ thuật điện ảnh đương đại. Nguyên tắc hoạt động của Quỹ không vì lợi nhuận; bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả, sử dụng đúng mục đích và phù hợp với quy định pháp luật, không trùng lặp với nguồn ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động sự nghiệp điện ảnh. Quỹ không hỗ trợ các dự án sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước…

TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam chia sẻ, câu chuyện về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh đã nhiều lần được nhắc đến trong những năm qua. Luật Điện ảnh hiện hành và Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều trong Luật cũng đã quy định việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.

NSƯT, đạo diễn Bùi Trung Hải nhận định, trong dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi, những quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh là điều cần thiết. Không nên chỉ bó hẹp góc nhìn về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, mà nên nhìn rộng hơn về sự đầu tư chiến lược của nhà nước cho điện ảnh. Theo đó, điện ảnh Việt Nam cần có sự trợ giúp mạnh mẽ hơn về mặt chiến lược từ Nhà nước. Nhiều quốc gia trên thế giới đã có chiến lược rõ ràng, thực tế đối với sự phát triển điện ảnh. Đó cũng chính là tiềm năng để phát triển kinh tế và văn hóa. “Văn hóa hay điện ảnh cũng chính là “quyền lực mềm” của một quốc gia. Một trong những mô hình phát triển thành công nhất là sự phát triển của điện ảnh Hàn Quốc…”, ông Hải nhấn mạnh.

Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) Nguyễn Phương Hòa nêu, Luật Điện ảnh năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Nhiều kỳ vọng được đặt ra, đơn cử như những dự án đầu tay chất lượng, dự án của các tác giả trẻ triển vọng… sẽ có cơ hội được thực hiện, góp phần thúc đẩy tính sáng tạo, tạo cơ hội cho điện ảnh Việt Nam vươn ra thế giới. Trên cơ sở đó, Bộ VHTTDL cũng đã phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Đề án thành lập Quỹ Phát triển điện ảnh Việt Nam. Nhằm thể hiện quyết tâm trong việc thành lập Quỹ, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó nêu rõ: Hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện nguồn thu trích tỷ lệ trên doanh thu chiếu phim tại các rạp cho vào Quỹ, 3% đối với phim nước ngoài chiếu tại Việt Nam và 0,5% đối với phim Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, đề án thành lập Quỹ vẫn chưa được phê duyệt do vướng mắc chủ yếu ở nguồn thu thường xuyên, ổn định để duy trì hoạt động của Quỹ chưa có tính ràng buộc, các nguồn thu đề xuất chưa phù hợp với quy định tại các luật khác.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam cho rằng, việc chưa có Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh là một thiệt thòi lớn đối với các nhà làm phim, đặc biệt là thế hệ trẻ. Trong các cuộc phỏng vấn sâu được Viện VHNT quốc gia Việt Nam thực hiện, các nhà làm phim Việt Nam thừa nhận rằng hiện nay, tính xã hội trong phim Việt Nam ngày càng thiếu, phim chưa gần gũi với đời sống để thu hút khán giả, hấp dẫn các nhà đầu tư. Trong tình thế khó khăn đó, các nhà làm phim, đặc biệt là nhà làm phim trẻ vẫn phải vật lộn với việc tìm kiếm sự hỗ trợ về tài chính. Họ mong đợi sự vận hành của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.

Tính khả thi và các chính sách phù hợp

TS Ngô Phương Lan lưu ý, cần quan tâm đến tính khả thi của việc thành lập Quỹ, muốn vậy, phải xây dựng được các chính sách phù hợp. Bà Lan đề xuất nên tham khảo kinh nghiệm từ các Quỹ điện ảnh thành công trên thế giới, trong đó, gần với Việt Nam là Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh Hàn Quốc, được quy định trong Luật Xúc tiến phim và video Hàn Quốc. Nguồn thu của Quỹ này là phí % trên vé xem phim của khán giả (Hàn Quốc trích 5%) và theo cách thức thu hợp lý, cơ chế cụ thể. Mục đích sử dụng Quỹ là hỗ trợ sáng tạo và sản xuất phim; đầu tư cho các Hiệp hội chuyên về điện ảnh; hỗ trợ xuất khẩu và trao đổi quốc tế phim nội; hỗ trợ sản xuất phim kinh phí nhỏ, phim ngắn; bảo trì và cải tạo rạp chiếu phim; hỗ trợ các dự án cải thiện phúc lợi người lao động tham gia vào ngành công nghiệp điện ảnh; hỗ trợ các dự án LHP của các tổ chức và nhóm dân sự được cơ quan quản lý điện ảnh công nhận; hỗ trợ các dự án đào tạo, giáo dục điện ảnh; các dự án phim nghệ thuật; các dự án liên quan đến phát triển công nghiệp điện ảnh; các dự án liên quan đến thúc đẩy đa dạng văn hóa điện ảnh và trách nhiệm cộng đồng của điện ảnh.

NSƯT, đạo diễn Bùi Trung Hải gợi mở, về mặt kinh phí cho Quỹ, đã có nhiều ý kiến nghiên cứu hệ thống phát triển điện ảnh của Pháp với Quỹ điện ảnh được nhà nước điều hành, kinh phí từ trích phần trăm tiền bán vé; hoặc theo cách của điện ảnh Trung Quốc, với sự kết hợp của điện ảnh và truyền hình. Theo ông Hải, dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi cần nghiên cứu, bổ sung thêm về các xu hướng chiến lược dài lâu này.

Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Nguyễn Phương Hòa chia sẻ thêm, ở nhiều nước trên thế giới, Quỹ Hỗ trợ điện ảnh là công cụ hữu hiệu để thúc đẩy điện ảnh phát triển. Ngoài Pháp, Hàn Quốc, bà Hòa cũng phân tích kinh nghiệm thực tế từ một số quốc gia khác. Tại Anh, Viện Phim Anh Quốc (BFI) là cơ quan xây dựng và định hình chiến lược, các chính sách phát triển điện ảnh của quốc gia này. BFI duy trì các quỹ hỗ trợ điện ảnh, tài trợ phát triển, sản xuất phim và truyền hình, bao gồm cả các hoạt động liên kết sản xuất phim quốc tế. Tại Australia, cơ quan Điện ảnh cung cấp các khoản tài trợ cho việc phát triển, sản xuất và tiếp thị nội dung truyền hình, đồng thời hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh. Tại Hoa Kỳ, các quỹ phát triển điện ảnh hết sức đa dạng, do các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sáng lập với tiêu chí cụ thể, hỗ trợ sự phát triển của điện ảnh Hoa Kỳ nói riêng và điện ảnh thế giới nói chung.

Trong khu vực Đông Nam Á, một số chính phủ cũng hỗ trợ phát triển ngành điện ảnh thông qua việc thành lập các quỹ về sáng tạo, nghệ thuật như Quỹ Sáng tạo do Hội đồng Nghệ thuật Singapore quản lý, Quỹ Truyền thông quốc gia Thái Lan do Bộ Văn hóa Thái Lan quản lý, Quỹ Phát triển Phim nghệ thuật và Truyền thông Đa phương tiện do Tập đoàn Phát triển điện ảnh Quốc gia Malaysia quản lý…

Bà Nguyễn Phương Hòa nhấn mạnh, xuất phát từ bối cảnh thực tiễn và những kết quả mong đợi trong việc hỗ trợ điện ảnh Việt Nam phát triển chất lượng, có tính cạnh tranh, cần thiết phải tiếp tục quy định Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh tại Luật Điện ảnh sửa đổi. Đồng thời, cần quy định chi tiết về nguồn thu thường xuyên, ổn định của Quỹ. Chỉ có như vậy mới tạo điều kiện cho việc thành lập Quỹ và vận hành thường xuyên, lâu dài, qua đó hỗ trợ tìm kiếm, nuôi dưỡng các tài năng trẻ, hỗ trợ quá trình sản xuất, phát hành, quảng bá phim ra nước ngoài, tạo cú hích cho điện ảnh Việt Nam cất cánh. 

Việc chưa có Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh là một thiệt thòi lớn đối với các nhà làm phim, đặc biệt là thế hệ trẻ… Hiện nay, tính xã hội trong phim Việt Nam ngày càng thiếu, phim chưa gần gũi với đời sống để thu hút khán giả, hấp dẫn các nhà đầu tư. Trong tình thế khó khăn đó, các nhà làm phim phải vật lộn với việc tìm kiếm sự hỗ trợ về tài chính. Họ rất mong đợi sự vận hành của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.

(PGS.TS NGUYỄN THỊ THU PHƯƠNG, Phó Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam)

 

PHƯƠNG ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top