Người dưới 60 tuổi, không có bệnh nền không cần đo huyết áp trước khi tiêm vắc xin Covid-19

VHO- Việc đo huyết áp chỉ được thực hiện với một số người có bệnh nền, cao huyết áp và người trên 65 tuổi.

Đây là một trong những nội dung mới nhất của Bộ Y tế Quyết định 4355 về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Hướng dẫn này có hiệu lực từ ngày 10.9 và thay thế hoàn toàn Quyết định 3802 và hướng dẫn kèm theo trước đó. 

Người dưới 60 tuổi, không có bệnh nền không cần đo huyết áp trước khi tiêm vắc xin Covid-19 - Anh 1

Chỉ người mắc bệnh nền hoặc trên 65 tuổi mới cần thiết đo huyết áp trước khi tiêm 

Theo đó, từ ngày 10.9, khi khám sàng lọc trước khi tiêm chủng, bên cạnh việc hỏi tiền sử bệnh người đến tiêm, nhân viên y tế sẽ tiến hành đánh giá lâm sàng, trong đó, bao gồm đo thân nhiệt, huyết áp và đo mạch, đếm nhịp thở.

Với những người có tiền sử tăng huyết áp, huyết áp thấp, bệnh nền liên quan đến bệnh lý tim mạch, người trên 65 tuổi thì cần đo huyết áp trước khi tiêm. Với người có tiền sử suy tim hoặc phát hiện bất thường như đau ngực, khó thở... thì cần đo mạch, đếm nhịp thở. 

Nếu phát hiện bất thường dấu hiệu sống như mạch dưới 60 lần/phút, trên 100 lần/phút; nhịp thở trên 25 lần/phút; huyết áp tối thiểu dưới 60mmHg, trên 90 mmHg hoặc huyết áp tối đa dưới 90mmHg, trên 140mmHg  so với huyết áp hằng ngày (ở người có tăng huyết áp và đang điều trị, có hồ sơ y tế) thì ần thận trọng khi tiêm chủng, phải khám sàng lọc kỹ lưỡng và thận trọng.

Như vậy, ở hướng dẫn mới, Bộ Y tế yêu cầu chỉ một số trường hợp nêu trên mới cần phải đo huyết áp, đo mạch, nhịp thở. Yêu cầu đo huyết áp với tất cả người đến tiêm đã bị bãi bỏ. Trước đó, các chuyên gia đã lên tiếng về việc Bộ Y tế cần bỏ qua những quy tắc không hợp lý, trong đó có việc đo huyết áp sàng lọc trước tiêm, mới có thể đẩy nhanh  tiến độ tiêm vắc xin cho người dân.

"Ai đi tiêm vắc xin thường sẽ lo lắng, căng thẳng, huyết áp tăng là tất yếu. Việc đo đi đo lại chỉ số huyết áp đến khi đạt yêu cầu rất mất thời gian. Quan trọng hơn, nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 từ máy đo huyết áp là có thật", một bác sĩ nêu.

Trong khi đó, tài liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không đưa ra hướng dẫn cụ thể hay bắt buộc về các danh sách yêu cầu cần sàng lọc trước tiêm vắc xin. Tổ chức này đưa ra nhóm người nên và không nên tiêm một loại vắc xin Covid-19 cụ thể, từ đó, các quốc gia căn cứ vào điều này và lập thành bảng sàng lọc phù hợp.

Q.HOA - Ảnh: VŨ MỪNG

Ý kiến bạn đọc