Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Lời cảnh báo từ hình mẫu tiêm chủng Israel

Thứ Hai 13/09/2021 | 09:01 GMT+7

VHO- Từng đi đầu trong chiến dịch tiêm chủng và sớm dỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng dịch, Israel hiện là một trong những quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 trên bình quân đầu người cao nhất thế giới. Những diễn biến dịch bệnh tại quốc gia Trung Đông này đã gợi mở nhiều bài học kinh nghiệm cho cuộc chiến chống Covid-19 trên toàn cầu.

Israel gia tăng độ phủ vắc xin để “sống chung” với Covid-19 Ảnh: AFP

Ngay từ tháng 2.2021, Israel đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế phòng dịch khi số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 giảm đáng kể và hơn một nửa dân số được tiêm 1 liều vắc xin ngừa Covid-19. Người dân có thể đến các trung tâm mua sắm, các điểm du lịch, phòng tập thể dục, khách sạn, giáo đường... với điều kiện có “thẻ thông hành xanh” (giấy xác nhận đã tiêm vắc xin ngừa Covid-19). Từ ngày 1.6, khi số ca mắc Covid-19 giảm xuống dưới 20 ca/ngày, Israel đã dỡ bỏ hầu hết các hạn chế và ngừng hoạt động hệ thống kiểm tra “thẻ thông hành xanh”. Đến ngày 15.6, Israel đã chấm dứt yêu cầu đeo khẩu trang tại không gian kín, đánh dấu sự trở lại cuộc sống bình thường tại quốc gia hình mẫu tiêm chủng này.

Thế nhưng, từ cuối tháng 6, số ca mắc mới Covid-19 có dấu hiệu tăng trở lại, buộc Israel phải tái yêu cầu đeo khẩu trang, cũng như áp dụng lại “thẻ thông hành xanh”. Đáng chú ý, dù số ca nhiễm tăng nhanh, nhưng giới chức Israel không áp đặt lệnh phong tỏa đất nước như các làn sóng Covid-19 trước. Thay vào đó, Thủ tướng Israel Naftali Bennett thúc giục người dân nước này học cách “sống chung” với virus, bằng cách áp dụng các biện pháp hạn chế ít nhất có thể và tránh gây thiệt hại thêm cho nền kinh tế. Người đứng đầu chính phủ Israel cho rằng, các biện pháp chặt chẽ sẽ phá hủy tương lai của đất nước, và việc đóng cửa là biện pháp cuối cùng.

Theo Bloomberg, Israel hiện là một trong những “điểm nóng” Covid-19 trên thế giới, với trung bình 10.000 ca nhiễm mỗi ngày. Giới chuyên gia cho rằng, một trong những lí do dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ số lượng ca nhiễm có thể ở vấn đề độ bao phủ vắc xin. Thực tế, sau khi chiến dịch tiêm chủng được triển khai nhanh chóng hồi đầu năm, tốc độ tiêm vắc xin đã chậm lại trong những tháng vừa qua. Tỷ lệ người dân được tiêm 1 liều vắc xin ở Israel chỉ tăng từ 50% vào tháng 2, lên 68% vào tháng 9, và mới chỉ có 62% dân số tiêm chủng đầy đủ. Điều này đã khiến Israel tụt lại phía sau về mức độ bao phủ vắc xin so với nhiều quốc gia khác như Anh, Singapore, EU... Việc còn khoảng 30% dân số Israel chưa được tiêm chủng, đồng nghĩa sẽ có khoảng 2,7 triệu người nước này vẫn có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2. Thêm nữa, một số chuyên gia cũng đặt ra lo ngại về khả năng miễn dịch do vắc xin Pfizer/BioNTech tạo ra có thể suy giảm theo thời gian, mặc dù phần lớn các nghiên cứu về vấn đề này vẫn đang thử nghiệm ở giai đoạn đầu.

Ngoài ra, nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng ca nhiễm ở Israel còn được giới chuyên gia nhận định có thể là do nước này đã dỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng Covid-19 quá sớm. Một nhà nghiên cứu sức khỏe toàn cầu đã chỉ ra, sự lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng có thể dễ dàng bùng phát, khi chính sách phòng dịch của quốc gia cho phép những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao tập trung đông người mà không áp dụng các biện pháp hạn chế hoặc chỉ có một vài biện pháp. Theo chỉ số Stringency (đo lường mức độ nghiêm ngặt của các chính sách ngăn ngừa Covid-19 ở mỗi quốc gia) do Our World in Data thống kê, ngày 28.8, điểm số của Israel là 45,4, ít nghiêm ngặt hơn rất nhiều so với chỉ số của New Zealand là 96,3. Trong bối cảnh các biến chủng mới dễ lây lan hơn, thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh của Israel cao hơn nhiều so với các nước thực hiện nghiêm ngặt các chính sách ngăn ngừa.

Điểm đáng chú ý ở đợt bùng phát dịch lần này của Israel là dù số ca nhiễm tăng đột biến, nhưng số người mắc bệnh nặng phải nhập viện và tử vong không cao như các làn sóng dịch bệnh trước đó. Vào cuối tháng 8, số ca nặng phải nhập viện là 751 trường hợp, giảm nhiều so với 1.183 ca hồi giữa tháng 1. Đây là minh chứng rõ nét cho khả năng giảm thiểu nguy cơ sức khỏe của vắc xin, và củng cố hơn triển vọng “sống chung” với Covid-19 cho nhiều quốc gia trên thế giới. Theo giáo sư Eyal Leshem tại Trung tâm Y tế Sheba ở Tel Ha-Shomer (Israel), nhìn lại thời điểm cách đây 1 năm, chúng ta gần như không có sự bảo vệ nào ngoài phong tỏa hoàn toàn. Còn bây giờ, với “tấm khiên” vắc xin, “bạn có thể duy trì cuộc sống mà không cần phong tỏa, cũng như tránh số ca nhập viện và số ca tử vong quá cao” và “đây chính là những gì của việc sống chung với Covid-19 sẽ diễn ra”, giáo sư Eyal Leshem khẳng định. 

HẢI MINH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top