Để không có tình trạng sau trùng tu phục hồi không còn nhận diện là di vật lịch sử

VHO- Đó là nhận định thẳng thắn của ông Bùi Văn Tiếng - Chủ nhiệm HĐTV VH-XH trong Hội nghị phản biện xã hội nhằm tiếp thu ý kiến đối với việc triển khai Quy hoạch bảo quản tu bổ phục hồi Danh lam thắng cảnh Quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn tổ chức tại Đà Nẵng ngày 29.10. Theo đó, phần lớn các đại biểu đều nhất quán với việc phải bảo tồn di tích, di sản, giữ gìn tối đa vẻ đẹp của không gian tự nhiên sẵn có.

Bài toán về bảo tồn phát huy giá trị di tích 

Việc nghiên cứu lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 16/4/2020, là cơ sở cho việc định hướng, bảo tồn và phát huy giá trị di tích, khai thác tiềm năng du lịch, quản lý, bảo vệ di tích này. Thủ tướng Chính phủ đặc biệt yêu cầu Đà Nẵng: Việc quy hoạch phải dựa trên việc bảo tồn di sản, tôn trọng, bảo tồn tối đa các yếu tố cấu thành đặc trưng của di tích; đề xuất phương án phát huy giá trị, quảng bá di tích trên cơ sở hạn chế tác động tiêu cực đến không gian cảnh quan, cấu trúc của khu danh thắng.

Để không có tình trạng sau trùng tu phục hồi không còn nhận diện là di vật lịch sử - Anh 1

Đóng góp kiến về việc triển khai Quy hoạch Danh lam thắng cảnh Quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn

Theo ông Bùi Văn Tiếng - Chủ nhiệm HĐTV VH-XH , Đồ án không chỉ đặt vấn đề quy hoạch mà còn phải đối diện với việc bảo tồn, phục hồi cảnh quan thiên nhiên của danh thắng Ngũ Hành Sơn: “Con đường ven sông Cổ Cò vẫn giữ nguyên là đường làng chứ không nên xác định là đường phố, di tích trong khu vực ven Cổ Cò để nghị có hướng tiến hành khảo cổ để xác định vị trí Bến Ngự thời Minh Mạng, ngôi mộ Lê Văn Hiến cũng cần được tôn tạo để trở thành điểm nhấn về tham quan du lịch và giáo dục truyền thống. Cần giữ gìn các di sản văn hóa, kiến trúc cổ trong quá trình bảo tồn không được làm mất yếu tố gốc của hiện vật, tránh tình trạng sau trùng tu phục hồi không còn nhận diện là di vật có liên quan đến lịch sử Ngũ Hành Sơn”.

Nhìn dưới góc độ di sản, PGS, TS Ngô Văn Minh - Hội Di sản văn hóa thành phố Đà Nẵng cũng cho rằng Quy hoạch phải quan tâm đến sự hài hòa đối với cảnh quan “sơn kỳ thủy tú” của khu danh thắng, hạn chế tối đa việc nhựa hóa, bê tông hóa, phố hóa trong khu vực này, đồng thời tăng thêm mật độ cây trồng và thảm thực vật, công viên để tạo cảnh quan. Nhiều đại biểu cũng cho rằng cần phải có biện pháp xử lý các công trình ảnh hưởng đến cảnh quan di tích như nhà cao tầng ở tứ phía, tăng cường quản lý kiến trúc nhất là về độ lớn và chiều cao của công trình trong vùng dự án. Hiện nay quy hoạch cho thấy, nhiều công trình xây dựng trong khu vực có hiện tượng cơi nới so với diện tích được cấp phép, do vậy việc cắm mốc giới trên thực địa khoanh vùng bảo vệ I, ranh giới các công trình di tích, tôn giáo là nhiệm vụ cấp bách để nhằm hạn chế việc tiếp tục mở rộng trong tương lai. Đối với các khu vực nằm trong vùng bảo vệ II cần xác định phù hợp dựa trên nhu cầu bảo tồn, phát huy giá trị di tích và dân cư hiện hữu trong khu vực.

Cần tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống

Ông Huỳnh Văn Phương - Hội KTS TP cho rằng, đồ án “không nên giải tỏa trắng khu dân cư mà chỉ giải tỏa các khu vực sát chân núi”.

Trước đây, các báo cáo khảo sát cũng đã đề cập đến nhiều vấn đề được dư luận hết sức quan tâm và có sự ảnh hưởng đối với người dân trong vùng quy hoạch.  Do vậy, có thể ưu tiên cho các hộ dân có nguyện vọng ở lại cũng là chủ trương mà thành phố Đà Nẵng xác định khi phê duyệt quy hoạch, đảm bảo 2 yếu tố không gian và con người nhằm tạo điều kiện cho người dân tham gia các hoạt động phát triển du lịch trong tương lai. 

Để không có tình trạng sau trùng tu phục hồi không còn nhận diện là di vật lịch sử - Anh 2

Khu vực dân cư trong vùng quy hoạch

Người dân Ngũ Hành Sơn nhiều lần bày tỏ nguyện vọng Công viên văn hóa Ngũ Hành Sơn sớm được triển khai để lãnh đạo thành phố có quyết sách hỗ trợ cho người dân. Ông Mai Hùng (người dân) mong mỏi:  “Dự án công viên văn hóa Ngũ Hành Sơn đã được thành phố phê duyệt hơn 12 năm, trong lúc chưa có nhà đầu tư thành phố đã giải tỏa đền bù một số khu vực cần thiết như quanh núi Mộc Sơn, Tiên Sơn, phía Bắc đường Huyền Trân Công Chúa... Trong khi chờ đợi triển khai dự án, hơn 1.500 hộ dân tại khu vực này đã bị ảnh hưởng rất lớn bởi không thể tách khẩu, không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất và không có giấy phép xây dựng, nhà cửa xuống cấp không được sửa chữa, đối với những hộ đã được di dời giải tỏa đến nơi khác thì cuộc sống bị đảo lộn, không ổn định sinh nhai”.

Theo ông Hùng, dù Danh thắng Ngũ Hành Sơn đã được công nhận là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia đặc biệt đã lâu nhưng tình hình đối với người dân vẫn không “sáng sủa” hơn chút nào, mong dự án công viên sớm được triển khai, thành phố cho xây dựng khu vực chuyên doanh mỹ nghệ đón khách du lịch, để vừa quảng bá sản phẩm vừa tạo điều kiện cho bà con làm ăn, phát triển kinh tế. 

“Lãnh đạo thành phố cần quan tâm đời sống người dân, lấy lợi ích của người dân làm trọng tâm, đời sống của người dân ở nơi mới phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ chứ không thể khổ hơn, kém hơn, đừng để dân bị thiệt thòi”, ông Mai Hùng nói.

Trước đó, theo chủ trương của TP Đà Nẵng, trong hơn 10 năm trở lại đây các công trình trong khu vực danh thắng không được cấp phép xây dựng mới, phần lớn đều ở trong tình trạng xuống cấp, đặc biệt là nhà cổ. Theo quan sát, hiện khu vực có 3 kiểu nhà phổ biến, gồm: Nhà ở kết hợp làm nơi buôn bán trên các tuyến phố như Huyền Trân Công Chúa, Non Nước, kinh doanh các mặt hàng đá mỹ nghệ phục vụ du khách. Đây là vùng hình thái dân cư liên quan đến nghề đá truyền thống tồn tại dưới dạng phố nghề; thứ hai là hình thức nhà vườn, là nơi được xác định là vùng dân cư lâu đời nhất trong khu vực quy hoạch; thứ ba là nhà ở, đa số là nhà tạm, tự phát và ảnh hưởng đến không gian cảnh quan chung.


NGỌC HÀ
 

Ý kiến bạn đọc