Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Có nên cấm trẻ em ngồi ghế trước xe ô tô?

Thứ Sáu 05/11/2021 | 10:53 GMT+7

VHO- Vừa qua, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) tổ chức hội thảo: “Các quy định liên quan tới y tế trong dự án Luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ”. Một trong những nội dung mà hội thảo đề cập được nhiều người quan tâm là đề xuất về việc cấm trẻ dưới 12 tuổi ngồi ghế trước, buộc trẻ dưới 4 tuổi phải ngồi ghế trẻ em.

 Hiện nay trẻ em vẫn được ngồi ghế trước - Ảnh: VĂN HUẾ

Theo đó, tại khoản 3 Điều 8 của dự thảo Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định: “Trẻ em dưới 12 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35m được chở trên xe ô tô chở người không được ngồi cùng hàng ghế của lái xe khi tham gia giao thông đường bộ. Trẻ em dưới 4 tuổi được chở bằng ghế thiết kế riêng dành cho trẻ em”.

Thống kê từ cơ quan chức năng thì hàng trăm trẻ em tử vong và hàng ngàn trẻ khác bị thương do tai nạn giao thông (TNGT). Trên 60% TNGT tại Việt Nam liên quan đến người lái và ngồi trên xe, xu hướng TNGT liên quan đến ô tô tăng dần. Nguyên nhân là do trẻ em dưới 12 tuổi chưa đủ chiều cao để sử dụng dây an toàn. Nếu tai nạn xảy ra, dây an toàn không giữ được trẻ và sẽ bị lao về phía trước. Đó là lý do khuyến cáo áp dụng với trẻ dưới 12 tuổi và chiều cao trung bình dưới 1,35m thì không được ngồi tại ghế trước.

Tuy nhiên, theo quan điểm người viết thì việc chỉ dựa vào nguyên nhân trên mà cấm trẻ em ngồi phía trước là chưa thỏa đáng, không thuyết phục.

Bởi vì, thông thường theo tiêu chuẩn quốc tế, trẻ em ở độ tuổi 12 thường có chiều cao 1,35m, trong khi ở Việt Nam hiện chưa có một nghiên cứu, đánh giá nào về các vụ tai nạn xảy ra đối với trẻ em liên quan đến độ tuổi và chiều cao. Lấy điều kiện, tiêu chuẩn của nước ngoài, nhất là các nước Âu, Mỹ để áp dụng ở Việt Nam là chưa phù hợp, không khoa học.

Ngược lại nhiều trẻ ở độ tuổi dưới 12 nhưng đã cao trên 1,35m mà bị phạt là vô lý, nếu dựa vào lý do chưa đủ chiều cao để sử dụng dây an toàn. Chưa kể việc xác định các trường hợp trẻ em dưới 12 tuổi hoặc dưới 1,35m cũng rất khó khăn, khó cho việc xử lý vi phạm. Vì khi lực lượng chức năng dừng xe kiểm tra các giấy tờ và xác định trẻ em dưới 1,35m ra còn phải xác định trẻ có dưới 12 tuổi hay không nên cần thêm giấy tờ tùy thân của trẻ em.

Mặt khác, việc quy định “trẻ em dưới 4 tuổi được chở bằng ghế thiết kế riêng dành cho trẻ em” cũng nên rõ ràng, cụ thể hơn. Bởi nếu có bố, mẹ hoặc người lớn bế, ẵm thì có cần phải ngồi vào ghế thiết kế riêng hay không? Theo tôi, không cần thiết phải sử dụng ghế thiết kế riêng trong trường hợp này, vì thế cần quy định rõ: “Trừ trường hợp được người lớn bế, ẵm”.

Thực tế thì việc trẻ em ngồi ghế sau xe ô tô có thể nguy hiểm hơn ghế trước, nhất là trong trường hợp chỉ có 2 người (lái xe và trẻ em). Vì khi trẻ em ngồi ghế trước, người lái xe có thể kiểm soát, bảo ban được trẻ, nếu trẻ ngồi ghế sau không thể quan sát, bao quát hết được nên chúng có thể mở cửa, chạy nhảy gây thương tích mà người lái xe không biết được nên rất nguy hiểm.

Vì vậy, chỉ nên dừng lại ở quy định “Trẻ dưới 4 tuổi khi đi ô tô cần phải có ghế thiết kế riêng dành cho trẻ em, nếu không có người lớn bế, ẵm” là phù hợp. Riêng việc cấm trẻ dưới 12 tuổi và chiều cao trung bình dưới 1,35m không được ngồi tại ghế trước là chưa cần thiết, khó khả thi. Do đó, nên chỉ khuyến cáo không nên cho trẻ nhỏ ngồi ghế trước để người dân tham khảo, cảnh giác là được, bởi nếu quy định không rõ ràng, cụ thể sẽ gây khó khăn, thêm phức tạp cho lực lượng chức năng khi triển khai thực hiện. 

 Nghi ngại về tính khả thi

Anh Đỗ Nam Khánh (Hải Phòng) cho rằng, quy định trên là khá cứng nhắc khi một người phải bắt buộc hội đủ 2 yếu tố là trên 12 tuổi và cao trên 1m35 mới được ngồi ở ghế trên. Chỉ cần không đủ một trong 2 điều kiện này là phải ngồi ở ghế dưới. Anh Khánh chỉ ra trên thực tế, một đứa trẻ gần 12 tuổi như con của anh đã cao tới 1m55, xấp xỉ một người lớn. Nhưng nếu so với điều kiện trên thì cháu vẫn buộc phải ngồi ở ghế sau. “Nếu điều này được luật hóa sẽ là hơi cứng nhắc, khó áp dụng trong thực tế, khi triển khai sẽ rất dễ xảy ra tranh cãi giữa người dân với lực lượng chức năng. Thậm chí, nhiều bố mẹ phải mang sẵn giấy khai sinh của con trên xe để chứng minh khi cần thiết”, anh Khánh nêu ý kiến.

Đồng tình với ý kiến trên, chị Phạm Kiều Thanh (Hà Nội) cho rằng, nhiều đứa trẻ bây giờ rất cao to không kém gì người lớn. Đa số các loại xe hiện nay chỉ bố trí túi khí ở khu vực ghế trước thì những cháu 10-11 tuổi ngồi ở vị trí này lại rất an toàn, kể cả khi xảy ra tai nạn. Còn về quy định trẻ em dưới 4 tuổi phải ngồi vào ghế chuyên dụng, chị Thanh cho rằng, điều này chỉ nên áp dụng khi trên xe chỉ có người lái xe và em bé mà thôi, trường hợp có thêm người lớn ngồi kèm là không cần thiết. “Nếu quy định dưới 4 tuổi buộc phải ngồi vào ghế chuyên dụng khi đi ô tô thì các cháu nhỏ từ vài tháng tuổi đến 2-3 tuổi thường được bố mẹ bế khi đi xe có bị xử phạt hay không?”, chị Thanh đặt câu hỏi. HOÀNG HIỆP

 PHẠM VĂN CHUNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top