Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Phim tài liệu  tại LHP Việt Nam lần thứ XXII: Nhiều ứng viên sáng giá tranh tài

Thứ Sáu 12/11/2021 | 10:26 GMT+7

VHO-  Không đình đám như phim điện ảnh hay truyền hình, phim tài liệu được ví như những “nốt trầm xao xuyến”. Song, sức sống của phim lại dễ dàng len lỏi sâu vào đời sống xã hội để tạo nên những cơn “địa chấn” ngầm…

Phim Phần đời còn lại

 Thời gian qua, được sự quan tâm của các đài truyền hình, đề tài đa dạng cộng với sự yêu nghề cũng như quyết tâm theo đuổi ước mơ của những nhà làm phim trẻ, mảng phim tài liệu ngày càng trở nên khởi sắc. Đặc biệt, ở LHP Việt Nam lần thứ XXII sắp tới, thể loại này đã có số lượng tác phẩm dự thi nhiều nhất, với 56 phim.

Những lát cắt đa dạng về cuộc sống

Ngay khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, rất nhiều ê kíp đã bất chấp nguy hiểm, đi vào tâm dịch để ghi lại những hình ảnh chân thực, khốc liệt và đầy xúc động. Trong đó, Ranh giới của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư đã trở thành “bom tấn” khi chuyển tải những hình ảnh “lịch sử” tại bệnh viện dã chiến. Với thủ pháp phi hư cấu, không lời bình, bám theo sự kiện, câu chuyện, nhân vật, Ranh giới mở toang cánh cửa cách ly của khu K1 - Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương, nơi điều trị các sản phụ F0, những khoảnh khắc cận sinh tử của bệnh nhân khiến nhiều người ám ảnh. Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư bồi hồi chia sẻ: “Chúng tôi được đi vào tâm của tâm dịch, được tận mắt ghi hình và chứng kiến, chia sẻ những câu chuyện của các bệnh nhân, y bác sĩ. Thậm chí có những lúc chúng tôi phải buông máy để hỗ trợ bác sĩ di chuyển bệnh nhân hay phải dừng lại vì chứng kiến sự đau đớn của người bệnh…”. Góp mặt tại LHP Việt Nam lần này, ngoài Ranh giới thì tác phẩm Nẻo đường hội ngộ của Tạ Quỳnh Tư cũng sẽ là một trong những ứng viên sáng giá, khi liên tục chạm đến cảm xúc của người xem.

Phim Ranh giới

Hình ảnh sân khấu và cuộc đời ngăn cách bằng một bức trướng vải được nhắc đi nhắc lại trong bộ phim tài liệu đậm chất điện ảnh Đoạn trường vinh hoa của đạo diễn Lê Mỹ Cường, đã tạo được tiếng vang vào năm 2020. Từ nghệ sĩ nghèo chật vật với cuộc sống hàng ngày, những người nông dân lột xác thành ông hoàng bà chúa trong tích cổ chỉ bằng một chớp mắt khi đi qua bức màn sân khấu mỏng manh. Lộng lẫy trên sân khấu là thế, để rồi khi ánh đèn tắt đi, nỗi cô đơn của cái tôi nghệ sĩ hay sự đồng cam cộng khổ cùng anh chị em trong đoàn khiến người xem không khỏi ngậm ngùi, bởi phút huy hoàng phải trả giá bằng nỗi đau dai dẳng… Đến với LHP lần này, Đoạn trường vinh hoa kể một câu chuyện cũ nhưng với góc nhìn mới, đó là sự lắng đọng của những nghệ sĩ trong đoàn tuồng cổ. Biết khó nhưng vẫn làm, biết khổ nhưng quyết không dừng lại, họ cống hiến cho sân khấu trọn vẹn tâm sức, trí lực và cả cuộc đời.

Phim Suối nhạc giữa đại ngàn Tây Nguyên

Bên cạnh đó, nhiều bộ phim với những lát cắt đa dạng, đầy ắp hơi thở cuộc sống của các đơn vị như: Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam, Công ty Cổ phần Phim Giải phóng, Điện ảnh Quân đội nhân dân… cũng tham gia “cuộc đua” đến Bông sen Vàng đầy danh giá lần này.

Tìm cơ hội trong thách thức

Đại dịch khó khăn là thế, nhưng tinh thần sáng tạo, vượt khó đã khiến điện ảnh Việt Nam không dừng lại mà còn có nhiều bứt phá ngoạn mục. Ở đó, những người làm phim kịp thời điều chỉnh các phương thức sản xuất, phát hành, phổ biến phim để thích ứng hoàn cảnh mới. Minh chứng là số lượng tác phẩm gửi về LHP lần thứ XXII nhiều hơn và chất lượng cũng cao hơn. Đặc biệt, thể loại phim Tài liệu được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh của điện ảnh Việt năm nay khi phản ánh được những vấn đề nóng của đời sống xã hội như dịch bệnh, những vấn đề, nhân vật lịch sử…

Phim Phía sau ánh hào quang

Có những dự án chỉ vừa mới hoàn thành vào đầu năm 2021, trước khi làn sóng Covid-19 lần thứ tư ập đến như: Đại thi hào Nguyễn Du (Công ty Cổ phần không gian văn hóa Việt Media); Người Vân Kiều, Pa Cô thương nguồn nhớ cội (Trung tâm văn hóa, điện ảnh Quảng Trị); Về đâu những cánh chim trời (Ban Khoa giáo - Đài THVN); Xứ Huế và Áo dài (Đài PTTH Thừa Thiên Huế và TTVH Điện ảnh Thừa Thiên Huế)… Trong đó, phải dành lời khen cho tác phẩm Đại thi hào Nguyễn Du khi đã mạnh dạn mở hướng đi mới cho phim tài liệu nghệ thuật. Để có được những thước phim sống động, sát với lịch sử, đoàn làm phim đã rất công phu trong việc thu thập tư liệu. Chính nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi mà đoàn đã may mắn tìm thấy những tài liệu quý giá và khi được đưa lên phim đã khiến người xem bất ngờ. Với vai trò là nhà sản xuất, TS Phạm Xuân Mừng chia sẻ đầy tâm huyết: “Xác định bộ phim như một kênh tư liệu, chúng tôi muốn giúp học sinh, sinh viên, công chúng trong và ngoài nước hiểu thêm về tài năng sáng tạo ngôn từ của Nguyễn Du, đưa Truyện Kiều đến gần hơn với công chúng bằng ngôn từ thuần Việt trong sáng, dễ hiểu. Chúng tôi mong muốn bộ phim có mặt tại LHP Việt Nam lần thứ XXII để góp phần lan tỏa văn hóa Việt, tôn vinh di sản văn hóa Nguyễn Du và Truyện Kiều”.

 Tác phẩm “Đại thi hào Nguyễn Du” đã mạnh dạn mở hướng đi mới cho phim tài liệu nghệ thuật

Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, việc tổ chức LHP Việt Nam lần thứ XXII qua hình thức trực tuyến là giải pháp hợp lý, tuy nhiên điều này cũng khiến nhiều nhà làm phim, diễn viên, người hâm mộ tiếc nuối. Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư chia sẻ: “Trong bối cảnh này, Bộ VHTTDL vẫn xây dựng phương án tổ chức LHP trực tuyến, vẫn duy trì tính định kỳ, thường niên để các nhà làm phim có cơ hội được cọ xát, học hỏi kinh nghiệm là điều rất đáng mừng. Tuy nhiên, anh em làm nghề sẽ ít cơ hội gặp gỡ, chia sẻ, giãi bày như những năm trước. Cùng với đó, sức ảnh hưởng của LHP sẽ bị giảm và bó gọn trong khuôn khổ”.

Phim Xứ Huế và áo dài

Có thể thấy, không ít dự án phim phải ngừng sản xuất trong thời gian thực hiện giãn cách nhưng số lượng phim dự thi nhiều hơn LHP lần thứ XXI, điều đó cho thấy sự nỗ lực vượt khó một cách ngoạn mục của những người làm điện ảnh. Trong đó, tiêu biểu là các nhà làm phim thuộc thể loại phim truyện và phim tài liệu. 

HỒNG HẠNH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top