Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Sự nghiệp “trồng người” nơi tiền tiêu Tổ quốc

Thứ Sáu 19/11/2021 | 09:43 GMT+7

VHO- Việc dạy học ở Trường Sa không chỉ là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong công tác GD&ĐT đối với vùng biên giới, hải đảo, mà còn khẳng định, Bộ đội Hải quân nhân dân Việt Nam đóng quân ở đâu thì ở đó có sự đồng hành, sát cánh của nhân dân; quân và dân cùng nhau bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trong mọi tình huống.

 Cô giáo Bùi Thị Nhung, người đầu tiên “gieo chữ” ở Trường Sa Ảnh: MẠNH TUẤN

 Cô giáo đầu tiên ở Trường Sa

Quần đảo Trường Sa có 21 đảo, điểm đảo/33 điểm đóng quân thuộc địa giới quản lý hành chính của tỉnh Khánh Hòa, nhưng cũng là phên dậu phòng thủ đặc biệt bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển. Từ thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, thực hiện chủ trương dạy và học ở các đảo xa bờ của Bộ GD&ĐT, Quân chủng Hải quân đã tổ chức xây hệ thống trường học tại ba đảo: Trường Sa Lớn, Sinh Tồn và Song Tử Tây. Cùng với đó là đưa giáo viên từ đất liền ra đảo thực hiện sự nghiệp “trồng người”.

Từ xã Cam Lâm, huyện Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, cô giáo Bùi Thị Nhung đã viết đơn tình nguyện ra Trường Sa với tinh thần “Tất cả vì học sinh thân yêu”. Lúc đầu gia đình cô không ủng hộ, nhưng khi nghe cô Nhung giải thích, thuyết phục: “Đi Trường Sa để cống hiến và giúp lũ trẻ biết chữ” thì mọi người đã đồng ý. Ngày cô bế con nhỏ bước chân xuống tàu đi Trường Sa, bố mẹ cô nghẹn ngào đứng trên cầu cảng ngóng theo bóng con cứ xa dần. Cuộc chia xa không hẹn ngày trở về, chen lẫn niềm vui, nỗi buồn là những giọt nước mắt.

Sau gần 3 ngày đêm hải trình không nghỉ, tàu 957 của Vùng 4 Hải quân đưa cô Nhung đến đảo Trường Sa Lớn. Cô bắt đầu “gieo chữ” trong điều kiện dụng cụ học tập chưa đầy đủ, số học sinh chỉ chưa đầy 10 em ở các độ tuổi từ lớp 1 đến lớp 5. Do học sinh ít, lại không đủ giáo viên, mình cô Nhung đảm nhiệm dạy cả 5 lớp. Để tiện quản lý, các em học sinh được học trong một phòng; các bàn học được kê hình đa giác; 5 chiếc bảng treo ở 5 vị trí khác nhau. Học sinh học lớp nào thì ngồi đối diện với bảng ở vị trí đó.

“Cái khó nhất dạy học ở Trường Sa là học sinh ít, lại dạy chung một phòng học. Điều kiện cơ sở giáo dục còn nhiều khó khăn. Ngoài học chữ theo chương trình chung của Bộ, các em được học “tinh thần thép”, tức là học tình yêu biển, đảo của Tổ quốc. Đa phần các em đều ước mơ lớn lên làm quân nhân và ở lại đảo. Với tôi, dạy học ở Trường Sa tuy vất vả nhưng rất đỗi tự hào, vì đã góp phần nhỏ bé gieo chữ cho các em nơi đầu sóng ngọn gió”, cô Nhung chia sẻ.

 Thầy giáo Nguyễn Hữu Phú chỉ bài cho các em học sinh Ảnh: NVCC

Gửi khát vọng trong từng con chữ

Bắt đầu từ 2012, thay vì đưa giáo viên nữ từ đất liền ra Trường Sa dạy học thì tỉnh Khánh Hòa quyết định thay bằng giáo viên nam. Đây là cơ hội để các thầy giáo trẻ cống hiến, đồng thời thuận lợi hơn trong công tác chuyển đổi giáo viên dạy học ở vùng hải đảo xa xôi.

Được ra đảo Trường Sa Lớn, thầy giáo Bành Hữu Tình gửi trọn tình yêu, niềm đam mê và tâm huyết cho sự nghiệp “gieo chữ”. Cũng như cô giáo Nhung, thầy Tình dạy 5 lớp trong một phòng học. “Lớp học xoay vòng” của thầy gồm các em học sinh là con của ngư dân đang sinh sống tại đảo và cả con của bộ đội Trường Sa. Ngoài giờ học, thầy Tình là người bạn thân thiết của các em, bởi vậy, có em lém lỉnh gọi thầy là “anh Tình”. “Điều tôi tự hào nhất là được dạy học ở tuyến đầu Tổ quốc. Tuy có nhiều vất vả nhưng mỗi ngày được đứng trên bục giảng, cảm giác khó khăn, trở ngại tan biến hết. Tôi đã đứng trên bục giảng 16 năm. Ra Trường Sa dạy học cũng là thỏa mãn khát vọng cống hiến cho Tổ quốc”, Thầy Tình chia sẻ.

Cùng chung mơ ước đóng góp cho sự nghiệp trồng người ngoài “quần đảo bão tố”, thầy giáo Nguyễn Hữu Phú ở Trường Song Tử Tây luôn bận rộn với giáo án, bài giảng. Vốn là người nhiều tài lẻ, ngoài giờ lên lớp, thầy tổ chức cho các em học sinh hoạt động ngoại khóa. Nam tập đá bóng trên cát, nữ chơi trò nhảy dây. Ngày cuối tuần, thầy cùng các em học sinh tham gia nhặt rác thải nhựa từ biển dạt vào triền đảo, bảo vệ môi trường. “Càng gắn bó với đảo, với các em học sinh ở đảo, tôi càng thấy mình yêu nghề hơn. Tuy điều kiện dạy và học ở đảo còn khó khăn, không như đất liền, nhưng luôn bảo đảm cho các em học đủ chương trình, nâng cao chất lượng học tập và rèn luyện thể lực toàn diện. Trong khi đất liền dạy học online, thì Trường Sa vẫn học tập bình thường. Thầy trò chúng tôi luôn tuân thủ biện pháp 5K, mặc dù ở đảo không có dịch”, thầy Phú chia sẻ.

Được coi là “chân trời Tổ quốc”, đảo Sinh Tồn xa hơn so với các đảo khác trong quần đảo Trường Sa. Song, lớp học của “cặp” thầy giáo trẻ thế hệ 9X Phạm Xuân Diệu và Nguyễn Công Qua luôn đầy ắp niềm vui chen lẫn tiếng cười.

Cũng là “típ thanh niên” năng động “ba trong một”, ngoài giờ dạy chữ, thầy Diệu và thầy Qua thường xuyên tổ chức cho các em học sinh vui chơi giải trí. Lúc thì tổ chức vệ sinh, nhặt rác thải biển; khi thì giúp các chú bộ đội tăng gia trồng rau xanh quanh đảo. Thầy Diệu chia sẻ: “Dạy học ở Trường Sa là khát vọng lớn của em. Cái khác biệt nhất về tâm trạng dạy học ở đây là luôn muốn cống hiến sức lực, trí tuệ cho Tổ quốc”. Còn thầy Nguyễn Công Qua thì cho rằng: “Em đã thỏa mãn ước mơ được gieo chữ nơi tuyến đầu Tổ quốc. Nếu được phép, em nguyện dạy học cả đời ở đảo”.

Trường Sa bây giờ đang là mùa sóng to gió lớn. Mặc cho giông tố cuồng phong, mặc cho nắng nóng và thời tiết khắc nghiệt, ba lớp học ở ba đảo Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn vẫn hoạt động bình thường, những thầy giáo trẻ vẫn miệt mài gieo chữ cho các em học sinh, thực hiện khát vọng “trồng người” ngoài quần đảo bão tố. 

TRẦN MẠNH TUẤN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top