Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Những hiện vật đặc sắc trong dòng chảy trên 2000 năm gốm Việt

Thứ Sáu 19/11/2021 | 13:17 GMT+7

VHO- Chào mừng ngày Di sản Văn hoá Việt Nam 23.11, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Hội Di sản Văn hoá Việt Nam, Sưu tập An Biên tổ chức trưng bày chuyên đề Gốm Việt Nam: Một truyền thống riêng biệt - Nhìn từ Sưu tập An Biên. Trưng bày khai mạc ngày 19.11 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương dự khai mạc.

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương xem các hiện vật tại triển lãm

Tôn vinh gốm Việt

Trưng bày giới thiệu tới công chúng một sưu tập hiện vật gốm men đặc sắc được tuyển chọn từ bộ sưu tập cổ vật An Biên của nhà sưu tập Trần Đình Thăng (Hải Phòng) - sưu tập tư nhân phản ánh khá đầy đủ diện mạo của gốm sứ truyền thống Việt Nam và một số hiện vật của Bảo tàng Lịch sử quốc gia thông qua 4 giai đoạn: Gốm Việt Nam 10 thế kỷ đầu Công nguyên; thế kỷ 11 - 14; thế kỷ 15 - 17 và thế kỷ 18 - 19, tiêu biểu là gốm Bát Tràng.

 TS. Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết, trưng bày là dịp để công chúng trong nước và bạn bè quốc tế có dịp thưởng thức một bộ sưu tập gốm men vô cùng phong phú, hoàn chỉnh, có giá trị mỹ thuật cao, trải dài trên 2.000 năm phát triển của lịch sử đồ gốm men Việt Nam.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Đoàn, trưng bày Gốm Việt Nam: Một truyền thống riêng biệt - Nhìn từ bộ sưu tập An Biên trưng bày một phần nhỏ trong bộ sưu tập chất liệu gốm sứ của Bảo tàng và nhà sưu tập để giới thiệu đến người xem, tôn vinh những tuyệt tác gốm Việt. “Đây đều là những hiện vật tiêu biểu, đặc sắc nhất, đại diện cho các thời đại, thời kỳ, thông qua đó giới thiệu tiến trình lịch sử gốm sứ Việt Nam đã có từ rất lâu đời, với nhiều bước phát triển, gắn liền với các giai đoạn lịch sử, văn hóa nước ta...”, ông Đoàn nhấn mạnh.

Trưng bày giới thiệu đến công chúng gần 80 hiện vật, trong đó có 58 hiện vật thuộc Bộ sưu tập An Biên và 22 hiện vật của Bảo tàng. Ông Nguyễn Quốc Bình, Trưởng phòng trưng bày của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết, ý tưởng ban đầu của BTC là muốn giới thiệu toàn bộ sưu tập gốm của An Biên. 22 hiện vật của Bảo tàng Lịch sử quốc gia là những hiện vật đặc biệt, rất hiếm có, chủ yếu nằm trong giai đoạn suy tàn của gốm Việt. Đó là những tác phẩm gốm sứ Bát Tràng, chuyên phục vụ đình, chùa. miếu mạo... do người Pháp sưu tập trước đây. “Những hiện vật hi hữu, hiếm có này các sưu tập tư nhân hầu như không thể có được. Với mong muốn phản ánh đầy đủ diện mạo truyền thống gốm sứ Việt Nam từ giai đoạn sơ khai, phát triển rực rỡ đến cả giai đoạn suy thoái... nên Ban tổ chức đã kết hợp và giới thiệu 2 bộ sưu tập đến với công chúng”, ông Bình cho biết.

Trưng bày được chia 4 chủ đề để giới thiệu đến công chúng. Theo ông Nguyễn Quốc Bình, tiêu chí lựa chọn hiện vật ở trưng bày là nhằm  giới thiệu đầy đủ các dòng men cũng như kỹ thuật, công nghệ sản xuất gốm sứ Việt Nam chứ không tập trung giới thiệu những hiện vật đơn thuần theo cách nhìn cổ vật với giá trị đắt tiền, to lớn, gây kinh ngạc... Trong bộ sưu tập có 9 hiện vật gốm thời Lý với men trắng, kích thước tuy không lớn, cao 24-25 cm nhưng có thể nói là cực kỳ đặc biệt, hiếm có. Thời Lý chuộng gốm men trắng, ưa chuộng sự giản dị, thanh tao. Đây là bộ sưu tập đặc sắc mà Hội Di sản văn hóa Việt Nam và các chuyên gia đã giúp nhà sưu  tập thành lập bộ hồ sơ đề nghị công nhận là bảo vật quốc gia.

Phản ánh tâm thức, quan niệm về cái đẹp

Ông Nguyễn Quốc Bình chia sẻ: Đồ gốm có lịch sử lâu dài, đánh dấu bước phát triển, tiến bộ của văn minh nhân loại. Đồ gốm ra đời đánh dấu bước tiến vĩ đại đầu tiên của loài người khi đã biết dùng phản ứng hóa học ở nhiệt độ cao để biến đổi vật chất. Ở Việt Nam, đồ gốm đã ra đời cách nay khoảng 7.000- 8.000 năm và cách nay khoảng trên dưới 4.000 năm thì người nguyên thủy ở Việt Nam bước vào thời hậu kỳ đồ đá mới. Đồ gốm ở nước ta cách nay khoảng 4.000 năm đã trở nên rất là phổ biến trong đời sống sinh hoạt của cư dân. Cách ngày nay khoảng 2.000 năm thì Trung Quốc đã phát minh ra việc tráng men cho đồ gốm thì ở nước ta lúc đó các lò gốm cũng đã tiếp cận được kĩ thuật công nghệ mới nhất này.

Sau đó, loài người cũng tiếp tục phát hiện kĩ thuật nung đồ gốm ở nhiệt độ cao và làm ra loại gốm sứ men trắng, men trắng xanh, các lò gốm Việt Nam thế kỷ thứ 5-7 cũng đã nhanh chóng cập nhật được kĩ thuật mới nhất đó. Có thể nói là đồ gốm đã chuyển hẳn từ sơ khai bước vào đời sống văn hóa của con người. Đặc biệt là khoảng sau thế kỷ thứ 10, Việt Nam bước vào thời kỳ xây dựng các nhà nước phong kiến, đồ gốm là ngành nghề thủ công rất quan trọng, đóng góp vào đời sống kinh tế xã hội, nhất là kinh đô Thăng Long. Ngày nay chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều đồ gốm tinh xảo, mang đặc biệt riêng biệt của dân tộc Việt Nam, có thể nói là không thua kém bất kì bất nước nào trên thế giới, nếu không muốn nói là hơn.

Thế kỷ 15-17 là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của gốm sứ Việt Nam, chúng ta đã nắm rất vững, thành thục những kĩ nghệ mới, tiên tiến của sản xuất đồ gốm thời kì bấy giờ. Đã xuất hiện những trung tâm sản xuất gốm rất là lớn như là Chu Đậu (Hải Dương) chuyên để xuất khẩu. Việt Nam cũng trở thành cường quốc xuất khẩu gốm sứ hàng đầu thế giới thời điểm đó...

Cuối thế kỷ 17 đầu thứ kỷ 18, gốm bắt đầu suy tàn vì Châu Âu và Nhật Bản đã nắm bắt được bí quyết làm đồ gốm nên nước ta mất dần thị trường xuất khẩu quan trọng. Rất nhiều trung tâm sản xuất gốm lớn trước đây đã lụi tàn, chỉ có một trường hợp duy nhất là làng gốm Bát Tràng còn tồn tại và duy trì được đến ngày nay nhờ có cách tiếp cận thị trường ngách riêng, chuyên sản xuất gốm sứ đặt hàng phục vụ nhu cầu trùng tu tôn tạo của các đình, chùa, miếu, mạo...

Ông Nguyễn Quốc Bình nhấn mạnh: “Có thể nói không quá rằng, toàn bộ quá trình lịch sử mỹ thuật Việt Nam chủ yếu là chúng ta có thể chứng kiến qua đồ gốm sứ, phản ánh đầy đủ tâm thức, mỹ cảm, thẩm mỹ, quan niệm về cái đẹp. Do đó muốn tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử mỹ thuật Việt Nam thì những người quan tâm cần nghiên cứu đồm gốm sứ...”.

Nhà sưu tập Trần Đình Thăng chia sẻ, ông đã giành rất nhiều tâm sức cho hành trình sưu tập gốm Việt. Có mặt tại trưng bày này là những hiện vật đặc sắc được lựa chọn, với mong muốn đưa đến công chúng cái nhìn tổng thể, toàn diện về những chặng đường phát triển của gốm Việt. Sở dĩ bộ sưu tập của ông Trần Đình Thăng (Hải Phòng) mang tên An Biên là do đây là tên một địa danh cổ ở vùng đất Hải Phòng. Đó là trang An Biên do nữ tướng Lê Chân của Hai Bà Trưng lập ra. Hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, nữ tướng Lê Chân đã cho lập phòng tuyến ngăn địch, trấn giữ vùng biển, đặt tên là “Hải tần phòng thủ” - được coi chính là tên Hải Phòng (rút gọn) ngày nay.

TS. Phạm Quốc Quân nhấn mạnh, bộ sưu tập là tài sản quý. Mỗi hiện vật đều là sự trân quý, là tài sản cha ông để lại. Tuy nhiên, phải nói  rằng, đây là sưu tập có nhiều ấn tượng, ghi dấu sự phát triển của mỗi giai đoạn, mỗi nền tảng của gốm sứ Việt Nam trong lịch sử 2000 năm.

 Trưng bày "Gốm Việt Nam: Một truyền thống riêng biệt- Nhìn từ bộ sưu tập An Biên" sẽ diễn ra từ ngày 19.11.2021 đến tháng 4.2022 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (số 1 Tràng Tiền, Hà Nội).

BẢO NGÂN

 

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top