Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Hội thảo Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo: Xây dựng trường học thực sự là môi trường văn hóa

Thứ Hai 22/11/2021 | 09:41 GMT+7

VHO- Hôm qua 21.11, tại Nhà Quốc hội đã diễn ra Hội thảo Giáo dục Việt Nam năm 2021 với chủ đề Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo. Hội thảo do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT, Bộ VHTTDL đồng tổ chức. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu chỉ đạo.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội thảo

 Dự Hội thảo còn có Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, đại diện các cơ quan của Quốc hội, các Bộ, ngành; đại diện UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo, đại diện các cơ sở giáo dục tham dự trực tiếp và trực tuyến trên toàn quốc…

Để văn hóa học đường nuôi dưỡng nhiều ước mơ, hoài bão

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu: “Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định vai trò quan trọng của văn hóa, “lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”; phục vụ đắc lực cho công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. Tinh thần đó của Nghị quyết càng khẳng định vai trò của nhà trường, của văn hóa học đường trong việc bồi dưỡng, xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam: Vừa có những năng lực, phẩm chất mới, vừa giữ được giá trị văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc”.

Ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, ngày 24.11 sẽ diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Đây là sự kiện chính trị quan trọng nhằm cụ thể hóa mục tiêu phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Hội thảo với chủ đề Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo có ý nghĩa quan trọng, đề cập đến vấn đề mà nhiều học sinh, phụ huynh, nhiều gia đình, đại biểu Quốc hội và nhân dân, dư luận xã hội rất quan tâm.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng các đề án, chương trình, kế hoạch, chỉ thị về tăng cường hoạt động xây dựng văn hóa học đường, hệ giá trị văn hóa trong trường học đáp ứng yêu cầu của thời đại mới. “Tinh thần của Hội thảo cần được lan tỏa, được thảo luận rộng rãi, được cụ thể hóa thành các hành động cụ thể để văn hóa học đường ngày càng hoàn thiện, là nền tảng tư tưởng nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, ý chí, khát vọng của học sinh, sinh viên, phấn đấu học tập và xây dựng Tổ quốc giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc”, ông Trần Thanh Mẫn phát biểu.

 Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy phát biểu tại Hội thảo

Trường học phải là môi trường văn hóa

Tham luận với nội dung “Xây dựng trường học thực sự là môi trường văn hóa theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW về Xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh, môi trường văn hóa có vai trò quan trọng trong việc hình thành và giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống của thế hệ trẻ trong giai đoạn hiện nay. “Văn hóa luôn luôn vận động, biến đổi và chịu sự tác động của điều kiện kinh tế - xã hội, sự điều chỉnh của các chính sách có liên quan. Đồng thời, các thành tố này có mối quan hệ biện chứng với nhau, lấy con người và quan hệ ứng xử văn hóa làm trung tâm, là nhân tố quyết định nội dung, tính chất, bộ mặt của môi trường văn hóa...”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy phát biểu.

Để hiện thực hóa những định hướng xây dựng môi trường văn hóa trong trường học vì sự phát triển văn hóa, con người, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho rằng, việc xây dựng môi trường văn hóa trong trường học cần gắn với nhiều giải pháp cơ bản, trong đó có giải pháp xây dựng bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong trường học; xây dựng quy chế, nội quy hình thành các chuẩn mực về văn hóa đạo đức, hành vi ứng xử, xây dựng môi trường văn hóa học đường lành mạnh; tăng cường hoạt động giáo dục giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống…

Nhiều ý kiến chuyên gia bày tỏ trăn trở đối với vấn đề văn hóa học đường ngày hôm nay. PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng cho rằng, hoạt động giáo dục nói chung và văn hóa học đường nói riêng cho thấy tốc độ phát triển, bước đi và khát vọng của một dân tộc. Ông nhấn mạnh vai trò của nhà quản lý giáo dục, của người thầy trong văn hóa học đường. GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc nhấn mạnh: “Những giá trị cốt lõi, giá trị đích thực cuối cùng của mỗi thiết chế giáo dục chính là những giá trị văn hóa. Thành tích, điểm số… nhiều người đeo đuổi suy cho cùng chỉ là phương tiện”.

Toàn cảnh Hội thảo

Lắng nghe các ý kiến tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, cần thống nhất trong phạm vi văn hóa học đường những định hướng cơ bản, từ đó làm điểm tựa để xây dựng chính sách. Chúng ta có thể coi văn hóa học đường gồm toàn thể các thành tố, hoạt động của trường học cùng các yếu tố có liên quan, nhưng cốt lõi của nó là hệ thống các chuẩn mực, hệ giá trị. Các chuẩn mực bao gồm những quy tắc ứng xử cho cả hoạt động dạy và học, các quan hệ ứng xử… “Văn hóa học đường không phải là cái gì đó đem ở ngoài áp dụng vào trường học mà chính là những điều đang diễn ra tại các nhà trường, người ta đang dùng nó để vận hành nhà trường. Khi đạt đến chuẩn mực thì đó là văn hóa học đường...”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý. Trong văn hóa học đường, hoạt động quan trọng nhất là dạy và học, quan hệ quan trọng nhất là mối quan hệ thầy và trò. Các giá trị khái quát nhất là “chân - thiện - mỹ”. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Điều chúng tôi nghĩ đến, cần hoàn thiện và chỉ đạo thực thi thật tốt, đó là để triển khai được văn hóa học đường, không gì khác là phải khiến cho các cán bộ quản lý, giáo viên, người học có tinh thần quan trọng nhất là tinh thần thực thi pháp luật và sự tuân thủ các nguyên tắc…”.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh khẳng định, những ý tưởng, đề xuất, kiến nghị của đại biểu sẽ được tổng hợp, chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền làm cơ sở cho xây dựng chiến lược, hoạch định chính sách về giáo dục - đào tạo nói chung, văn hóa học đường nói riêng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục - đào tạo, góp phần phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

 

 Khi thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, phải tính đến vai trò vô cùng quan trọng của nhà trường. Nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa trường học phải được đặt lên hàng đầu, là nhiệm vụ trọng tâm, để việc giáo dục và đào tạo học sinh, sinh viên không chỉ có đầy đủ kiến thức, kỹ năng thực hành mà còn cần có lý tưởng cách mạng, đạo đức tốt, lối sống trong sáng để trở thành công dân có trách nhiệm, lao động cần cù, có sức khỏe, có tri thức và sáng tạo.

(Thứ trưởng TRỊNH THỊ THỦY)

 

 

 THỦY ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top