Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Cúc Phương - Kho báu thuở hồng hoang (Bài cuối): Gìn giữ cho muôn đời sau

Thứ Hai 22/11/2021 | 10:07 GMT+7

VHO- Giữa đại ngàn Cúc Phương huyền bí có con sông Bưởi nước quanh năm trong vắt, mang màu xanh trên tấm khăn thổ cẩm của cô gái người Mường. Ai lỡ ngắm nhìn dòng nước ấy một lần cũng đều bị “mê hoặc” và muốn tìm về tận ngọn nguồn những bản làng của cộng đồng bản địa.

 

Cán bộ, chiến sĩ kiểm lâm Trạm Sấm cùng thành viên tổ bảo vệ rừng các thôn đi “tuyến”

 Ở đó, câu chuyện về những thế hệ người Mường chung tay gìn giữ rừng già luôn có sức hấp dẫn như một khúc ca “đặc biệt” của đại ngàn.

Bền vững nhờ cộng đồng

Tôi tìm tới thăm Trạm kiểm lâm Số 2 - Trạm Sấm khi cán bộ, chiến sĩ của trạm đi “tuyến” trở về. Lâu lắm rồi mới lại có khách ghé thăm, Trạm trưởng Bùi Tuấn Anh vui quên cả việc tháo đôi ủng chống vắt. Hướng mắt về phía xa, nơi có những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi còn thơm mùi nước sơn mới, anh sôi nổi kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về rừng, về cuộc sống đồng bào dân tộc Mường - nơi vùng đệm của đại ngàn Cúc Phương, với những tâm huyết gan ruột và say sưa nhất. Qua mỗi lời nói, mỗi cử chỉ của người Trạm trưởng trẻ tuổi ấy, miền rừng này đã là quê hương…

Trạm Sấm nằm gần với khu vực dân cư của thôn Sấm 1, Sấm 2, Sấm 3 và thôn Bãi Cả với dân số gần 220 hộ, trong số đó có 98% là đồng bào dân tộc Mường. Trạm trưởng Bùi Tuấn Anh bảo, rừng đã trở thành nhà, đồng nghiệp trở thành anh em, bà con dân bản là ruột thịt của anh. Quá trình làm nhiệm vụ bảo vệ, quản lý gần 2.000 ha rừng, 5 cán bộ chiến sĩ của trạm luôn nhận được sự giúp đỡ quý báu và kịp thời từ các tổ bảo vệ rừng của bà con trong các thôn bản. Theo đó, mỗi thôn sẽ có 1 tổ, mỗi tổ có từ 4-5 người. Nhiệm vụ của các tổ bảo vệ là phối hợp cùng với lực lượng kiểm lâm tuyên truyền, vận động người dân không xâm hại rừng.

Từ nhiều năm nay, trong mỗi lần đi tuyến của cán bộ chiến sĩ kiểm lâm Vườn quốc gia Cúc Phương luôn có sự góp mặt nhiệt tình của những người dân sinh sống tại các vùng đệm của rừng. Họ đi - về, rồi lại bắt đầu cho một chuyến đi mới, cứ thế tiếp nối, lặng lẽ và cần mẫn. Già bản Đinh Văn Quý hồ hởi: “Từ xa xưa rừng đã là nguồn sống, là cái nôi nuôi dưỡng bản làng người Mường. Bây giờ, cuộc sống đang thay đổi từng ngày, không còn khó khăn như trước thì mọi người bảo nhau không lên rừng kiếm kế sinh nhai nữa. Nhiều phong tục, tập quán của người Mường để bảo vệ rừng cũng đang dần được khôi phục và phát huy trở lại”.

Ông Đinh Văn Hưng, thành viên của Tổ bảo vệ rừng thôn Sấm 2 hồi tưởng: “Trước đây, phần lớn các hộ gia đình trong thôn đều nằm sâu trong rừng, gồm các bản: Bống, Mạc, Ðăn, Ðang, Lá Mền và Ðồng Cơn. Mỗi bản có hơn chục nóc nhà tre, nứa, nép dưới bóng rừng cao lớn. Miếng ăn thì dựa vào săn bắn, hái lượm trên những vạt đồi. Cứ thế, bao thế hệ người Mường đã nương tựa vào rừng, được rừng che chở, cưu mang. Ðến những năm 80 của thế kỷ trước, thực hiện chính sách di dân ra khỏi đại ngàn Cúc Phương, mọi người đã cùng nhau ra vùng đệm để lập thành các bản làng mới như bây giờ. Ra khỏi rừng, tiếp cận với nhiều phương thức sản xuất, sinh hoạt mới nên đời sống của người dân không ngừng được cải thiện”.

Đổi thay bản Mường

Đều đặn mỗi tháng, cán bộ, chiến sĩ kiểm lâm Trạm Sấm lại tổ chức các buổi gặp gỡ, thăm hỏi và tuyên truyền cho dân bản ý thức bảo vệ rừng. Nắm bắt và thấu hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người dân, kiểm lâm viên Nguyễn Bá Lâm luôn trăn trở: “Khi cái đói, cái nghèo không còn bủa vây thì chắc chắn họ sẽ không nghĩ tới chuyện lên rừng để kiếm kế sinh nhai nữa”. Nghĩ là làm, cán bộ chiến sĩ kiểm lâm của Trạm bắt tay ngay vào việc hướng dẫn đồng bào lao động, sản xuất để phát triển kinh tế.

Khi được mục sở thị mô hình nuôi ong mật của Trưởng thôn Sấm 2 Đinh Quang Lâm, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi nghe ông chia sẻ: “Với 130 thùng nuôi ong, mỗi năm gia đình tôi thu khoảng 1.200 lít mật, giá bán dao động từ 200-250 ngàn đồng/lít đã đem lại thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng”. Ngắm nhìn cơ ngơi khang trang của gia đình ông, tôi tin và thầm cảm phục vì đồng bào Mường là thế, họ chỉ “khoe” những thứ đã làm được, đã có sẵn trong hai bàn tay lam làm chứ không nhìn gió nói mây.

Ngày hôm nay, cuộc sống ở Cúc Phương đã đổi thay nhiều. Những con đường dẫn vào từng thôn, bản đều đã được đổ bê tông. Nương ngô, nương mía trải dài, xanh mươn mướt. Xã Cúc Phương đã có nhiều trang trại nuôi hươu, nuôi dê, nuôi ong, nhiều hộ gia đình đã trở thành triệu phú, cuộc sống sung túc. Ít ai biết, để có được những kết quả đó, đằng đẵng nhiều năm trời, cán bộ, chiến sĩ kiểm lâm Trạm Sấm đã phải lặn lội đến từng thôn bản, “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn đồng bào từng ly từng tí. Bây giờ mỗi lần gặp kiểm lâm, người dân lại phấn khởi: “Có cái no rồi thì nhất định không vào rừng như xưa nữa”.

Đã hơn nửa thế kỷ từ ngày Vườn quốc gia Cúc Phương được thành lập, mặc dù nằm lọt giữa một vùng đồng bằng với hàng vạn dân sinh sống xung quanh, nhưng đại ngàn diệu kỳ và huyền bí ấy vẫn vẹn nguyên một màu xanh trùng điệp. Chúng tôi biết rằng ở đó vẫn luôn có sự hiện diện của lực lượng kiểm lâm và một bộ phận cư dân bản địa kiên gan giữ rừng, chung tay gìn giữ “báu vật” mà thiên nhiên ban tặng cho thế hệ mai sau. 

VŨ MỪNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top