Cần ưu tiên phát triển​​​​​​​ du lịch tuần hoàn

VHO- Khôi phục và phát triển du lịch Việt Nam theo hướng kinh tế tuần hoàn đang được đặt ra như một nhu cầu bức thiết sau cơn sóng gió Covid-19. Hiệp hội Du lịch Việt Nam vừa tổ chức hội thảo tham vấn về vấn đề này nhằm chia sẻ, hình thành ý tưởng và xây dựng kế hoạch hành động chuyển đổi du lịch tuần hoàn ở Việt Nam.

Cần ưu tiên phát triển​​​​​​​ du lịch tuần hoàn - Anh 1

 Khách du lịch rất ấn tượng vì trên du thuyền Heritage Bình Chuẩn (Lux Group) không có rác thải nhựa, các sản phẩm được làm từ nguyên vật liệu thân thiện môi trường

Cơ hội mang lại lợi ích cho ngành Du lịch Việt Nam

Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng: “Trong đại dịch Covid-19, mọi người trên thế giới nhận thức và đánh giá lại giá trị của thiên nhiên và tầm quan trọng của việc quan tâm đến môi trường. Điều này góp phần tạo ra một yêu cầu mới đối với các Chính phủ và khu vực tư nhân về hành động bền vững để có thể đảm bảo một tương lai bền vững cho các thế hệ tương lai. Thế giới đảo lộn vì đại dịch Covid-19 nhưng cũng tạo ra những cơ hội để tái thiết lại các nền kinh tế, xây dựng lại các doanh nghiệp một cách bền vững hậu Covid-19”.

Tuy nhiên, làm thế nào để các bên liên quan trong ngành Du lịch ở Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này là câu hỏi cần có lời giải đáp. Trực tiếp nhất để giải quyết những vấn đề nêu trên là những người định hướng phát triển ngành Du lịch và những đơn vị liên quan trong chuỗi giá trị du lịch. Hiện nay, kinh tế tuần hoàn ngày càng được quan tâm nhiều hơn trên thế giới. Ủy ban châu Âu đã tiến hành một nghiên cứu và ước tính rằng, việc chuyển sang mô hình kinh tế tuần hoàn có thể đồng nghĩa với việc mang lại mức tiết kiệm ròng 600 tỉ euro cho các doanh nghiệp EU và tạo thêm 170.000 việc làm vào năm 2035. Kinh tế tuần hoàn có thể giải quyết các vấn đề lãng phí tài nguyên, chất thải nhựa trong đại dương, khí thải nhà kính và chất thải thực phẩm.

“Để tiếp tục nỗ lực phục hồi hoạt động du lịch và hướng đến phát triển du lịch tuần hoàn ở Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã làm việc với một số tổ chức quốc tế nhằm huy động các nguồn lực và kinh nghiệm quốc tế. Tổ chức TUI Care Foundation (do Công ty lữ hành TUI thành lập) và Trung tâm Tiêu dùng và sản xuất bền vững (CSCP) của Đức sẽ hỗ trợ kỹ thuật, thực hiện dự án thí điểm du lịch tuần hoàn tại một số điểm đến ở Việt Nam”, ông Vũ Thế Bình cho biết. Cũng theo ông Bình, dự án thí điểm “Thực hiện tuần hoàn- Chuyển đổi ngành Du lịch ở Việt Nam” là cách tiếp cận nền kinh tế tuần hoàn và qua đó chứng minh những lợi ích có thể mang lại. Đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, việc phục hồi kinh tế địa phương là rất quan trọng để đảm bảo sự sống còn của ngành Du lịch.

Thí điểm ở những điểm đến cụ thể

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) cho biết, trong thời gian trước mắt, ưu tiên số 1 là duy trì khả năng tồn tại với việc tăng cường kiểm soát chi phí, đàm phán với các đối tác, mở rộng lĩnh vực kinh doanh để đa dạng nguồn thu, tìm hiểu mô hình kinh doanh mới. Tương lai lâu dài sẽ thực hiện chuyển đổi số, đầu tư sản phẩm phù hợp, đảm bảo nhân sự cốt cán, tìm kiếm, liên kết với các đối tác mới. Đưa ra các sáng kiến, khuyến nghị phù hợp để đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch Việt Nam trong trạng thái bình thường mới.

Hiện nay, Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch hành động trong lĩnh vực du lịch để thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xây dựng, ban hành quy định và hướng dẫn áp dụng một số mô hình kinh tế mới trong lĩnh vực du lịch như: Kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, kinh tế tuần hoàn; tiêu chuẩn, quy định quản lý đối với kinh doanh loại hình du lịch chăm sóc sức khoẻ, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch mạo hiểm và một số loại hình du lịch mới.

Ông Nguyễn Hoàng Nam, chuyên gia tư vấn, Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT) cho biết: “Dự án mong muốn tìm được các mô hình du lịch tuần hoàn phù hợp nhất với hoàn cảnh các địa phương, làm sao để kinh tế tuần hoàn có thể phát triển mạnh mẽ cùng sự phát triển của ngành Du lịch. Với việc tập trung thực hiện thí điểm ở Huế, dự án sẽ xây dựng năng lực cho cộng đồng địa phương; tìm những nhân tố có khát vọng truyền cảm hứng cho người dân địa phương làm du lịch; đào tạo, tập huấn về kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; chỉ rõ hoạt động cụ thể nào cần phải làm, mối liên kết của kinh tế tuần hoàn và ngành Du lịch...”.

Nêu bật ý nghĩa của kinh tế tuần hoàn trong du lịch như một con đường hướng tới sự chống chịu và phục hồi kinh tế sau đại dịch, xu hướng chung của nhiều quốc gia trên thế giới, ông Andreas Vermohlen, đại diện TUI Care Foundation cho biết: “Quỹ TUI Care thậm chí còn muốn qua các mô hình du lịch tuần hoàn tạo ra điểm đến duy nhất trên toàn cầu với sự khác biệt và hướng đến tương lai bền vững ở Việt Nam”.

Ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group dẫn ra ví dụ công ty ông hiện nay có các du thuyền đang hoạt động trên 3 vịnh đẹp nhất Việt Nam là Hạ Long, Lan Hạ và Nha Trang. Trên các du thuyền không tìm thấy bất kỳ rác thải nhựa nào và điều đó để lại ấn tượng cực kỳ mạnh mẽ với du khách trong và ngoài nước. Từ góc độ doanh nghiệp, ông Hà cho rằng, du lịch bền vững và có trách nhiệm cần dựa vào sáu trụ cột chính là: Bảo vệ nguồn môi trường sinh thái tự nhiên, trách nhiệm văn hoá xã hội, tạo việc làm tốt cho người dân địa phương, góp phần phát triển kinh tế, khách hàng thoả mãn, doanh nghiệp có lợi nhuận. 

 THÚY HÀ

Ý kiến bạn đọc