Thu hẹp khoảng cách về lương hưu giữa nam và nữ

VHO- Từ năm 2013, khoảng cách giá trị lương hưu trung bình giữa nam và nữ tại Việt Nam đã bị nới rộng khi tăng từ 14% lên gần 20% (2019). Qua đó cho thấy nhu cầu cấp thiết phải áp dụng các chính sách tăng cường bình đẳng giới thông qua BHXH.

Thu hẹp khoảng cách về lương hưu giữa nam và nữ - Anh 1

 Tỷ lệ phụ nữ có lương hưu thấp hơn nhiều so với nam giới Ảnh: LÊ VÂN

Đây là kết quả nghiên cứu của Tổ chức lao động quốc tế ILO nhằm khuyến nghị chính sách tăng cường bình đẳng giới trong chế độ hưu trí BHXH tại Việt Nam. Nghiên cứu chỉ ra rằng, theo Luật BHXH năm 2014, người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu khi tham gia đóng tối thiểu 20 năm. Điều đó khiến phụ nữ gặp khó khăn hơn nam giới bởi họ phải chăm sóc con cái và gia đình, vì vậy, đa phần người rút BHXH một lần là phụ nữ. Chỉ có 16% phụ nữ độ tuổi từ 65 trở lên được hưởng lương hưu BHXH so với 27,3% nam giới.

Để giải quyết vấn đề này, Nghị quyết số 28- NQ/TƯ đề xuất giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm (2024) và hướng tới mục tiêu 10 năm. Tuy nhiên, với chính sách này thì người hưởng lợi chỉ là số ít NLĐ gần tới tuổi nghỉ hưu. Do vậy, các quy định chỉ giúp đồng bộ điều kiện hưởng liên quan đến lộ trình công việc của phụ nữ với nam giới, chứ chưa phải là giải pháp đầy đủ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam còn thiếu các dịch vụ chăm sóc trẻ nhỏ, phụ nữ - đặc biệt là lao động trong các ngành công nghiệp - phải nghỉ việc để chăm con sau thời gian thai sản theo chế độ, thì việc ghi nhận quãng thời gian này có thể là động lực khuyến khích phụ nữ tiếp tục tham gia BHXH để được hưởng lương hưu. Việc ghi nhận này có thể trả bằng cách cộng thêm 1 khoản vào số tiền hưu trí của phụ nữ, hoặc có nhiều cách thiết kế khác nhau. Theo ước tính của ILO, với kịch bản cao nhất là ghi nhận 18 tháng chăm sóc con nhỏ, lương hưu của phụ nữ tại Việt Nam có thể được cải thiện 8,3% và gần như xóa bỏ khoảng cách giới về mức lương hưu tại khu vực tư nhân.

Luật BHXH sửa đổi cần hướng tới cải thiện bình đẳng giới, thể hiện ở việc hình thành chế độ gia đình trẻ em đa tầng, quy đổi thời gian chăm sóc trẻ em. Khi đó, ở tầng 1, hỗ trợ đối tượng chưa đủ khả năng đóng BHXH mức 140.000 đồng/trẻ/tháng; tầng 2 trợ cấp ở mức cao hơn dành cho đối tượng đóng BHXH bắt buộc, hoặc BHXH tự nguyện ở mức 350.000 đồng/trẻ/tháng. Việc trợ cấp trẻ em để giảm áp lực tài chính cho những người lao động có nhu cầu trang trải các khoản chi phí, để họ không phải dùng đến số tiền hưởng BHXH một lần. “Một số chính sách nhất định có thể đạt được kết quả, giảm khoảng cách giới trong hệ thống BHXH tốt hơn những chính sách khác. Việc quy đổi thời gian chăm sóc con nhỏ sẽ giúp bảo vệ tốt hơn các quyền lợi kinh tế của lao động nữ khi về già thông qua bù đắp thời gian dừng đóng BHXH do phải chăm sóc con nhỏ sau thời kỳ nghỉ thai sản”, ông Nguyễn Hải Đạt (chuyên gia của ILO tại Việt Nam) nhận định.

Báo cáo Để BHXH phù hợp với cuộc sống của phụ nữ: Đánh giá tác động giới tại Việt Nam được ILO thực hiện năm 2021 khẳng định: Việc cải cách Luật BHXH 2014 có thể là cơ hội để lồng ghép chế độ hưu trí xã hội hiện nay vào Luật và mở rộng diện bao phủ BHXH toàn dân. Điều quan trọng là cần luật hóa quy định hưu trí xã hội, bao gồm các quy định cụ thể về điều kiện hưởng, mức hưởng và nguồn tài chính; cần đảm bảo ở mức độ thỏa đáng để tránh tình trạng nghèo, đồng thời đảm bảo tiêu chuẩn sống cơ bản, phù hợp với các nhu cầu chi tiêu của người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ. 

 PHƯƠNG DUNG

Ý kiến bạn đọc