Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Bảo tồn văn hóa là “chìa khóa” mở cánh cửa du lịch

Thứ Tư 29/12/2021 | 11:24 GMT+7

VHO- Nằm trong chuỗi các hoạt động của Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ III năm 2021, Tổng cục Du lịch Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu vừa tổ chức Tọa đàm Đánh giá sản phẩm, dịch vụ du lịch tuyến Tam Đường - TP Lai Châu - Phong Thổ (Lai Châu).

 Đồng bào Dân tộc Mông tỉnh Lai Châu trình diễn giã bánh giầy truyền thống

Nhiều năm trước đây, Lai Châu thường được biết đến với những cheo leo, dữ dội của núi dựng, rừng thiêng, dốc đá..., lặng lẽ ẩn mình giữa hai trung tâm du lịch nổi tiếng là Sa Pa (Lào Cai) và Điện Biên Phủ (Điện Biên). Thế nhưng hôm nay, ai đó đã từng một lần vượt núi, vượt mây để đến với miền đất “ven trời” Tây Bắc này, chắc hẳn không thể nào ngưng thương nhớ Ô Quy Hồ hùng vĩ, Pu Si Lung hoang sơ, Pu Ta Leng kỳ bí; bản Sin Suối Hồ, bản Mường So, bản Sì Thâu Chải thơ mộng; quần thể hang động Pu Sam Cáp hay những món ăn pa pỉnh tộp, rêu đá nướng, cá bống vùi tro… mang hương vị không riêng có, không giống bất kỳ một vùng miền nào. Đó chính là cơ sở then chốt để Lai Châu phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm.

Hiện tại, sự hình thành hệ thống cơ sở vật chất tiện nghi, chất lượng cao tại nhiều địa điểm trên khắp địa bàn tỉnh đã mang đến diện mạo mới về năng lực cung ứng sản phẩm du lịch cho mảnh đất gió núi, mây ngàn. Chỉ tính riêng giai đoạn 2016-2020, du lịch Lai Châu đã đưa vào khai thác 16 địa điểm; 300 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch (trong đó: 128 cơ sở với 2.099 buồng phòng); lượng khách năm sau cao hơn năm trước, doanh thu từ hoạt động du lịch tăng bình quân 18%/năm.

Tuy nhiên, sự đa dạng về chất lượng sản phẩm du lịch nói chung cũng như sự sẵn sàng của các dịch vụ liên quan chưa thật sự phát triển tương xứng với tiềm năng và nhu cầu phát triển của địa phương. Tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải trăn trở: “Kết quả đạt được của du lịch tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có; Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch còn thấp so với cả nước; thiếu sản phẩm, dịch vụ du lịch cao cấp: Công tác quảng bá, xúc tiến thiếu chuyên nghiệp, chưa thu hút được thị trường khách du lịch có mức chi trả cao, hình ảnh du lịch của Lai Châu chưa đến được với thị trường khách quốc tế...”.

Trước thực tế này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành TP Thanh Hóa Nguyễn Hồng Dương gợi ý: “Du lịch Lai Châu đang trên đà phát triển mạnh mẽ, đây là thời điểm vàng để quy hoạch các tuyến du lịch; Trong quá trình đó, không nên vì sự khó khăn của hạ tầng, cơ sở vật chất mà bỏ quên những địa điểm giàu tiềm năng phát triển du lịch như: Rừng chè cổ Tân Uyên; con đường đá độc đáo do người Pháp xây dựng nối liền bản Sin Suối Hồ tới Bát Sát (Lào Cai)…

Giám đốc Công ty du lịch Hoàng Gia Lai Châu Nguyễn Văn Hùng khẳng định: “Một môi trường du lịch thân thiện cần được tạo dựng dựa trên những chính sách thông thoáng về thủ tục tham quan, tạo động lực thu hút du khách; dựa trên việc bảo đảm môi trường cảnh quan xanh, sạch đẹp với những quy chuẩn về vệ sinh, an toàn thực phẩm; và đặc biệt là dựa trên ý thức, cung cách cung cấp dịch vụ của đội ngũ làm du lịch cũng như cộng đồng địa phương”. Điều này đang được Lai Châu làm rất tốt.

Là miền đất quy tụ sự sinh sống của cộng đồng 20 dân tộc anh em, nhiều ý kiến đề nghị tỉnh Lai Châu cần đặc biệt quan tâm tới vấn đề quy hoạch phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc các dân tộc. Đại diện Công ty Du lịch TransViet Hà Nội Trương Thị Thanh Bình mong muốn: “Với 13 điểm du lịch cộng đồng là các bản làng của đồng bào DTTS, chính quyền địa phương cần tiếp tục thực hiện khảo cứu, sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vùng DTTS từ văn học, văn nghệ, trò chơi dân gian đến phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống... Công tác bảo tồn văn hoá các DTTS không chỉ phát huy những giá trị di sản văn hoá truyền thống mà còn tăng cường xây dựng đời sống văn hoá, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hoá cho đồng bào các DTTS. Đây cũng chính là chiếc “chìa khóa” mở toang cánh cửa hút khách du lịch quốc tế”.

Trao đổi với Văn Hóa, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch Việt Nam) Nguyễn Đạo Dũng khẳng định: “Những ý kiến góp ý, chia sẻ từ các chuyên gia trong ngành du lịch tại tọa đàm sẽ góp phần nâng cao toàn diện chất lượng và hiệu quả của du lịch Lai Châu. Thông qua đó, các cơ quan quản lý hiểu hơn về những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đối mặt khi khai thác, phát triển sản phẩm du lịch. Đồng thời, giúp cho ngành “công nghiệp không khói” của Lai Châu phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới”. 

 VŨ MỪNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top