Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Cần xem xét thành lập Hội đồng phục hồi du lịch

Thứ Tư 29/12/2021 | 11:37 GMT+7

VHO- Trong thời gian qua, ngành Du lịch đã có những bước phát triển mạnh mẽ với nhiều thành tựu đáng khích lệ nhưng vẫn chưa tương xứng với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19. Bên cạnh đó, du lịch lại là một trong những ngành chịu nhiều tác động và ảnh hưởng lớn nhất.

Cần sớm sơ kết Kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế tới Việt Nam và nhân rộng mô hình, thúc đẩy mở cửa quốc tế

Vì thế cần có những giải pháp cấp bách, dài hạn để du lịch phục hồi và phát triển trong bối cảnh mới.

Hệ số lan tỏa của du lịch đến nền kinh tế Việt Nam còn thấp

Ngành Du lịch vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại cần sớm vượt qua để Việt Nam có thể đứng trong nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới vào năm 2030 như mục tiêu đã đề ra.

Những điểm nghẽn phát triển của ngành cần được phân tích, đánh giá và nhận diện cùng các nguyên nhân khách quan và chủ quan của bất cập trong ngành Du lịch. Mặc dù ngành Du lịch đạt được nhiều kết quả tích cực trong thời gian qua, nhưng vẫn chưa khai thác được nhiều tiềm năng và lợi thế, đặc biệt khi so sánh với khu vực như Malaysia, Thái Lan, Singapore. Không chỉ thua kém về quy mô, cơ cấu khách quốc tế đến du lịch, Việt Nam còn chưa đa dạng, chưa có được các nguồn khách chất lượng, chi tiêu nhiều như châu Âu, Mỹ. Cụ thể khi so sánh với Thái Lan, tỉ trọng khách du lịch quốc tế châu Á chỉ 61%, trong khi Việt Nam lên tới 72,6%; còn tỉ trọng khách du lịch từ châu Âu với khả năng chi tiêu cao và lưu trú dài ngày vào Thái Lan lên tới 31,4%, trong khi tỉ trọng này tại Việt Nam lại khá thấp chỉ đạt 18%.

Hệ số lan tỏa của du lịch đến nền kinh tế Việt Nam cũng thấp hơn so với bình quân khu vực và thế giới. Theo tính toán của Hội đồng Du lịch thế giới (WTTC), năm 2017 mỗi 1 USD chi tiêu của khách du lịch tại Việt Nam sẽ tạo ra thêm 0,6 USD thu nhập cho phần còn lại của nền kinh tế thông qua gia tăng nhu cầu gián tiếp của các ngành kinh tế liên kết với du lịch và chi tiêu từ thu nhập tăng thêm của những người lao động trong ngành Du lịch. Tương tự hệ số lan tỏa chi tiêu du lịch đến việc làm của Việt Nam vào khoảng 1,7 lần, thấp hơn khu vực và thế giới lần lượt là 2,5 và 2,6 lần. Điều này hàm ý sự cần thiết phải nâng cao hiệu quả mối liên kết giữa ngành Du lịch với các ngành kinh tế - xã hội khác, để mức độ lan tỏa, tác động gián tiếp của ngành Du lịch được phát huy tốt hơn, bền vững hơn.

Những bất cập trên đã có những ảnh hưởng, là một trong những nguyên nhân dẫn đến chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam còn thấp. Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), chi tiêu bình quân của 1 khách du lịch nước ngoài tại Việt Nam chỉ là 930 USD năm 2018, trong khi con số này của các nước trong khu vực cao hơn khá nhiều như tại Trung Quốc là 1.023 USD, Indonesia là 1.225 USD, Philippines là 1.252 USD, Singapore là 1.618 USD và Thái Lan là 1.695 USD. Theo chúng tôi, nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng nói trên, thứ nhất là ngành Du lịch sử dụng hạ tầng chung với các ngành kinh tế khác, trong khi những tồn tại, hạn chế về cơ sở hạ tầng là những vấn đề lớn, phức tạp đòi hỏi nhiều ngành lĩnh vực tham gia, đặc biệt là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước để có thể ưu tiên huy động nguồn lực xây dựng và hoàn thiện hạ tầng cơ sở.

Thứ hai, ngành Du lịch có mối liên kết qua lại đến nhiều ngành kinh tế, địa phương và cơ quan quản lý khác nhau từ khâu hải quan, xuất nhập cảnh, giao thông, y tế, giáo dục, lưu trú, ăn uống, bất động sản du lịch và nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất, thương mại, dịch vụ đan xen. Trong khi lực lượng quản lý du lịch còn mỏng, trình độ năng lực còn hạn chế, chưa có tổ chức quản lý phát triển liên ngành để gia tăng phối hợp triển khai hiệu quả. Thứ ba, nguồn vốn đầu tư cho phát triển du lịch, đặc biệt là nguồn vốn phát triển hạ tầng du lịch vẫn chưa được quan tâm tương xứng với nhu cầu phát triển của ngành kinh tế mũi nhọn, trong khi việc huy động và quản lý nguồn vốn, dự án lại thuộc trách nhiệm của các cấp, địa phương khác nhau.

Đại dịch Covid-19 gây ra khủng hoảng y tế, dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu và rất nhiều khó khăn cho kinh tế - xã hội Việt Nam, trong đó ngành Du lịch là lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất. Nguyên nhân chủ quan, chúng tôi cho rằng, công tác quản lý, phát triển ngành Du lịch chưa nhiều các báo cáo phân tích, đánh giá thực chất những tồn tại, hạn chế ngành. Ngành Du lịch chỉ tập trung nguồn lực để phát triển về quy mô như lượt khách du lịch chứ chưa quan tâm đến vấn đề về cơ cấu và chất lượng khách, từ đó thiếu giải pháp khắc phục để hoàn thiện và phát triển bền vững…

Thay đổi trước hết từ nội tại ngành Du lịch

Để có thể khắc phục được những hạn chế và phát triển ngành Du lịch trong thời gian tới, cần sự đồng lòng vào cuộc mạnh mẽ của toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, các Bộ, ban ngành chức năng và cuối cùng đặc biệt là chính ngành Du lịch. Các giải pháp cần nghiên cứu, xây dựng theo hai bước, trong đó ngắn hạn nên tập trung cho quá trình phục hồi sau đại dịch và dài hạn tập trung cho các giải pháp khắc phục các tồn tại hạn chế và phát triển ổn định, bền vững.

Trong ngắn hạn, nhiệm vụ chính của ngành Du lịch nên tập trung vào công tác khắc phục hậu quả và phục hồi du lịch trong và sau đại dịch. Khuyến khích phục hồi du lịch nội địa trước ngay dịp Tết và đầu năm 2022 và có lộ trình mở cửa du lịch quốc tế an toàn, có thỏa thuận mở cửa biên giới với các quốc gia có tỉ lệ lây nhiễm thấp, nghiên cứu áp dụng các mô hình như “Bong bóng du lịch”, “Làn xanh du lịch”; xem xét mở cửa đường bay quốc tế hai chiều đi - đến các điểm, quốc gia an toàn trong điều kiện cho phép. Cần sớm sơ kết chương trình mở của du lịch của Phú Quốc, Hội An, Khánh Hòa…, để rút kinh nghiệm và nhân rộng.

Triển khai chứng nhận “hộ chiếu vắc xin” là chìa khóa để đưa xã hội trở lại trạng thái bình thường mới. Chứng nhận vắc xin sẽ được xem xét cấp cho các đối tượng đã tiêm phòng đầy đủ và cho phép họ tham gia các hoạt động cộng đồng, từ đó giúp các địa điểm, khu du lịch trở nên an toàn cho người dân và khách du lịch. Quá trình áp dụng hộ chiếu vắc xin nên thực hiện theo từng bước và gắn với số hóa.

Đề nghị Chính phủ nghiên cứu áp dụng chính sách an sinh xã hội theo hướng hỗ trợ tiền thuê nhà, đào tạo kỹ năng trong bối cảnh mới để thu hút lao động du lịch trở lại làm việc. Doanh nghiệp cần xây dựng và công bố các kế hoạch dự phòng, các cam kết, chính sách hỗ trợ, sử dụng lao động, chính sách, điều kiện làm việc an toàn, bảo đảm sức khỏe cho người lao động khi dịch bệnh diễn biến phức tạp theo từng cấp độ để người lao động không lo ngại trước các vấn đề rủi ro bất thường, yên tâm làm việc. Tiếp tục triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động ngành Du lịch phục hồi và thích ứng tình hình mới: Chính phủ chỉ đạo khẩn trương tiếp tục thực hiện các gói hỗ trợ hiện tại, tháo gỡ nhanh chóng những vướng mắc trong quá trình triển khai, thúc đẩy nhanh quá trình tiêm vắc xin để tăng độ phủ vắc xin trong nước, đặc biệt là các khu, điểm du lịch và các thành phố lớn.

Triển khai đồng bộ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023, trong đó cần quan tâm ưu tiên cụ thể hơn đối với ngành Du lịch và các lĩnh vực liên quan. Để quá trình phục hồi và phát triển bền vững, ngành Du lịch có thể xem xét thành lập Hội đồng phục hồi du lịch, chuẩn bị các kế hoạch dự phòng khủng hoảng để chủ động cách ứng phó khi xuất hiện các diễn biến phức tạp, bất ngờ. 

 Chuyên gia cao cấp CẤN VĂN LỰC

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top