Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Viện Bảo tồn di tích kỷ niệm nửa thế kỷ thành lập

Thứ Năm 30/12/2021 | 12:05 GMT+7

VHO-  Lễ Kỷ niệm 50 năm thành lập đã được Viện Bảo tồn di tích  tổ chức trang trọng vào sáng 30.12.2021 tại Hà Nội.  Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương dự buổi lễ và trao tặng Bằng khen của Bộ VHTTDL cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương phát biểu tại lễ kỷ niệm

Ngay từ cuối năm 1964, nhận thức được vai trò, tầm quan trọng công tác tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa và phục chế cổ vật, Bộ Văn hóa đã thành lập Phòng Tu sửa và phục chế (sau đó được đổi thành Xưởng tu sửa, phục chế) thuộc Vụ Bảo tồn, bảo tàng.

Sau 6 năm hoạt động, ngày 7.4.1971 Xưởng tu sửa và phục chế đã chính thức trở thành một đơn vị độc lập, là tiền thân của Viện Bảo tồn di tích ngày nay. Qua nhiều lần đổi tên thành Xưởng bảo quản và tu sửa di tích năm 1978 trực thuộc Bộ VHTT, Trung tâm Bảo quản Tu bổ di tích Trung ương năm 1986, Trung tâm Thiết kế Bảo quản Tu bổ công trình văn hóa năm 1988, Trung tâm thiết kế và tu bổ di tích năm 1995 rồi Viện Bảo tồn di tích năm 2003, trở thành một Viện nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực bảo tồn và trùng tu khoa học di tích.

Nhằm đáp ứng nhu cầu về công tác nghiên cứu và hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn di tích, năm 2003,  Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL) đã quyết định thành lập Viện Bảo tồn di tích. Sự ra đời của Viện là một bước nâng tầm vị thế công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực bảo tồn di tích, bảo đảm vừa củng cố khả năng nghiên cứu xây dựng luận cứ khoa học về bảo tồn di tích; vừa đóng góp vào hoạt động thực thi bảo tồn di tích, đào tạo và phổ biến kiến thức trong lĩnh vực bảo tồn di tích; đề xuất các tiêu chuẩn, quy phạm, định mức kinh tế-kỹ thuật, quy trình công nghệ và kỹ thuật bảo tồn di tích; xây dựng và lưu trữ hồ sơ khoa học về di tích và công tác bảo tồn di tích; thiết lập ngân hàng dữ liệu khoa học về hệ thống di tích toàn quốc phục vụ công tác bảo tồn, trùng tu di tích.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương trao Bằng khen của Bộ VHTTDL cho các tập thể có thành tích xuất sắc thuộc Viện Bảo tồn di tích

“50 năm qua, chúng ta- những thế hệ tiếp nối nhau của Viện đã cùng chung tay góp sức tạo lập nên sự nghiệp nửa thế kỷ thực hiện sứ mệnh gìn giữ, bảo vệ di sản văn hóa của dân tộc với những dấu ấn, đạt được những thành tựu đầy tự hào”, Q. Viện trưởng Đặng Khánh Ngọc phát biểu.

Gửi lời chúc mừng tới tập thể công chức, viên chức, người lao động các thế hệ của Viện Bảo tồn di tích, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, trải qua nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành, Viện Bảo tồn di tích đã không ngừng phấn đấu, phát huy truyền thống sáng tạo, nỗi lực vượt qua khó khăn, làm tròn sứ mệnh gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản vô cùng quý giá của dân tộc. “50 năm qua, dù mang nhiều tên gọi khác nhau, nhưng công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của đất nước vẫn là sợi chỉ xuyên suốt và không thay đổi trong chức năng, nhiệm vụ của Viện. Hàng nghìn công trình văn hóa đã được trùng tu, bảo tồn, hàng trăm bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác trùng tu di tích đã được thực thi và đúc kết, trở thành những bài học quý giá, góp phần khẳng định vị trí, thương hiệu của Viện Bảo tồn di tích trong công tác bảo tồn di sản văn hóa ở nước ta...”, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương khẳng định.

Nhìn lại nửa thế kỷ đã qua, Thứ trưởng nhấn mạnh, quá trình phát triển của Viện Bảo tồn di tích gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển ngành bảo tồn di tích của Việt Nam. Khi Xưởng Tu sửa phục chế được thành lập và hoạt động, cũng là lần đầu tiên nước ta tu bổ một di tích kiến trúc có giá trị là Tháp Bình Sơn ở Vĩnh Phú (năm 1972) theo bài bản khoa học.

Trong suốt 50 năm xây dựng và trưởng thành, Viện Bảo tồn di tích đã tạo dựng được sự tín nhiệm và uy tín chuyên môn trong cả nước, luôn luôn được giao đảm nhiệm những công trình trùng tu tôn tạo quan trọng bậc nhất của quốc gia như đền Hùng, đình Tây Đằng, đình Chu Quyến, chùa Dâu, chùa Bút Tháp, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Khu đền tháp Mỹ Sơn, đô thị cổ Hội An… Đặc biệt, Viện Bảo tồn di tích đã được Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch giao thực hiện Quản lý dự án “Tu bổ, nâng cấp Nhà hát Lớn Hà Nội” - Một dự án đặc biệt quan trọng, được đánh giá cao sau khi hoàn thành, xứng tầm với vai trò là một trung tâm văn hóa tiêu biểu không chỉ của Hà Nội mà còn của cả nước.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương trao Bằng khen của Bộ VHTTDL cho các cá nhân có thành tích xuất sắc thuộc Viện Bảo tồn di tích

Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của Viện, ở cấp Bộ, cấp nhà nước hay chương trình hợp tác quốc tế đều trở thành những luận cứ khoa học, làm cơ sở hoạch định chiến lược chính sách phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực di sản văn hóa. Ngoài ra, Viện Bảo tồn di tích còn thực hiện công tác đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực về bảo tồn di tích, xây dựng ngân hàng dữ liệu số về di tích và công tác bảo tồn di tích tại Việt Nam, xuất bản các ấn phẩm về di tích và công tác bảo tồn di tích…

“Kỷ niệm 50 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Viện Bảo tồn di tích có quyền tự hào bởi những thành tích to lớn đóng góp vào sự phát triển của ngành bảo tồn di tích ở Việt Nam. Đây cũng là dịp để các thế hệ công chức, viên chức, người lao động của Viện Bảo tồn di tích cùng nhau ôn lại, trân trọng những thành tựu đã đạt được, để chung tay góp sức đưa Viện tiếp tục phát triển trên chặng đường mới...”, theo Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương.

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương trao kỷ niệm chương của Bộ VHTTDL cho các cá nhân thuộc Viện Bảo tồn di tích

Lãnh đạo Bộ lưu ý, trong xu hướng hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng, với nhiều thuận lợi và cũng không ít khó khăn, thách thức, để tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được,  cán bộ, viên chức trong Viện cần không ngừng nỗ lực, sáng tạo, luôn luôn bám sát nhiệm vụ được giao, xác định được mục tiêu và hướng đi đúng, nhanh chóng tiếp cận với những vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn để nâng cao hiệu quả và chất lượng các nhiệm vụ đã đề ra, thực hiện tốt phương châm hoạt động của Viện Bảo tồn di tích là: Xây dựng một đội ngũ chuyên nghiệp có năng lực và tận tâm với nghề, thực hiện các công việc với chất lượng cao, góp phần tích cực và hiệu quả vào công cuộc bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc.

Năm 2021 đánh dấu chặng đường tròn 50 năm xây dựng và phát triển của Viện Bảo tồn di tích. Ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp bảo tồn, gìn giữ di sản văn hóa nước nhà, Viện Bảo tồn di tích đã vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì do Chủ tịch nước trao tặng. Đây là phần thưởng xứng đáng dành cho những nỗ lực và các thành tựu mà Viện Bảo tồn di tích đã đạt đuợc trong những năm qua, là một mốc son ghi dấu ấn năm thứ 50 trên con đường phát triển của Viện.

PHƯƠNG ANH, ảnh: VIỆN BẢO TỒN DI TÍCH

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top