Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Vụ án người đốt đền: Cuộc "đối thoại" giữa hiện tại với quá khứ

Thứ Hai 03/01/2022 | 08:19 GMT+7

VHO- Tạo sự tương tác giữa quá khứ và hiện tại để đặt ra những câu hỏi lớn cho mỗi con người của thời đại hôm nay, đó là cách mà Herostratus (Vụ án người đốt đền) đã ghim lại dấu ấn trong lòng người xem. Vở diễn vừa được Sân khấu kịch Lệ Ngọc tổ chức tổng duyệt, ra mắt khán giả tại Nhà hát Lớn, Hà Nội.

 Cảnh trong vở “Vụ án người đốt đền” của Sân khấu kịch Lệ Ngọc

 Điều đặc biệt, vở diễn là sự hội ngộ những tên tuổi tài danh của nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu. Điều này đã mang tới cho Vụ án người đốt đền tư duy sáng tạo mới mẻ, hấp dẫn và gây được sự tò mò, háo hức cho giới nghề cũng như công chúng yêu kịch nói.

Đưa thời sự vào kịch kinh điển

Herostratus là tác phẩm sân khấu được tác giả Grigori viết vào năm 1972. Tác phẩm được đánh giá là một trong 100 vở kịch hay nhất mọi thời đại, khai thác câu chuyện có thật về tên tội phạm Herostratus - một kẻ to gan dám đốt đền thờ Nữ thần Artemis ở thành Ephesus vào năm 356 trước Công nguyên. Điều đáng nói là kẻ tội đồ này không hề chối tội mà ngang nhiên thừa nhận hành vi đã thiêu hủy một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại, với mục đích để tên tuổi của mình trở nên bất tử.

Ở nước ta, Vụ án người đốt đền đã từng được Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng thành công vào những năm 80 của thế kỷ trước. Lần này, vở diễn được đạo diễn Lê Quý Dương - người đã giúp Sân khấu kịch Lệ Ngọc “ẵm” giải Vàng tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 dàn dựng. Từ 150 trang kịch bản gốc, đạo diễn đã phóng tác phiên bản Việt Vụ án người đốt đền, tiết chế thời gian và đan cài vào cả những vấn đề thời sự của xã hội đương đại. Cố tình phạm tội ác nhằm có được danh tiếng, hành động của Herostratos đã được đặt trở lại với chính thời đại hôm nay, khi sự háo danh đã trở thành vấn nạn trong tư tưởng của rất nhiều người.

Không có những tình tiết quá kịch tính, cũng không có nhiều đoạn thắt mở đẩy vở diễn lên cao trào, nhưng Vụ án người đốt đền vẫn hấp dẫn người xem từ đầu đến cuối bởi tính hiện thực phê phán và cảnh tỉnh mạnh mẽ được làm bật lên từ từng màn đối thoại, để có thể thấy “những kẻ đốt đền” vẫn ngang nhiên tồn tại trong cuộc sống hôm nay. Vở diễn kết lại bằng cảnh Quan nhiếp chính Cleon, đại diện cho chính nghĩa, giết chết Herostratus trong tiếng ồn ào của những người thợ đang xây lại đền thờ Artemis. Cái kết này mở ra ánh sáng, niềm hy vọng về việc khơi dựng lại cái đẹp từ sự hoang tàn, song cũng đầy ám ảnh và nhức nhối khi một lần nữa nhắc đến vấn đề: Xây đền là công sức rất nhiều người nhưng không ai nhớ tên họ, trong khi tên tuổi kẻ đốt đền được nhắc mãi cùng thời gian…

Hành trình tự khám phá bản thân của nghệ sĩ

Tham gia chuyển tải một vở diễn “nặng ký”, bên cạnh diễn xuất của nghệ sĩ Văn Hải (vai Herostratus), NSND Lệ Ngọc (vai Klementin - vợ Nguyên soái) và các diễn viên trẻ của Sân khấu Lệ Ngọc, Vụ án người đốt đền còn có sự góp mặt đặc biệt của nhiều nghệ sĩ “gạo cội” như: NSƯT Lê Chức (nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, vai Người nhà hát); NSND Nguyễn Tiến Dũng (Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, vai Nguyên soái); NSND chèo Thúy Ngần (vai Nữ tư tế đền thờ Artemis); NSƯT Cải lương Hoàng Tùng (vai Người cho vay lãi)… Điều này đã mang đến nhiều sắc thái cũng như sức hấp dẫn cho vở diễn.

Khán giả đặc biệt thích thú với phần xuất hiện của nhân vật Người nhà hát, cũng là người dẫn chuyện do NSƯT Lê Chức thể hiện. Đây là nhân vật đại diện cho những người của thế kỷ XXI, dựng lại câu chuyện để truy vấn bản án đã đi vào lịch sử nhân loại. Phần đối thoại giữa Người nhà hát và các nhân vật trong vở diễn cũng là những cuộc đối thoại của quá khứ và hiện tại để nhìn thấu rõ vấn đề, mổ xẻ nguyên nhân và đặt ra câu hỏi cho chính những con người hôm nay. NSƯT Lê Chức chia sẻ: “Lúc đầu khi tập vai, cả đạo diễn và tôi đều mong muốn nhân vật Người nhà hát sẽ phải quyết liệt lên án tội lỗi của Herostratus. Nhưng rồi khi Herostratus phản luận rằng, Người nhà hát không thể truy xét hắn được, bởi xã hội đương đại vẫn còn những người như thế, thậm chí xấu xa hơn, thủ đoạn hơn... Cái ác nhen nhóm bắt đầu ngay từ trong gia đình, khi có không ít những ông bố, bà mẹ bỏ tiền ra mua bằng cấp cho con”.

Có thể thấy, với Vụ án người đốt đền, các nghệ sĩ đều đã khắc họa và thể hiện tốt nhân vật của mình. Nghệ sĩ Văn Hải đã hóa thân và chuyển tải được sự ranh ma, tinh quái của Herostratus; NSND Lệ Ngọc chỉ cần ánh mắt, giọng thoại cũng đã cho thấy sự hãnh tiến, hiểm độc; NSND Tiến Dũng thì tưng tửng nhưng lại lột tả được bản chất nham hiểm của Nguyên soái; NSƯT Hoàng Tùng thành công khi tạo nên một gương mặt tham lam của kẻ chuyên cho vay nặng lãi; NSƯT Lê Chức thì thể hiện được sự dày dặn trong kinh nghiệm diễn xuất bằng cách nhấn nhá đài từ với âm điệu truyền cảm; nghệ sĩ trẻ Quang Tú vào vai Quan nhiếp chính Cleon cũng đã thực sự mang tới một hình tượng nhân vật đại diện cho chính nghĩa chiến thắng cái ác…

Sự trở lại sân khấu kịch của NSƯT Lê Chức (sau 31 năm) và NSND Nguyễn Tiến Dũng (sau 24 năm) đã mang lại cho Vụ án người đốt đền những cung bậc cảm xúc đặc biệt. Khán giả biết đến NSND Nguyễn Tiến Dũng ở vai trò đạo diễn tài năng của Múa rối, nhưng ít ai biết ông được đào tạo bài bản chuyên ngành Diễn viên kịch nói. NSND Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ: “Được mời tham gia một vai trong kiệt tác sân khấu của thế giới như Vụ án người đốt đền thì bất kỳ người nghệ sĩ nào cũng khó lòng từ chối. Vai diễn là áp lực và thử thách lớn mà tôi muốn vượt qua, nhất là khi được diễn chung với các nghệ sĩ lão thành, tên tuổi. Tôi đến với Sân khấu kịch Lệ Ngọc cũng bởi sự trân trọng một sân khấu xã hội hóa mà mạnh dạn dàn dựng một tác phẩm kịch kinh điển”.

Vụ án người đốt đền là vở diễn thứ tư được Sân khấu kịch Lệ Ngọc dàn dựng trong năm 2021. Đơn vị này cũng đang nỗ lực luyện tập, dàn dựng vở mới Vang bóng một thời để có thể ra mắt trước dịp Tết Nguyên đán. Khai thác mọi đề tài từ thiếu nhi cho tới kinh điển, lịch sử và cả hiện đại…, có thể thấy việc đa dạng hóa đề tài đã khiến Sân khấu kịch Lệ Ngọc có được một dàn kịch mục phong phú, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của nhiều đối tượng khán giả. Và nói như NSND Nguyễn Tiến Dũng, “thật đáng trân trọng vì giữa lúc sân khấu đang gặp vô vàn khó khăn thì Sân khấu kịch Lệ Ngọc vẫn đều đặn cho ra những tác phẩm nghệ thuật nghiêm túc, được khán giả và đồng nghiệp đánh giá cao”. 

 THÚY HIỀN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top