Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Cơ hội vàng để củng cố niềm tin cho nhân viên y tế

Thứ Hai 03/01/2022 | 08:33 GMT+7

VHO-  Năm 2021 là năm đặc biệt của nhân viên y tế, đó là những ngày tháng triền miên chống dịch, xa gia đình, trong đó vất vả có, bi thương có và cả những vỡ òa hạnh phúc khi bệnh nhân được cứu sống, và vẻ vang trở về khi dịch được kiểm soát. Nhưng, đằng sau đó là những trăn trở…

 Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống, sức khỏe, tinh thần của y bác sĩ, nhân viên y tế Ảnh: T.DŨNG

Một năm qua của bác sĩ Ngô Hùng (Khoa cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai) là những tháng ngày chống dịch bắt đầu từ Tết âm lịch Tân Sửu 2021 với “chiến trường” Hải Dương, tới Hà Nam, Bắc Giang, TP.HCM. Khi vừa trở về Hà Nội, anh lại xung phong vào tâm dịch An Giang trước thềm Tết Nhâm Dần. Là bác sĩ cấp cứu, đi tới đâu, các anh đều có nhiệm vụ nặng nề nhất cứu chữa bệnh nhân nặng ở tầng 3, thiết lập các quy trình cấp cứu, các quy trình phát hiện, chuyển tầng cho bệnh nhân…

Khi dịch ở thời điểm căng thẳng, số bệnh nhân nặng tăng cao, số bệnh nhân tử vong cũng tăng lên là áp lực cho toàn ngành y tế, đặc biệt các bác sĩ ở tầng cuối cùng, nơi chứng kiến bệnh nhân ra đi khỏi tầm tay của họ. Nhiều y bác sĩ đã sốc, đã khóc, căng thẳng vì điều đó, nhưng ý chí mạnh mẽ đã giúp họ vượt qua vì hàng ngàn tính mạng bệnh nhân nặng khác đang chờ đợi, đang trông chờ ở họ. Và cũng có những khoảnh khắc hạnh phúc vỡ òa khi nỗ lực cứu sống bệnh nhân bằng mọi giá được đền đáp, bệnh nhân đi qua lằn ranh sinh tử, trở về với cuộc sống, chung niềm vui với gia đình khi được ra viện… Trong thời điểm tâm dịch ở Bắc Giang rồi đến một số tỉnh, thành phía Nam cũng như bác sĩ Ngô Hùng, hàng chục nghìn bác sĩ, nhân viên y tế, sinh viên các trường Đại học Y, dược cả nước đã ghi tên mình xung phong lên đường chi viện mà không biết ngày về, làm việc suốt ngày đêm với cường độ cao bất kể thời tiết nắng nóng, bỏng rát trong bộ đồ phòng dịch. Để rồi, vài tháng sau khi dịch đã được kiểm soát, họ âm thầm trở về, để được đoàn tụ với gia đình, trở về với công việc cứu chữa người bệnh.

Đã nhiều lúc, y bác sĩ, nhân viên y tế được tôn vinh như những vị anh hùng, nhưng theo bác sĩ Ngô Hùng, họ làm những điều này là sự tử tế, là trách nhiệm của họ, là chuyên môn được đào tạo. Họ sinh ra không phải để trở thành anh hùng, và không ai có thể là “anh hùng” mãi được, họ cần được đền đáp xứng đáng. Tuy nhiên, nghiên cứu về “Tình trạng lương khu vực công đối với nhân viên y tế tuyến đầu trong Covid-19” ở hơn 2.700 nhân viên y tế từ tuyến Trung ương đến cơ sở các cấp từ tháng 9-11.2021 (do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, phối hợp với ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (ActionAid), Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội và Viện Kinh tế và Công nghệ Y tế thực hiện) mới công bố đã cảnh báo những ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến thu nhập và khối lượng công việc trong ngành y. Kết quả nghiên cứu cho thấy, khoảng 60% nhân viên y tế đã phải cáng đáng khối lượng công việc và thời gian làm việc tăng lên đáng kể trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19; mức lương bình quân năm 2020 họ nhận được là 7,36 triệu đồng/tháng, nhiều người không thể chi trả hoặc có thể chi trả một phần chi phí sinh hoạt thiết yếu.

Hơn 1/3 nhân viên y tế cho biết lương, thưởng và phụ cấp của họ đã bị giảm, bên cạnh hơn 62% nhân viên tham gia chống dịch được khảo sát đến nay chưa nhận được bất kỳ một khoản phụ cấp nào. Điều này làm giảm đáng kể động lực làm việc và mong muốn gắn bó với công việc ở các y bác sĩ và nhân viên y tế, gián tiếp ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe – đối với người bệnh mắc Covid-19 cũng như những tình trạng bệnh lý khác đòi hỏi chăm sóc y tế chuyên sâu. Khoảng 80% người được hỏi trả lời là họ không thể chi trả, hoặc có thể chi trả một phần chi phí sinh hoạt thiết yếu hằng ngày. Một cán bộ y tế không chỉ đảm bảo cuộc sống của chính bản thân họ mà phải đảm bảo cho gia đình, con cái, người phụ thuộc... Liệu cán bộ y tế có tiếp tục công việc của mình hay không?

“Nghiên cứu chỉ rõ, chỉ có 3-4% cán bộ y tế chắc chắn nghỉ việc vào thời điểm hiện tại; tỷ lệ chắc chắn duy trì công việc hiện tại ở tuyến Trung ương là 45%, và tổng chung là 1/3 vẫn tiếp tục công việc hiện tại. Còn lại là có dự định thay đổi công việc trong tương lai. Nếu nhìn vào các bước thay đổi hành vi, kế hoạch thực hiện thì ý định nghỉ việc mới chỉ ở bước thứ 2, nghĩa là có ý tưởng; còn từ ý tưởng, dự định, có kế hoạch thay đổi là các bước tiếp theo”, PGS.TS Trần Xuân Bách, Phó chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Chuyên gia Kinh tế Y tế, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết. Cũng theo PGS.TS Trần Xuân Bách, đại dịch Covid-19 không chỉ làm thay đổi các yêu cầu với công việc mà còn ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống cũng như sức khỏe thể chất và tinh thần của các nhân viên y tế. Khoảng 40% trong số họ cho biết họ gặp phải những khó chịu và suy giảm về sức khỏe thể chất và 70% bị lo lắng và trầm cảm, dẫn đến 25% giảm mức độ hài lòng với công việc của họ. Con số gần 60% nhân viên y tế dự định nghỉ việc thì không có nghĩa là họ sẽ nghỉ việc nhưng đâu đó trong áp lực công việc họ đã có ý nghĩ không duy trì công việc này. “Và điều đó cho chúng ta cơ hội vàng là can thiệp kịp thời để củng cố niềm tin, động lực làm việc cùng với chế độ hỗ trợ cho người bệnh vừa là nhìn nhận ra thách thức hiện tại nhưng cũng củng cố cán bộ y tế trong dịch bệnh còn kéo dài”, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ nhấn mạnh.

TS.BS Hà Anh Đức, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cũng khẳng định, nghiên cứu là những bằng chứng thuyết phục để từ đó các nhà hoạch định có kiến nghị, chính sách phù hợp hơn đối với nhân viên y tế. Tương tự, theo bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng Đại diện ActionAid Quốc tế tại Việt Nam: “Việt Nam đã rất thành công trong kiềm chế các ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch đối với sức khỏe của người dân. Để có được thành công ấy có rất nhiều công sức của nhiều bên, và không thể không nhắc tới sự hy sinh thầm lặng của rất nhiều nhân viên y tế ở mọi cấp mọi miền Việt Nam. Báo cáo đã cho thấy cần cải cách tiền lương cho các y bác sĩ càng sớm càng tốt và cần xem xét nguồn tài chính cho việc tăng lương thỏa đáng này”. 

QUỲNH HOA

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top