Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Làng nghề khăn xếp vào vụ Tết

Thứ Tư 05/01/2022 | 10:41 GMT+7

VHO- Với người dân làng Giáp Nhất (thị trấn Nam Giang, Nam Trực, Nam Định), nghề làm khăn xếp đã trở thành niềm tự hào của nhiều thế hệ và in sâu vào trong tâm thức văn hóa của con người nơi đây. Công việc tỉ mẩn ấy diễn ra quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất luôn là quãng thời gian cận kề Tết Nguyên đán.

 Anh Đoàn Văn Thủy tỉ mẩn trang trí từng chi tiết trên chiếc khăn xếp hầu đồng

 Tinh hoa tụ lại

Khăn xếp, áo the được biết đến là trang phục truyền thống trong đời sống của người Việt, xa xưa tới mức không ai có thể biết chính xác những biểu tượng văn hóa ấy xuất hiện từ bao giờ. Ngày hôm nay, có thể tìm kiếm được vô vàn những cơ sở may áo the, song đối với khăn xếp thì có lẽ làng Giáp Nhất là một trong những địa phương hiếm hoi tại miền Bắc còn giữ được tinh hoa của nghề này.

Từ trước những năm 1945, chiếc khăn xếp đã theo gánh hàng của dân Giáp Nhất ngược sông Đào, qua bến Đò Quan để có mặt tại khắp các tỉnh thành. Vật đổi sao dời, lượng người mua cứ thưa dần… và mỗi ngày nghề khăn xếp càng thêm mai một! Không ít nghệ nhân tính chuyện dứt duyên với nghề. Một vài hộ vẫn còn “âm ỉ” lưu luyến với khung khăn, sấp lụa thì cũng chỉ làm cho có, bởi khó mà tìm được đường đưa khăn “ra chợ”. Lịch sử của thị trấn Nam Giang cũng ghi lại, thời điểm ấy, dường như chiếc khăn xếp chỉ còn là thứ sản phẩm “vang bóng một thời”.

Thế rồi, khi đất nước bước vào thời kỳ mở cửa, việc giao lưu và quảng bá văn hóa truyền thống có điều kiện phát triển trở lại, thì nườm nượp thương lái từ các tỉnh thành về làng hỏi mua khăn xếp. Tìm được thị trường tiêu thụ, nghề làm khăn xếp bỗng chốc hồi sinh, dần dà một nhà, hai nhà rồi cả làng đồng loạt quay trở lại với nghề. Hết thập niên 90 của thế kỷ XX, Giáp Nhất đã trở lại đúng tiêu chí làng nghề với hàng chục mẫu sản phẩm do hơn 100 hộ sản xuất.

Những bậc cao niên trong làng kể rằng, người xưa có để lại lề lối cổ về việc đội khăn xếp đối với đàn ông. Ở mỗi độ tuổi, họ sẽ đội khăn xếp theo màu khác nhau: Từ 50-60 tuổi sử dụng loại khăn xếp màu đen, có hoặc không có chữ Thọ cũng được; từ 70-89 tuổi phải đội khăn xếp màu đỏ, có chữ Thọ; các cụ ông từ 90 tuổi trở lên phải đội khăn màu vàng, chữ Thọ ở trên.

Ở miền Bắc, khăn xếp vẫn giữ nguyên hình dạng vốn có từ cổ xưa, còn miền Trung, miền Nam thì đã cách tân ít nhiều. Nếu kỳ công so sánh thì ta dễ thấy được phần lưỡi trai khăn xếp miền Bắc được quấn, xếp thành hình chữ Nhân, trong khi miền Trung, Nam là hình chữ Nhất. Điểm thứ hai là khăn miền Bắc có nếp quấn dày hơn và dựng ngang trong khi khăn của miền Trung, Nam thì dựng đứng. Tiếp theo là búi tó (búi để buộc tóc) khăn xếp phía Bắc đặt ở phần phía trên đỉnh đầu, miền Trung, Nam đặt thấp hơn, lùi xuống phía sau gáy.

Không sợ mai một

Để làm được một chiếc khăn xếp phải trải qua 7 công đoạn như cắt vải, cắt xốp, máy, quấn, vẽ hoa... Sau khi hoàn thành, chiếc khăn phải chắc chắn, độ dày các lớp đều nhau, cao độ của từng lớp hợp lý. Khăn xếp Giáp Nhất hiện có các loại như: Khăn 4 quấn, 7 nếp; khăn 5 quấn, 7 nếp; khăn 6 quấn, 9 nếp; khăn dùng trong tế lễ (nam giới đội); khăn hầu các giá đồng…

Khăn xếp bán quanh năm nhưng thời điểm giáp Tết được người làm nghề coi là “chính vụ”. Tranh thủ những ngày nắng nhẹ cuối năm, từng chồng khăn xếp đỏ, xanh, tím, vàng được người Giáp Nhất đem ra hong cho nếp hồ thêm cứng, thêm đanh lại. Khi ấy, khung cảnh của cả một cộng đồng cư dân sau lũy tre làng bỗng trở nên lung linh, rực rỡ sắc màu. Nhiếp ảnh gia Viết Dư, Hội viên Hội VHNT tỉnh Nam Định từng chia sẻ: “Hàng hàng, lớp lớp khăn xếp nằm ngay ngắn trong khoảng sân của những ngôi nhà mái ngói rêu phong, có lúc lại vắt vẻo bên những bờ tường trơ lớp gạch đượm màu thời gian, đôi khi chen cả vào hai bên đường đi trong các con ngõ khiến cho Giáp Nhất mang một vẻ đẹp khác lạ với những làng nghề mà tôi đã từng đi qua”.

Nâng niu chiếc khăn trên tay, anh Đoàn Văn Thủy rủ rỉ: “Chất liệu để làm khăn trước đây là vải lượt, nhiễu hay vải sa tanh cũ, cốt khăn làm bằng giấy. Bây giờ, khăn xếp được làm với chất liệu tốt hơn như lớp ngoài là sa tanh bóng, nhung, gấm..., bên trong là vải sợi lót, cốt khăn làm bằng mút. Không còn làm thủ công 100% như trước kia, người thợ đã từng bước đưa máy móc về phụ trợ, thay thế bàn tay con người. Các hộ trong làng cũng dần phân chia sản xuất theo từng công đoạn khác nhau để nâng cao năng suất. Thế nhưng, nếu không đủ kiên nhẫn và khéo léo, rất khó có thể xếp được một chiếc khăn đẹp và như ý”.

Giáp Nhất đã đi qua một năm 2021 với rất nhiều khó khăn, dịch Covid-19 khiến phần lớn những đơn hàng của khách ngoại tỉnh đều phải tạm gác lại. Hưởng ứng Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của UBND huyện Nam Trực, thị trấn Nam Giang đã mạnh dạn đăng ký sản phẩm khăn xếp của làng nghề Giáp Nhất. Đây được xem là phương án hiệu quả để khuyến khích người dân tiếp tục sản xuất và giữ nghề. Bà Lương Thị Thêu, chủ một cơ sở sản xuất lạc quan: “Cái hay của nghề là sản phẩm làm ra nếu chưa bán ngay thì lưu lại trong kho, do đó, người thợ có thể làm thường xuyên quanh năm. Mỗi tháng, thu nhập từ nghề ở mức 5-6 triệu đồng/người. Không chỉ có những người cao tuổi mới tâm huyết với nghề mà còn rất nhiều người trẻ cũng say mê và cháy bỏng ước mơ tiếp nối nghề truyền thống của làng”. 

 VŨ MỪNG; ảnh: ĐỨC ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top