Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Xu thế mới: Tuyển sinh bằng đánh giá năng lực, tư duy

Thứ Sáu 07/01/2022 | 10:31 GMT+7

VHO- Năm 2022 sẽ có 3 cơ sở ĐH tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để sử dụng kết quả cho việc tuyển sinh. Đây là xu thế sẽ ngày càng được mở rộng, trong bối cảnh Bộ GD&ĐT cho phép các trường tự chủ trong tuyển sinh, tách dần khỏi kỳ thi tốt nghiệp THPT.

 Học sinh cứ nắm chắc kiến thức cơ bản nằm trong nội dung đã được Bộ GD&ĐT điều chỉnh thì có thể đáp ứng yêu cầu của các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy Ảnh minh họa

Thi nhiều đợt, khích lệ phát triển năng lực, tư duy

Là một trong hai đơn vị sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, năm nay ĐHQGHN không chỉ tổ chức thi lấy kết quả tuyển sinh cho mình mà còn cho phép hơn 10 trường khác sử dụng chung kết quả để xét tuyển.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm khảo thí (ĐHQGHN) cho biết, Nhà trường đã có kế hoạch tổ chức 7 đợt thi đánh giá năng lực đối với học sinh PT vào năm 2022 để sử dụng kết quả này tuyển sinh ĐH. Kỳ thi này bắt đầu từ tháng 3 và đợt cuối dự kiến vào tháng 8. Thí sinh sẽ làm một đề riêng biệt trên máy tính và được bố trí giờ bắt đầu làm bài thi khác nhau. Quy trình xây dựng câu hỏi thi chuẩn hóa ở các mức độ để đảm bảo sự tương đương giữa các đề thi. Hiện tại, ĐHQGHN có khả năng tổ chức kỳ thi cho khoảng 100.000 thí sinh, với 7-8 đợt/năm. Ngoài ra, cơ sở này có thể sẽ phối hợp với các trường khác tổ chức thi theo hướng ĐHQGHN cung cấp phần mềm, quy trình, đề thi và giám sát.

Theo ông Thảo, đề thi kiểm tra năng lực khác với kiểm tra kiến thức thuần túy nên không nhất thiết phải học hết chương trình lớp 12 mới được đăng ký thi. Cụ thể, ở đợt thi đầu tiên là tháng 3.2022, thí sinh đang học chương trình lớp 12 đã có thể dự thi. Nếu chưa đạt, sau 28 ngày các em có thể được đăng ký thi lại đợt mới.

Bài thi đánh giá năng lực năm 2021 của ĐHQGHN có 150 câu hỏi, tổng thời gian làm bài là 195 phút. Cấu trúc bài thi gồm 3 phần: Phần một là Tư duy định lượng gồm 50 câu hỏi về Toán học, Thống kê và Xử lý số liệu dưới dạng trắc nghiệm và điền đáp án, thời gian làm bài 75 phút. Phần hai là Tư duy định tính với 50 câu hỏi về Văn học - Ngôn ngữ cũng dưới dạng trắc nghiệm, thời gian làm bài 60 phút. Phần 3 gồm 50 câu hỏi thuộc lĩnh vực Khoa học tự nhiên, Công nghệ và Khoa học xã hội, thời gian làm bài 60 phút.

Bài thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM gồm 120 câu hỏi dạng trắc nghiệm khách quan, triển khai trên giấy. Bài thi gồm ba phần: Phần kiểm tra khả năng đọc hiểu, sử dụng ngôn ngữ với 20 câu tiếng Việt và 20 câu tiếng Anh; Phần Toán học, Tư duy logic và Phân tích số liệu, mỗi nội dung gồm 10 câu; Phần giải quyết vấn đề thuộc các lĩnh vực Hóa, Lý, Sinh, Sử, Địa, mỗi lĩnh vực 10 câu. Số điểm tối đa của bài thi là 1.200 điểm/120 câu.

Trong khi đó, tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, bài thi đánh giá tư duy tập trung vào việc vận dụng kiến thức Toán THPT để giải quyết các vấn đề thực tế, hiểu biết về Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh); năng lực đọc nhanh, hiểu đúng vấn đề về Khoa học kỹ thuật và năng lực tiếng Anh của học sinh. Cấu trúc bài thi đánh giá tư duy gồm ba phần: Phần đánh giá năng lực Toán gồm các câu hỏi trắc nghiệm và tự luận, thi trong 90 phút; Phần đọc hiểu, thời gian làm bài trong 30 phút với khoảng 3-4 bài đọc, mỗi bài dài 800-1.000 từ về các lĩnh vực Khoa học tự nhiên, Kỹ thuật, Công nghệ, số câu hỏi sau mỗi bài đọc là 6-9 câu; Phần ba là bài tự chọn làm trong 60 phút, thí sinh sẽ làm một trong 3 nội dung là bài Lý - Hóa, Hóa - Sinh hoặc Tiếng Anh, tổng thời gian làm bài là 180 phút.

Theo một số chuyên gia, cách thức thi trên nếu được mở rộng sẽ là yếu tố khích lệ đổi mới dạy học ở bậc phổ thông theo hướng phát triển năng lực, tư duy. Nhưng hiện tại, cách thi này còn khá mới mẻ khiến nhiều nhà trường, phụ huynh và học sinh lo lắng.

Không luyện thi, không thi thử

GS Nguyễn Tiến Thảo khẳng định, ĐHQGHN không đưa ra phương thức để thu hút luyện thi và thi thử, giống như trước đây nhiều trường ĐH đã tổ chức ôn luyện cho thí sinh muốn dự thi theo đề thi của trường. “Năm 2022, dự kiến chúng tôi chỉ công bố 5 bài thi tham khảo, chủ yếu để thí sinh quen với dạng bài đánh giá năng lực”, ông Thảo cho biết.

Tuy nhiên, cũng có chung quan điểm với đại diện các cơ sở ĐH trên, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ GD trung học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, học sinh cứ nắm chắc kiến thức cơ bản trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12, nằm trong nội dung đã được Bộ GD&ĐT điều chỉnh thì có thể đáp ứng yêu cầu của các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy. “Đề thi theo ma trận đề của Bộ GD&ĐT cũng có các nhóm câu hỏi yêu cầu thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao. Những câu hỏi có tính phân hoá đòi hỏi học sinh nắm được bản chất của kiến thức môn học và vận dụng nó để giải quyết những yêu cầu đề thi đặt ra. Quá trình đó chính là cách kiểm tra năng lực, tư duy, không kiểm tra kiến thức thuần tuý kiểu học vẹt”, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa HN chia sẻ.

Trao đổi về điều này, bà Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ GD Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Đây là một xu hướng trong công tác tự chủ tuyển sinh của các trường. Bộ GD&ĐT khuyến khích tổ chức kỳ thi đảm bảo công bằng giữa các trường, các ngành, các thí sinh để đảm bảo chất lượng đầu vào, thí sinh có đủ năng lực để học tập, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, giảm áp lực và chi phí xã hội.

Theo thông tin tới thời điểm này, nhiều trường trong khối Công nghệ kỹ thuật khu vực phía Bắc lựa chọn sử dụng kết quả thi đánh giá tư duy của trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Nhiều trường thuộc các khối đào tạo khác nhau đã lựa chọn phương thức xét tuyển lấy kết quả thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN, dành đến 80-90% chỉ tiêu tuyển phương thức này. Có trường thì sử dụng nhiều phương thức, trong đó dùng kết quả thi đánh giá năng lực của 2 ĐHQG và đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa HN. Đơn cử như ĐH Kinh tế quốc dân là một trong những trường tốp đầu của khối Kinh tế, theo PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Kinh tế quốc dân thì trường này chỉ dành 10-15% chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Ngoài lượng thí sinh tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT, có tới 85-90% chỉ tiêu tuyển sinh dựa theo đề án của trường, trong đó sử dụng kết quả đánh giá năng lực, tư duy của cả ba cơ sở ĐH trên. 

 TRIỆU ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top