Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Chờn vờn mây trắng Thung Mây

Chủ Nhật 09/01/2022 | 09:04 GMT+7

VHO-  Bao bọc bởi các ngọn núi Trâu, núi Pó, núi Tiên, Lũng Vân có khí hậu quanh năm mát mẻ, cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ và nguyên sơ cùng nét sinh hoạt văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào Mường đã trở thành địa điểm hấp dẫn du khách.

Nằm cách trung tâm TP. Hòa Bình chừng 40km, xã Lũng Vân, huyện Tân Lạc (còn gọi là Mường Chậm) được ví như là "nóc nhà của đất Mường Bi", do nằm trên những ngọn núi cao trùng điệp thấp thoáng trong mây và cũng là cái nôi văn hóa lớn và cổ xưa nhất ở xứ Mường Hòa Bình.

Vẻ đẹp lung linh, huyền ảo của Lũng Vân.

Vẻ đẹp lung linh, huyền ảo của Lũng Vân

Lũng Vân nằm ở độ cao 1.200 mét so với mực nước biển và quanh năm mây mù bao phủ nên còn được gọi là Thung Mây. Ngoài ra, còn chứa đựng những câu chuyện truyền miệng mà các du khách luôn muốn khám phá.

Theo truyền thuyết được ghi lại trong áng mo “Đẻ đất, đẻ nước” của người Mường thì từ xa xưa đã xảy ra một cơn đại hồng thuỷ. Dòng nước cuộn xiết đã cuốn trôi hết nhà cửa, trâu bò, con người và cả núi rừng. Giữa lúc nguy nan ấy, có đôi vợ chồng may mắn bấu víu được vào một chiếc bè. Chiếc bè cứ thế chìm nổi trong sóng dữ hết ngày này sang này khác cho đến khi vướng vào một cây cổ thụ khổng lồ có tên là Bi. Rễ cây này ăn xuyên qua “chín sông, mười núi” bền chắc đến nỗi cơn đại hồng thuỷ kia không thể làm bật gốc. Khi cơn hồng thuỷ rút đi, đôi vợ chồng nọ cũng không biết quê xứ của mình ở đâu để trở về. Không biết đi đâu, họ ở lại dựng nhà dưới gốc cây Bi, sinh con đẻ cái, phát rừng làm nương, cày cuốc sườn đồi thành ruộng bậc thang, làm cọn lấy nước, thuần phục muông thú thành vật nuôi, lập bản, lập mường.

Những nếp nhà sàn cổ kính ở Lũng Vân.

Những nếp nhà sàn cổ kính ở Lũng Vân

Với những du khách ưa thích dịch chuyển, Lũng Vân được coi là “vùng đất của sương mù” và nhanh chóng trở thành điểm đến cuốn hút bởi những mái nhà sàn dốc có kiến trúc hình con rùa cổ kính cùng bản sắc văn hóa độc đáo, mang nét riêng biệt của đồng bào Mường.

Để đến được Lũng Vân, du khách phải vượt qua những cung đèo ngoằn ngoèo, sau đó trườn ngược lên những sườn núi dốc đứng. Ở trên cao, nơi những ngọn núi chìm trong biển mây chính là nóc nhà của xứ Mường Bi, và cũng là Lũng Vân, bản cao nhất của toàn xứ Mường Hòa Bình.  

Bên dưới lòng chảo, Lũng Vân hiện ra trước mắt du khách bởi những mái nhà sàn như treo trên lưng chừng sườn núi, lúc ẩn lúc hiện trong mây. Ở đây, những nếp nhà sàn được bảo tồn khá nguyên vẹn bất chấp dòng chảy của thời gian. “Nếu muốn nghỉ lại, du khách có thể trực tiếp đăng ký với người dân”, ông Hà Văn Minh, một người dân Lũng Vân cho biết.

So với những nơi khác, văn hóa Mường truyền thống ở Lũng Vân được bảo tồn khá nguyên vẹn trong cuộc sống sinh hoạt cộng đồng, như những lễ hội: Nạ Mụ, nhóm lửa, xuống đồng, rửa lá lúa, khai hạ, cơm mới... và còn nhiều thứ khác nữa: “Tất cả những giá trị văn hóa của dân tộc cũng như phong tục tập quán chúng tôi đều còn giữ lại được. Khi đến đây, du khách sẽ được đi thăm xung quanh bản, trực tiếp xem chị em phụ nữ làm thổ cẩm và ngắm nhìn cảnh quan núi rừng tuyệt đẹp” - chị Đinh Thị Ngoan, thành viên đội văn nghệ Lũng Vân cho biết.

Trong cái lạnh se se nơi miền sơn cước, tiếng cồng chiêng dưới nếp nhà sàn như vang động cả núi rừng. Sự thanh bình và mến khách của những người dân Lũng Vân hiền lành, chất phác dễ khiến du khách mở lòng, tạm gác mọi lo toan thường nhật để hòa mình vào phong tục văn hóa của Mường Bi.

“Những đứa trẻ khi sinh ra và đầy cữ, gia đình đều mời đội chiêng đến để động viên hoặc khi có đám cưới cũng mời đội chiêng đến để chia vui, động viên. Khi có người quá cố, nhất là các cụ cao niên tuổi từ 80 trở lên chúng tôi cũng có những tiếng chiêng để đưa hồn các cụ về nơi an nghỉ cuối cùng. Tiếng chiêng này nó gắn bó với dân tộc Mường của chúng tôi từ xa xưa đến bây giờ” - bà Nguyễn Thị Lâm, người cao tuổi của Lũng Vân chia sẻ.

Màu trắng của mây, màu vàng của nắng hòa vào làm một tạo nên bức tranh tuyệt diệu giữa miền sơn cước.

Màu trắng của mây, màu vàng của nắng hòa vào làm một tạo nên bức tranh tuyệt diệu giữa miền sơn cước

Thiên nhiên thật ưu ái khi ban cho Lũng Vân một cảnh sắc vẹn toàn. Có ý kiến cho rằng, mùa đẹp nhất của Lũng Vân phải là sau Tết Nguyên đán khi mà trời đất tràn ngập sắc xuân và vạn vật khoác lên mình tấm áo mới. Tuy nhiên, theo ông Đoàn Văn Thành, du khách Hà Nội thì dù đến đây vào bất kỳ thời điểm nào trong năm cũng sẽ cảm nhận được một vùng đất xinh đẹp, đáng sống: “Ở đây đang còn rất sơ khai, chưa có nhiều người đến khám phá. Sự hoang sơ của phong cảnh thiên nhiên, sự chân phác hồn hậu tự nhiên của người dân khiến du khách thực sự thích thú”.

Buổi sáng ở Lũng Vân gió mát và nắng nhẹ, những áng mây trắng chờn vờn trên khắp các đỉnh núi, bản làng… Buổi trưa mặt trời lên cao, nắng xuyên qua lớp mây mù dày đặc tràn xuống thung lũng là thời điểm lý tưởng dành cho du khách.

Được bao bọc bởi các ngọn núi Trâu, núi Pó, núi Tiên, Lũng Vân có khí hậu quanh năm mát mẻ, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ và nguyên sơ cùng nhiều nét sinh hoạt văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào Mường đã trở thành địa điểm hấp dẫn cho những bước chân muốn chinh phục xứ mây mù quanh năm bao phủ.

VOV.VN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top