Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Làng nghề bánh mứt “chạy đua” ngày cận Tết

Thứ Tư 12/01/2022 | 08:57 GMT+7

VHO- Xuân Nhâm Dần đã cận kề, người dân ở làng bánh, mứt truyền thống Quảng Ngãi đang hối hả để kịp phục vụ khách hàng gần xa. “Vào vụ” từ giữa tháng 11 âm lịch và tất bật cho đến những ngày cuối cùng của năm, công việc tuy vất vả nhưng ai cũng phấn khởi vì cái Tết ấm no đã cầm chắc trong tay.

 Cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán, cơ sở bánh nổ của chị Nguyễn Thị Lượng lại xuất từ 3 - 3,5 tấn bánh ra thị trường

Về thăm những làng nghề trên địa bàn tỉnh vào dịp giáp Tết Nguyên đán 2022, chúng tôi được chứng kiến không khí rộn ràng, khẩn trương ở khắp mọi nơi. Mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, song đây là thời điểm “đắt hàng” nhất nên các cơ sở sản xuất đều tăng tốc để đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng phục vụ nhu cầu của người dân. Cơ sở sản xuất của chị Nguyễn Thị Liễu (47 tuổi) thôn Điền Trang, xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa đang rộn ràng những tiếng búa gõ nhịp nhàng vào chày để làm ra những đòn bánh nổ; mùi thơm của nếp bung chín hòa quyện cùng với đường, vừng, gừng, quế bột… bay lên ngào ngạt.

Chị Liễu cho hay, cơ sở sản xuất của gia đình chị mỗi ngày làm ra 200-250 kg bánh nổ, mỗi kg có giá 100 ngàn đồng. Nhờ quan tâm đến mẫu mã, chất lượng nên sản phẩm của gia đình chị không chỉ cung cấp cho thị trường trong tỉnh mà còn đưa đi tiêu thụ ở nhiều nơi. “Nghề làm bánh nổ là do cha mẹ tôi truyền lại đến nay đã gần 30 năm. Để làm ra những chiếc bánh thơm ngon thì khâu nguyên liệu rất quan trọng. Tôi chọn nếp hương của vụ mùa tháng 3, đem phơi khô rồi cất kỹ. Đến ngày gần làm bánh thì đem nếp ra phơi thêm một lần nữa. Nếp được rang trên bếp than hồng. Khi nếp nổ sẽ làm bung vỏ trấu ra ngoài, cuối cùng chỉ còn lại những bông nếp thơm, trắng ngần”, chị Liễu chia sẻ.

Không ai biết nghề làm bánh nổ có từ bao giờ, người dân nơi đây chỉ biết rằng nghề đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác hàng trăm năm nay. Hiện thôn Điền Trang, xã Nghĩa Trung còn khoảng 15 hộ gắn bó với nghề. Cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán, cơ sở bánh nổ của chị Nguyễn Thị Lượng (47 tuổi) lại xuất 3 - 3,5 tấn bánh ra thị trường. “Người dân thường trang trọng dâng bánh nổ lên trang thờ ông Táo, trang Ông, trang Bà để tưởng nhớ và cầu nguyện mùa màng được bội thu, ấm no cho gia đình nên dù dịch bệnh, mặt hàng này vẫn bán chạy”, chị Lượng thổ lộ.

Những ngày cuối năm, cơ sở sản xuất đường phèn, đường phổi Mỹ Nhật ở xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa) lại “đỏ lửa”, nhộn nhịp vào vụ mứt gừng. Mỗi người một việc, từ chọn gừng, cắt gọt, rửa sạch, luộc gừng, rim mứt, phơi mứt, đóng gói... Rim gừng là khâu quan trọng nhất, suốt quá trình rim, người thợ phải túc trực thường xuyên bên chảo để giữ độ lửa đều. Lửa quá nhỏ hay quá lớn cũng đều làm ảnh hưởng đến chất lượng của mẻ mứt. “Ngày Tết cổ truyền Việt Nam không thể thiếu các món mứt, đặc biệt là mứt gừng. Gừng đại diện cho sự ấm cúng, mạnh khỏe và hòa hợp vào dịp đầu xuân. Tôi chủ yếu lựa gừng bánh tẻ ở Tây Nguyên trồng trên đất đỏ. Cắt mỏng, rửa sạch, luộc kỹ, rim cho tới khi mứt giòn mới ngon”, chủ cơ sở này cho biết.

Cơ sở sản xuất bánh mì xốp Hải Vinh, ở xã Hành Trung, huyện Nghĩa Hành cũng đang nhộn nhịp vào vụ Tết. Chị Nguyễn Thị Thu Vinh chia sẻ, gia đình chị đã 40 năm giữ nghề truyền thống, để có được những chiếc bánh mì xốp thơm ngon, khâu chọn nguyên liệu, an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu. “Khách hàng rất ưa chuộng bánh truyền thống được nướng bằng lò than. Năm nay, tôi chủ yếu làm theo đơn đặt hàng chứ không dám dự trữ. Mỗi ngày tôi làm được 20 kg bánh, tiêu thụ hết trong ngày. So với năm ngoái thì cũng chậm hơn”, chị Vinh nói.

Một mùa xuân mới đang về, các làng nghề truyền thống đang “chạy đua” với thời gian để kịp phục vụ nhu cầu của khách hàng. Những sản phẩm bánh mứt kẹo truyền thống không chỉ giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, mà còn góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của quê hương Quảng Ngãi.

 Nghề làm bánh truyền thống đã góp phần tăng thu nhập và ổn định kinh tế cho nhiều gia đình. Hội Liên hiệp phụ nữ xã là cầu nối để giới thiệu việc làm cho các chị em khi có cơ sở nào cần nhân công lao động. Sản phẩm bánh nổ truyền thống của địa phương đã được đánh giá OCOP và giới thiệu ở cấp huyện, tỉnh…

(Chị VÕ THỊ THU SANG, Chủ tịch Hội LHPN xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa)

 NHƯ ĐỒNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top