Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Xung quanh việc hai di tích quốc gia bị xâm hại nghiêm trọng tại Bắc Ninh: Trách nhiệm của địa phương ở đâu?

Thứ Tư 12/01/2022 | 09:40 GMT+7

VHO- Vóc dáng mấy trăm năm của ngôi cổ tự đã “vỡ vụn”, nay chỉ còn lại đống gạch lổn nhổn. Khung cảnh này cũng diễn ra tương tự tại ngôi đình ở vị trí cách đó không xa. Đó là hiện trạng của di tích chùa Thiên Phúc và đình Đại Lâm, thuộc cụm di tích quốc gia đình, đền, nghè, chùa Đại Lâm (xã Tam Đa, Yên Phong, Bắc Ninh). Trước cảnh tượng đó khiến người dân xót xa, tiếc nuối.

Di tích đình Đại Lâm bị xâm phạm nghiêm trọng

Câu “giá như…” đã thành cửa miệng khi nói về câu chuyện tu bổ, tôn tạo di tích nơi đây. Nhưng có một điều tiếc nuối lớn nhất là giá như chính quyền địa phương sát sao hơn trong công tác quản lý, bảo vệ di tích thì có lẽ cảnh tượng xót xa này đã chẳng xảy ra.

Xót xa đình, chùa cổ tan hoang

Chúng tôi đến chùa Thiên Phúc, đình Đại Lâm khi cả hai di tích đều đang bị tạm dừng thi công, chờ chỉ đạo giải pháp khắc phục. Vậy là, những giá trị hồn cốt của di tích đã vĩnh viễn mất đi, không thể nào lấy lại.

Đó là tòa Tam bảo và nhà Tổ, yếu tố cấu thành gốc của di tích chùa Thiên Phúc trong phút chốc đã là quá khứ. Hiện ở nơi này chỉ còn những đống gạch vỡ ngổn ngang, những đồ thờ, hiện vật nhà Tam bảo phải tạm bảo quản ở ngay cạnh nền móng cũ của di tích. Đó là hình ảnh tòa Tiền tế cổ ở đình Đại Lâm đang phủ bạt. Xung quanh là quang cảnh tan hoang bởi công trình phải tạm dừng thi công.

Chùa Thiên Phúc được khởi dựng từ thế kỷ XVI, dấu vết là hàng gạch xây móng chùa có trang trí hình rồng mang phong cách mỹ thuật thời Mạc. Đến thế kỷ XVII-XVIII, chùa được trùng tu mở rộng. Trong giai đoạn tiền khởi nghĩa, chùa là địa điểm nuôi giấu cán bộ giúp Việt Minh. Chính vì vậy, chùa bị thực dân Pháp phá hủy. Sau này chùa đã được Nhà nước trao tặng đồng tiền vàng có khắc dòng chữ “Tổ quốc ghi công”, nay vẫn còn bảo lưu tại chùa. “Chùa được dựng bằng gỗ xoan, trải qua năm tháng tòa Tam bảo đã xuống cấp nghiêm trọng. UBND xã lập danh sách đề nghị các cấp quan tâm hỗ trợ kinh phí chống xuống cấp trong năm 2022. Nhưng có lẽ vì sốt ruột nên nhà chùa và một số người dân đã xin đảo lại ngói, thay một số hoành dui bị mối mọt, trát lại những bức tường đã bị lở chóc. Khi thực hiện tháo dỡ, hoành, dui và một số đầu cột kèo bị mọt nên đã sụt đổ hai gian trái, sau đó toàn bộ mái và tường nhà Tam bảo tiếp tục bị hạ giải mà không báo cáo với chính quyền địa phương…”, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Đa Nguyễn Văn Tân cho biết.

Cách chùa Thiên Phúc không xa, đình Đại Lâm được khởi dựng vào thời Lê Trung hưng, khoảng thế kỷ XVIII. Dấu tích còn lại cho thấy đình trước đây có quy mô lớn. Vào những năm 1977-1978, tòa Đại đình bị cháy, địa phương chuyển toàn bộ tòa Tiền tế vào vị trí của tòa Đại đình, và tận dụng gỗ cũ để dựng phần Hậu cung theo lối chồng diêm để đặt ban thờ Thành hoàng. Giá trị kiến trúc nghệ thuật của đình Đại Lâm là cổng Tam quan, Tiền tế và hệ thống 7 bia đá và các đồ thờ tự được tạo tác từ thời Lê Trung hưng, thời Nguyễn…

Hiện trường hạ giải toàn bộ tòa Tam bảo, chùa Thiên Phúc

Theo Sở VHTTDL Bắc Ninh, theo nguyện vọng chung về việc phục hồi Đại đình, UBND xã Tam Đa đã thuê đơn vị tư vấn, lập phương án tu bổ, phục hồi Đại đình. Trong quá trình hoàn thiện hồ sơ trình các cấp, ngày 30.8.2021, nhân dân trong thôn đã cho san đất, hạ giải mái ngói, đóng gông tòa Tiền tế cổ để di chuyển đến vị trí khác với mục đích chuẩn bị mặt bằng cho việc phục hồi Đại đình. Việc làm này đã vi phạm Luật Di sản văn hóa vì khi thực hiện hồ sơ tu bổ, tôn tạo di tích chưa hoàn thiện, chưa có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền.

Chính quyền ở đâu?

Nắc nỏm, ông Trần Thọ Thêm, cán bộ văn hóa xã Tam Đa nói: “Giá như, nhận thức của nhân dân rõ hơn một chút để báo cáo lãnh đạo địa phương, xin ý kiến các cấp làm các thủ tục thì không có chuyện này…”.

Trao đổi với Văn Hóa, Trưởng phòng VHTT huyện Yên Phong Nguyễn Thành Khôi thừa nhận, huyện đã không phát hiện kịp thời, để xảy ra sự việc đáng tiếc. “Khi nhận được tin báo, huyện đã kiểm tra và yêu cầu xã lập biên bản. Nhưng khi đó toàn bộ tòa Tam bảo cũng như nhà Tổ của chùa đã bị hạ giải. Phòng đã tham mưu UBND huyện ra văn bản yêu cầu dừng thi công tại chùa và kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể có liên quan. Sau đó, huyện cũng đã có văn bản chỉ đạo địa phương có trách nhiệm bảo quản toàn bộ hiện vật, di vật đã hạ giải để bảo quản, tránh tình trạng sai phạm chồng sai phạm…”, ông Khôi cho biết.

Tại văn bản ngày 29.11.2021, Sở VHTTDL Bắc Ninh nêu rõ, việc phá dỡ toàn bộ tòa Tam bảo và nhà Tổ và tiến hành xây nền móng mới khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép đã vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa. Để ngăn chặn kịp thời các vi phạm, Sở đề nghị UBND huyện Yên Phong thực hiện tốt công tác quản lý di tích ở địa phương, theo quyết định của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định quản lý di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn. Đồng thời, dừng ngay việc phá dỡ, xây dựng mới di tích chùa Thiên Phúc khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Đồ thờ hiện vật được tạm bảo quản ngay bên cạnh nền của tòa Tam bảo bị hạ giải

Phó Chủ tịch UBND xã Tam Đa Nguyễn Văn Tân cho biết, địa phương đã lập biên bản kiểm đếm tài sản, giữ nguyên hiện trạng. Bên cạnh đó, tổ chức cuộc họp để kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân sai phạm trong việc tự ý tháo dỡ tòa Tam bảo, nhà Tổ… Tại đình Đại Lâm, sau khi phát hiện vi phạm, Sở VHTTDL yêu cầu địa phương dừng thi công tu bổ di tích. Địa phương đã dừng việc tháo dỡ tòa Tiền tế và cho phủ bạt bảo quản chờ ý kiến cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, ít ngày sau, địa phương lại tự ý cho đào móng và đổ giằng bê tông cốt thép 16 trụ móng của tòa Đại đình để phục hồi theo thiết kế. Sở VHTTDL tiếp tục lập biên bản và yêu cầu địa phương dừng thi công, nghiêm túc thực hiện sự chỉ đạo và hướng dẫn của cơ quan chức năng; đồng thời hướng dẫn UBND xã Tam Đa và nhân dân địa phương hoàn thiện các thành phần hồ sơ phục hồi Đại đình, gửi đề nghị Bộ VHTTDL.

Dường như câu nói “giá như…” đã thành cửa miệng mỗi khi ai đó được hỏi về câu chuyện tu bổ, tôn tạo di tích nơi đây. Nhưng có một điều tiếc nuối lớn nhất mà chúng tôi cảm nhận được, đó là “giá như” chính quyền địa phương ở đây sát sao, trách nhiệm hơn trong công tác quản lý di tích cũng như tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức, tuân thủ pháp luật về bảo vệ di tích thì có lẽ, cảnh tượng này đã không xảy ra. Bà Nguyễn Thị Quắm, người gắn bó lâu năm với chùa nói: “Chúng tôi có biết đâu di tích quốc gia là phải như thế nào, chỉ thấy chùa sắp sụp, ngói hỏng nhưng khi gỡ ra thì nát hết. Hằng ngày tụng kinh, chỉ sợ chẳng may có ai bị làm sao nên mới hạ giải toàn bộ….”. Ông Nguyễn Văn Viễn, BQL di tích thì lý giải ngôi chùa bị phá hủy trong thời kháng chiến chống Pháp. Sau này, địa phương phục dựng lại nên kết cấu rời rạc, chắp vá. Di tích xuống cấp nặng nề, lại không nắm được quy trình, không hiểu rõ luật nên nhân dân đã không báo cáo các cấp chính quyền mà tự ý tháo dỡ...

Người dân là vậy, nhưng còn chính quyền địa phương thì sao? Ngay trên địa bàn quản lý mà cả quá trình người dân tự ý hạ giải toàn bộ công trình, chính quyền thôn và xã đều không hay biết. Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo xã Tam Đa cũng nhận một phần trách nhiệm do chưa nắm bắt tình hình kịp thời. Tuy nhiên, thiết nghĩ rằng, không chỉ là thiếu kịp thời, trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đây đã bị buông lỏng, lơ là trước số phận của những di tích quốc gia quan trọng.

 

 Khắc phục hậu quả như thế nào?

Ngày 22.12, Bộ VHTTDL đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương xử lý vụ việc, báo cáo UBND tỉnh và Bộ VHTTDL, tránh gây bức xúc trong nhân dân và cộng đồng.

Trước đó, Bộ VHTTDL và Cục Di sản văn hóa đã có hai văn bản đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh phối hợp cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra việc tu bổ, tôn tạo di tích đình Đại Lâm, đề xuất phương án xử lý. Tuy nhiên, đến thời điểm ngày 22.12, Bộ vẫn chưa nhận được ý kiến của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc này.

 PHƯƠNG ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top